Phóng sự - Ký sự

Hà Tĩnh: Dự án hàng trăm tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ chưa xong đã xuống cấp thê thảm! (Kỳ I)

Dự án Hạ tầng sống chung với lũ các xã ngoài đê La Giang, huyện Đức Thọ – Hà Tĩnh có tổng mức đầu tư 290 tỷ đồng được khởi công vào tháng 4 năm 2013, theo tiến độ đến 30/06/2016 mới hoàn thành đưa vào sử dụng. Nhưng hiện nay rất nhiều hạng mục của dự án đã bị xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt có một số hạng mục nhà thầu thi công không theo thiết kế nhưng vẫn không bị xử lý. Dư luận ở vùng hưởng lợi đặt ra nghi vấn “liệu có sự móc ngoặc, rút ruột công trình giữa các bên liên quan?”

hatinh24h

Điểm tiếp giáp giữa mặt cầu và dầm lan can bị hở toác ra không đảm bảo chất lượng

Tầm quan trọng của công trình chống lũ

Huyện Đức Thọ – Hà Tĩnh có hơn 2/3 diện tích của 17 xã hàng năm thường xuyên bị ảnh hưởng lũ lụt, bởi đây là nơi hợp lưu của các con sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, sông La và sông Lam. Đặc biệt, có 7 xã nằm trọn trong vùng ngập lũ là: Trường Sơn, Liên Minh, Đức Tùng, Đức Quang, Đức Châu, Đức La, Đức Vĩnh, địa hình thường xuyên bị chia cắt vào mùa lũ, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Để phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại về ngưới và tài sản của Nhà nước và nhân dân đồng thời tạo điều kiện cho các xã vùng lũ sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, từ giữa năm 2013 dự án chính thức được khởi công xây dựng.

Dự án do UBND huyện Đức Thọ làm chủ đầu tư, công ty CP tập đoàn Xuân Thành đóng tại tỉnh Ninh Bình thi công, công ty CP tư vấn xây dựng dân dụng và công nghiệp Ninh Bình đóng tại tỉnh Ninh Bình giám sát, nhà thầu thiết kế là liên danh công ty CP TV XD HANOCO và công ty CP tư vấn xây dựng Thăng Long đóng tại Nghệ An thực hiện.

Thi công ẩu, chất lượng công trình vô cùng…kém!

Thép chờ bị hoen rỉ tại vị trí cầu đang thi công

Dự án được chia thành các tuyến chính, tuyến phụ và các hạng mục trên tuyến tập trung chủ yếu ở địa bàn 2 xã ngoài đê là Liên Minh và Đức Tùng. Trong đó tuyến chính được thiết kế nền đường 9m mặt bê tông 8m, tuyến nhánh nền đường 6,5m mặt bê tông 5.5m, max 300 đá 1×2 dày 25cm, khe co giãn nằm cách nhau 6m/ 1 khe.

Tại các khe co giãn được thiết kế có thanh truyền lực 8 thanh/ 1 khe, và 2 lớp giấy dầu, nhựa đường, lề 0.5m x2, nền đường đắp đất đồi hệ số đầm chặt k=0.98, hai mái được kè bằng đá hộc 25cm đến 30cm nhém mạch bằng vữa cát trộn xi măng max 75(đối với tuyến chính), tuyến nhánh hai mái trồng cỏ chống sạt lỡ, 2 bên được lắp đặt gờ chắn bánh và hệ thống cọc tiêu, biển báo. Đặc biệt trên tuyến chính có 4 cây cầu lớn theo thông tin cán bộ BQLDA thì đến nay 2 cầu đã thi công cơ bản hoàn thành, 2 cầu còn lại dự kiến đến 30 tháng 06 năm nay sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.

Một trong những khe co giãn nghi không đúng thiết kế

Mặc dù được thiết kế hết sức kiên cố, vững chắc nhưng thời điểm PV có mặt tại hiện trường nhiều vị trí mặt đường đã bị nứt gãy, phần bề mặt bong tróc nham nhỡ, nhiều vị trí khe co giãn bố trí không hợp lý ( quá dày, cong queo). Phần lát đá hộc kè mái đường nứt, nẻ, gãy toác ra từng mảng, vữa nhém mạch thi công loa qua, sơ sài,  tạo rất nhiều lỗ hỗng, các chi tiết gờ chắn bánh tách ra ngoài rơi cả xuống ruộng lúa. Sắt thép chờ của cầu bị hoen gỉ (do không được nhà thầu che chắn). Nguy hiểm hơn tại các mố cầu ( điểm tiếp giáp giữa mặt cầu và dầm lan can bị bong tróc, tách hẳn ra, có những vị trí bỏ lọt cả bàn tay), ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công trình.

Trao đổi với (PV) một người dân tại xã Đức Tùng, Đức Thọ cho biết; “ quá trình thi công họ  muốn làm thế nào họ làm, phần đất nghe nói đổ 20 (cm) đến 30 (cm) là lu rồi đo gì đó nhưng tôi thấy họ đổ dày gần cả mét rồi lu qua chẳng thấy đo đạc gì cả, giám sát chẳng thấy đâu, còn cán bộ trên huyện thỉnh thoảng có về nhưng chỉ cưỡi ngựa xem hoa, ngồi trên ô tô lượn một vòng rồi đi chứ có kiểm tra kiểm trẻ chi mô, họ làm cho có lệ thôi mà chú.”

Để rõ hơn về vấn đề này chúng tôi đã có buổi làm việc với đại diện chủ đầu tư BQL dự án huyện Đức Thọ. Ông Trần Duy Khán người trực tiếp chỉ đạo công trình cho biết: “ thay mặt Ban, tôi cảm ơn (PV) đã thông tin kịp thời về những tồn tại, bất cập tại hiện trường, nói thật với anh, do cán bộ của Ban ít quá nên không quán xuyến được hết, anh em sẽ tiếp thu và chỉ đạo đơn vị thi công và giám sát khắc phục ngay.”

Bê tông đổ mặt đường bị phân cấp

Khi phóng viên đề cập đến vai trò, trách nhiệm của đơn vị giám sát công trình thì vị này (ông Khán) cho biết thê: “Họ (đơn vị tư vấn giám sát) cùng là quê ở tỉnh Ninh Bình xa xôi, cách trở. Họ đã vượt hàng trăm cây số vào đây làm cho là may, nhắc nhở, kiểm tra họ nhiều quá  e cũng hơi phiền, đây là vấn đề rất nhạy cảm, có gì anh em bỏ qua cho.


Gờ chắn bánh bật ra, rơi cả xuống ruộng

Thiết nghĩ một dự án chống lũ  tầm cỡ hàng trăm tỷ đồng mà người trực tiếp chỉ đạo công trình “ nhắc nhở, kiểm tra” đơn vị tư vấn giám sát  nhiều quá e cũng phiền thì làm sao công trình đảm bảo chất lượng được đây?.

Dư luận đang đặt nghi vấn liệu ngay từ bước đầu thực hiện dự án này đã đúng quy trình chưa, liệu có gì khuất tất trong công tác quản lý nhà nước và vai trò của các bên liên quan, nhất là vai trò trách nhiệm của đơn vị tư vấn giám sát cần phải được làm rõ?

Trí thức và Phát triển online  sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả về vấn đề này trong các số báo tiếp theo.

Quang Toản – Dũng Lê

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP