Thời gian gần đây, người dân xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ phản ánh tình trạng nhiều xe ô tô chở đất phong hóa từ dự án Xây dựng công trình Kè chống sạt lở bờ hữu sông Ngàn Sâu (đoạn qua xã Đức Đồng - Đức Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) ra khỏi khu vực tập kết, đi đổ cho nhiều hộ gia đình, công trình khác trên địa bàn. Lượng đất này chủ yếu là đất bùn, đất phong hóa kèm cả rễ cây, được một số hộ dân dùng để đắp nền, trồng vườn.
Qua tìm hiểu của Phóng viên Kinh tế Môi trường tại khu vực nói trên, dự án Xây dựng công trình Kè chống sạt lở bờ hữu sông Ngàn Sâu đoạn qua xã Đức Đồng - Đức Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, do UBND huyện Đức Thọ làm chủ đầu tư. Tổng số vốn của dự án này là 130 tỉ đông, được phân kỳ thành 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1, giá trị gói thi công là 56 tỉ đồng, được giao cho Công ty TNHH Như Nam, trụ sở tại phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh thi công.
Dự án Xây dựng công trình Kè chống sạt lở bờ hữu sông Ngàn Sâu đoạn qua xã Đức Đồng - Đức Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: Quỳnh Nguyên) |
Dự án kè chống sạt lở bỡ hữu sông Ngàn Sâu được triển khai xây dựng từ tháng 12/2019 đến nay. Theo thiết kế dự án, sau khi bóc phong hóa đất dọc bờ hữu sông Ngàn Sâu để thực hiện việc xây bờ kè, thì nhà thầu thi công phải đưa lượng đất đó về bãi tập kết (bãi thải) tại núi Sim thuộc xã Đức Đồng, vị trí bãi tập kết này cách khu vực xây dựng khoảng 7km.
Tuy nhiên, nhà thầu thi công là Công ty TNHH Như Nam đã tự ý đưa phần đất này ra ngoài khu vực để đổ cho một số hộ gia đình và công trình khác mà không đưa về bãi tập kết theo quy định.
Sáng 24/5, phóng viên ghi nhận xe tải mang biển số 37V – 3458 lấy đất từ Dự án Xây dựng công trình Kè chống sạt lở bờ hữu sông Ngàn Sâu đi đổ cho hộ dân khác trên địa bàn mà không đưa vào bãi thải. |
Thông tin từ Công an huyện Đức Thọ cho biết, ngày 21/5 lực lượng chức năng đã thực hiện kiểm tra tại dự án trên thì phát hiện 4 xe tải (mỗi xe khoảng 7-8 khối) đang chở đất ra ngoài không đúng quy định. Sau khi kiểm tra thì phía Công an đã lập biên bản sự việc. “Chúng tôi đã giải thích về pháp luật việc đưa đất ra ngoài, sử dụng đất không có nguồn gốc cho các bên liên quan biết và sẽ giám sát chặt chẽ”, một cán bộ Công an huyện Đức Thọ nói.
Dù đã bị lập biên bản, song đến ngày 24/5, Phóng viên tiếp tục ghi nhận xe tải mang biển số 37V – 3458 lấy đất từ Dự án Xây dựng công trình Kè chống sạt lở bờ hữu sông Ngàn Sâu đi đổ cho hộ dân khác trên địa bàn mà không đưa vào bãi thải.
Dù đã bóc đi 70% trong 20 nghìn khối đất nhưng tại bãi tập kết rú Sim chỉ có lác đác vài xe đất. (Ảnh: Quỳnh Nguyên) |
Trao đổi với Phóng viên Kinh tế Môi trường, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Ban quản lý các dự án xây dựng cơ bản huyện Đức Thọ cho biết, trong thiết kế xây dựng Dự án Xây dựng công trình Kè chống sạt lở bờ hữu sông Ngàn Sâu thì nhà thầu sẽ cào bốc khoảng 20 nghìn khối đất phong hóa, để xây dựng bờ kè chống sạt lở rồi chở về bãi tập kết tại núi Sim theo hồ sơ.
Theo ông Hải, việc nhà thầu chở đất ra ngoài chủ yếu là đổ cho các hộ hiến đất để thực hiện dự án, số còn lại UBND xã Đức Đồng xin để làm công trình công ích của địa phương, rồi thỉnh thoảng lái xe vào đổ vật liệu có xin vài xe chứ không có chuyện mua bán.
|
Hàng trăm khối đất được nhà thầu đắp ngay cạnh dự án mà không đưa về bãi thải. (Ảnh: Quỳnh Nguyên) |
Phóng viên đặt câu hỏi: việc không đưa lượng đất đó về bãi tập kết như quy định mà đưa ra ngoài là vi phạm pháp luật, chủ đầu tư làm sao hạch toán được các chi phí để chi ngân sách như quy định?
Ông Hải cho biết, đối với việc hạch toán chi phí theo quy định, một khối đất bóc đi vận chuyển đến bãi tập kết với chi phí khoảng 20.000 – 30.000 đồng. Song, việc đổ đất cho dân thì xe cũng phải chạy, nổ máy nên chi phí cũng như nhau.
“Có bớt được một ít km vận chuyển đến bãi thải nhưng trong lúc vận hành máy móc, nhà thầu cũng phải vận hành giúp dân nên chi phí cũng như nhau. Còn phần đất đắp cạnh các bờ cạnh các hộ gia đình đó thì không ảnh hưởng đến chất lượng công trình, biết là sai quy định nhưng vấn đề này chúng tôi tự linh động thôi”, ông Hải nói.
Nhận thấy một dự án sử dụng ngân sách nhà nước, nhưng về mặt quản lý nhà nước trên địa bàn cũng như việc thiếu trách nhiệm, bất chấp vi phạm của nhà thầu, chúng tôi đặt câu hỏi liệu có sự buông lỏng quản lý, phớt lờ trước những vi phạm của nhà thầu này hay không?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.
Tác giả: Quỳnh Nguyên
Nguồn tin: Tạp chí Kinh tế Môi trường