Kỳ Anh

Hà Tĩnh: Dự án trăm tỷ èo uột, Mitraco loay hoay tìm “lối thoát”

Được đầu tư 115 tỷ đồng, Nhà máy Thực phẩm chế biến Mitraco sau 3 năm hoạt động đã không đạt được hiệu quả như mong đợi. Mitraco Hà Tĩnh đang phải tìm cách để vượt qua “cơn bĩ cực”.

Nhà máy thực phẩm chế biến Mitraco (Công ty TNHH Thực phẩm chế biến Mitraco, đơn vị thành viên của Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh) được quy hoạch xây dựng trên diện tích 12,5 ha tại phường Kỳ Trinh (Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

Dự án được chủ đầu tư là Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh phê duyệt tại quyết định số 51/QĐ-HĐQT ngày 14/7/2013, có tên gọi ban đầu là “Nhà máy chế biến súc sản Mitraco”. Dự án có số vốn đầu tư giai đoạn 1 là hơn 115 tỷ đồng (trong đó vốn ưu đãi + hỗ trợ địa phương 30 tỷ đồng; vốn tự có của chủ đầu tư 29 tỷ đồng; vốn vay ưu đãi 56,9 tỷ đồng) và thực hiện dự án trong 15 năm.

 Nhà máy Thực phẩm chế biến Mitraco tại TX Kỳ Anh được đầu tư 115 tỷ đồng

Được triển khai xây dựng theo yêu cầu của UBND tỉnh Hà Tĩnh nhằm tập trung giải quyết đầu ra cho người chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn, nhà máy Thực phẩm chế biến Mitraco được đầu tư hệ thống dây chuyền thiết bị hiện đại đạt chuẩn Châu Âu với công suất giết mổ lợn 120 con/h, dây chuyền giết mổ bò 50 con/ca và dây chuyền chế biến sản phẩm 5 tấn/ngày.

Với số vốn đầu tư “khủng”, hướng tới sản xuất chuỗi sản phẩm khép kín chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, dự án được xem như là bước đầu tư chiến lược của ngành nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh nói chung và của Mitraco nói riêng, làm cơ sở bền vững để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm của Mitraco và tỉnh Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, sau 3 năm kể từ khi đi vào hoạt động, doanh thu của nhà máy này đang khá bấp bênh, hoạt động sản xuất kinh doanh chưa mang lại hiệu quả đề ra, nếu như không muốn nói là ảm đạm.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Thắng – Trưởng phòng kinh doanh Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh – cho biết: “Nhà máy chính thức hoạt động từ tháng 7/2014 nhưng đến nay chưa mang lại hiệu quả. Doanh thu 6 tháng cuối năm 2014 là khoảng 7 tỷ đồng, năm 2015 là 24 tỷ đồng, năm 2016 là 27 tỷ đồng, chưa có lợi nhuận”.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo ông Thắng là do dự án chịu sự tác động từ cơ chế quản lý nhà nước vốn còn nhiều rườm rà, do chính sách nhập khẩu sản phẩm của các quốc gia bên ngoài có các hàng rào đối lập tạo nên những khó khăn mà công ty này phải liên tục tìm cách tháo gỡ.

“Thị trường xuất khẩu có những yếu tố khách quan chưa vượt qua được, còn thị trường nội tỉnh có những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát đang phải khắc phục”, ông Thắng nói.

Dự án của Mitraco trong 3 năm liên tiếp không có lợi nhuận, thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn

Theo vị trưởng phòng, trước đó Công ty TNHH Thực phẩm chế biến Mitraco ký hợp đồng cung cấp nhiều loại sản phẩm cho Công ty TNHH gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Tuy nhiên, khi sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung xảy ra, các hoạt động của Formosa Hà Tĩnh có phần sụt giảm đã khiến cho việc tiêu thụ sản phẩm cũng trở nên khó khăn, không đạt được kết quả mà Mitraco mong đợi.

Để giải quyết tình hình, Công ty TNHH Thực phẩm chế biến Mitraco hiện đang tìm cách liên kết với các đối tác mới nhằm mở rộng thị trường trong nước. Tuy nhiên, giải pháp này hiện gần như vẫn đang nằm trên giấy tờ, đồng nghĩa với việc khó khăn của công ty vẫn chưa thể giải nhanh chóng.

Được biết, sau khi thực hiện cổ phần hóa thì nhà nước vẫn nắm giữ hơn 83 % số vốn tại Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, công ty này vẫn trực thuộc UBND tỉnh Hà Tĩnh. Việc Mitraco đầu tư dự án hàng trăm tỷ nhưng không mang lại hiệu quả đã trở thành mối quan tâm lớn của người dân, nếu dự án bị “chết yểu” thì ai sẽ chịu trách nhiệm?

Báo Gia đình Việt Nam sẽ tiếp tục phản ánh sự việc đến bạn đọc…

Tác giả: T.Hùng

Nguồn tin: Báo Gia đình Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP