Quốc lộ 8A có điểm xuất phát nối với QL1 từ thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đi qua hai huyện Đức Thọ và Hương Sơn đến cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, đây là tuyến đường huyết mạch, ngắn nhất nối các tỉnh Đông Bắc Lào và Đông Bắc Thái Lan với Việt Nam.
Năm 1999, tuyến đường dài 85 km này được phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng và được xem là con đường đẹp nhất Việt Nam.
Lái xe cho biết, chúng tôi cứ lò mò vừa cho xe lội nước, vừa lo ngay ngáy. Mỗi lần qua đây, xe nhích từng chút một mà vẫn nơm nớp vì sợ đá chọc thủng lốp và sa lầy. |
Nhưng chỉ sau 10 năm đưa vào sử dụng, QL8A đã xuống cấp nghiêm trọng và Bộ GTVT đã đồng ý chủ trương đầu tư nâng cấp mở rộng con đường này.
Tuy nhiên, do thiếu vốn nên 4 năm qua, chủ đầu tư chỉ làm được gần 5 km và đành phải bỏ bê. Sự xuống cấp nghiêm trọng của nhiều đoạn tuyến, gây bức xúc cho người dân địa phương.
Đường không được nâng cấp, mở rộng đã đành, nhiều đoạn hư hỏng, chủ đầu tư lấy đá dăm để lấp ổ voi, ổ gà một cách sơ sài đang trở thành những cái bẫy…với người tham gia giao thông.
Đã nhiều năm qua, người dân ở các xã Sơn Diệm, Sơn Tây, Sơn Bằng, thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn, Hà Tĩnh) phải gồng mình sống chung với sự xuống cấp nguy hiểm của tuyến QL8A đi qua địa bàn các xã này…
Người dân xã Sơn Diệm bức xúc vì tình trạng ổgà, ổ voi nhiều khiến phương tiện tham gia giao thông vô cùng khó khăn. Tình trạng xe cộ chen lấn nhau, tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra. |
Chị Nguyễn Thị Hiền ở thôn 4, xã Sơn Diệm, (Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho biết, đoạn đường này vốn thấp trũng nên gần như thường xuyên bị ngâm nước mỗi mùa mưa đến. Ổ gà, ổ voi nhiều khiến phương tiện tham gia giao thông vô cùng khó khăn. Tình trạng xe cộ chen lấn nhau, tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra.
“Dân ở đây chúng tôi khổ quá các chú ạ, kêu cả năm trời cứ chỗ nọ đổ cho chỗ kia phải khắc phục. Vùa mới đầu tháng 11 có một đơn vị đến sửa chữa mà làm chả đâu vào đâu, qua loa đại khái. Đây này, mới sửa được 1 tuần mà đã bong tróc hết rồi. Dân ở đây chịu khổ không biết khi mô mới xong”, chị Hiền than thở.
Còn anh Nguyễn Văn Dũng, một tài xế thường xuyên qua lại ở khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo bức xúc: “Thật không thể tưởng tượng được, đường quốc tế hư hỏng đến thế này mà cơ quan chức năng không đoái hoài gì. Mấy ngày nay, chúng tôi cứ lò mò vừa cho xe lội nước, vừa lo ngay ngáy. Mỗi lần qua đây, xe nhích từng chút một mà vẫn nơm nớp vì sợ đá chọc thủng lốp và sa lầy. Cơ quan quản lý không thèm để ý, cứ để mặc người tham gia giao thông phải khổ sở mãi”.
Ông Võ Tá Thanh – Trưởng phòng Dự án I, Ban quản lý dự án 4. |
Theo Ban quản lý dự án 4 – Tổng Cục đường bộ Việt Nam, đơn vị thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường cho biết, tuyến QL8A được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư nâng cấp mở rộng gần 50 km với tổng kinh phí trên 1.600 tỷ đồng thực hiện trong giai đoạn 2012 – 2015.
Tuy nhiên, do thiếu vốn nên Bộ GTVT cho thi công trước 15 km và xây dựng 2 cây cầu trên tuyến với tổng kinh phí khoảng 600 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, vẫn không có tiền nên từ năm 2013 đến nay, chủ đầu tư chỉ thi công được gần 5km và làm xong 1 cây cầu với chi phí trên 293 tỷ đồng. Những đoạn còn lại hư hỏng, xuống cấp đến đâu thì sửa đến đấy.
“Hiện nay Ban 4 đang nhận sửa chữa và đảm bảo lưu thông trên đoạn km37 đến km45+500, trong đó chúng tôi đã trải thảm 4 km rồi, còn 6 km nữa thì do thiếu vốn bảo trì nên hư hỏng rất nặng. Thời gian qua do nguồn vốn khó khăn nên chúng tôi đã cố gắng sửa chữa, để mặt đường trở lại êm thuận, nhưng dẫu sau việc này tồn tại lâu thì rất khó khăn vì vốn không có”, ông Võ Tá Thanh – Trưởng phòng Dự án I, Ban quản lý dự án 4, Tổng Cục đường bộ Việt Nam cho hay.
Người tham gia giao thông lái xe như "làm xiếc" trên những đoạn đường hư hỏng không được sửa chữa trên QL8. |
Điều khó hiểu ở dự án nâng cấp mở rộng QL8A là thiếu vốn thì phải có giải pháp duy tu, bảo dưỡng những đoạn tuyến hư hỏng nặng với vốn bảo trì hàng năm. Thế nhưng, chủ đầu tư và các đơn vị quản lý bảo trì đường bộ lại chưa thống nhất trong phân cấp vốn và đường hư hỏng, mà chỉ sửa qua loa theo kiểu “cha chung không ai khóc”.
Theo ông Võ Tá Thanh, mỗi dự án sử dụng 1 nguồn vốn riêng và được cơ quan cấp trên duyệt, ở đây là Bộ GTVT thì chỉ được sử dụng nguồn đó chứ không sử dụng nguồn khác, chỉ trừ khi cơ quan cấp trên cho phép chuyển đổi nguồn vốn sử dụng.
Việc thiếu vốn, Ban cũng đã báo cáo Tổng Cục đường bộ có phương án chuyển lại cho đơn vị quản lý duy tu, bảo trì đường quản lý, nhưng đến nay vẫn không bàn giao được.
Bốn năm làm được 5km đường và hàng chục km khác đang hư hỏng nghiêm trọng là một thực tế mà các cơ quan quản lý đường bộ của Bộ GTVT đều biết và đơn vị nào cũng đổ lỗi là do thiếu vốn. Nhưng, người dân thì có quyền đòi hỏi con đường huyết mạch này dù chưa nâng cấp, mở rộng thì phải được sửa chữa, bảo trì đàng hoàng để phòng tránh tai nạn giao thông bởi họ đã đóng tiền vào Quỹ bảo trì đường bộ.
Đến giờ này, việc bỏ bê hư hỏng của tuyến QL8A vẫn chưa được đơn vị nào nhận trách nhiệm và họ cứ đổ lỗi cho rằng thiếu vốn thì cứ mặc kệ…/.
Tác giả: Phi Long
Nguồn tin: Báo VOV