Nông thôn mới

Hà Tĩnh: Đầu năm mới về xã nghèo của huyện nghèo cán đích NTM

Xã Ân Phú nằm dưới chân núi Mồng Gà và bên bờ sông Ngàn Sâu – thượng nguồn Sông La. Ân Phú từng là một trong những địa phương khó khăn nhất của huyện nghèo Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Hằng năm, Ân Phú phải chống chọi với các đợt lũ lụt hoành hành, hoa màu bị tàn phá, gia súc, gia cầm chết vì dịch bệnh, đời sống người dân nơi đây rất nghèo. Có năm cả xã Ân Phú phải sống nhờ vào nguồn hỗ trợ, đùm bọc của các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong cả nước.

Ân Phú, theo nghĩa chữ Hán là giàu có thịnh vượng. Người xưa luận theo Tam quốc chí từ câu: ‘‘Dân ân quốc phú” của Gia Cát Lượng truyện, có nghĩa là dân giàu nước mạnh để đặt tên.

Nghe tên Ân Phú, tưởng chừng như nơi đây luôn mưa thuận gió hòa, giao thương thuận lợi, trù phú. Nhưng thực tế lại khác, vùng quê này trước đây rất nghèo khổ, đất cằn, sỏi đá, khí hậu khô hanh, thời tiết phức tạp và người dân thuần nông.

Tintuchatinh

Ân Phú đang thay đổi toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội.

Trải qua các thời kỳ thuộc huyện Hương Sơn, huyện Đức Thọ, năm 2000 Ân Phú trở thành địa phận huyện Vũ Quang. Theo người dân nơi đây cho biết, thời điểm này, cả xã Ân Phú có rất ít xe máy, đường sá chỉ mỗi trục chính có đổ nhựa đường, còn lại đường đất. Trong xã còn một số nơi chưa có điện thắp sáng. Trường học thiếu phòng trầm trọng, các em học sinh vẫn phải lội ruộng tới trường. Thời điểm đó, cả xã có tới 57% là hộ nghèo, hợn 50% là nhà tranh, vách nứa. Nhiều hộ đói kém, phải đi xin ăn, nhường nhịn nhau bữa đói, bữa no mà sống.

Nhớ lại một thời đói khổ, ông Cù Văn Dung – Chủ tịch Hội người Cao tuổi xã Ân Phú kể: “Thời gian đó, cán bộ xã đi làm bằng xe đạp, dân thì quanh năm chân lấm tay bùn. Mỗi trận mưa qua, học sinh lội bùn đi học đến tận chân đầu gối,… Đặc biệt, trận lũ lụt kéo dài xảy ra vào năm 2009 càng đưa thêm nhiều gia đình vào diện đặc biệt khó khăn. Năm đó, đến hơn 90% người dân Ân Phú sống được bằng nguồn hỗ trợ của Nhà nước, của các tổ chức, cá nhân hảo tâm. Họ hỗ trợ từ chăn, ga, áo ấm, gạo, mì tôm, muối, bột ngọt,…thậm chí cả nước ngọt. Không chỉ được nhận hỗ trợ đến hết lũ lụt mà các nhà hảo tâm còn giúp đỡ người dân tới thu hoạch mùa vụ năm sau. Chúng tôi thấm đậm tình người và luôn nỗ lực phấn đấu, quyết tâm, không ỉ lại vào nguồn hỗ trợ”.

Ông Trần Văn Thư – Chủ tịch UBND xã cho biết: Ân Phú nghèo khó lâu nay bởi hằng năm thiên tai lũ lụt hoành hành. Nhiều gia đình trắng tay vì lũ lụt, có những gia đình bị lũ cuốn hết tài sản, gia súc, gia cầm. Nhưng cũng vì người dân nơi đây chịu khó làm ăn, đồng cam cộng khổ, nhiều người học hành giỏi, có chức vụ nên đời sống người dân nhanh được cải thiện.

Phát triển trang trại chăn nuôi và trồng cam, chanh là một hướng đi có hiệu quả đối với xã miền núi Ân Phú

Phát triển trang trại chăn nuôi và trồng cam, chanh là một hướng đi có hiệu quả đối với xã miền núi Ân Phú

“Nhận thấy điểm xuất phát từ một xã nghèo, thường xuyên gánh chịu những hậu quả nặng nề của thiên tai, nên từ lâu cả chính quyền và nhân dân Ân Phú cùng một chí hướng, đồng lòng phát triển. Vượt qua những năm đói khổ, đến khi Nhà nước ra mục tiêu xây dựng Nông thôn mới, toàn thể nhân dân Ân Phú vui mừng, hăng hái lao động, làm việc và vận dụng các chính sách để làm giàu. Ân Phú có được ngày hôm nay trước hết là nhờ sự quan tâm của Đảng, chính quyền huyện Vũ Quang và sau đó là sự đồng lòng, sáng tạo của cán bộ, nhân dân trong xã” – Ông Thư tự hào chia sẽ thêm.

Có mặt tại Ân Phú, tôi vô cùng ngạc nhiên trước hình ảnh những con đường sạch sẽ, thẳng tắp bê tông; trước những bảng chỉ dẫn đường sá văn minh; trước những căn nhà cao tầng mọc lên dưới núi. Ngạc nhiên hơn, là đời sống của nhân dân Ân Phú đã không còn những ngày đói khổ, nằm trên nóc nhà tránh lũ ăn mì tôm. Bây giờ, nhân dân Ân Phú đã biết phát triển kinh tế và làm giàu trên chính những mãnh đất cằn cỗi xưa kia.

Theo kết quả đánh giá về đích NTM, Ân Phú đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM, trong đó tiêu chí khó khăn nhất là thu nhập bình quân đạt 28,4 triệu đồng/người/năm.

Trong những năm qua xã Ân Phú đã xây dựng được gần 10km đường trục xã, 11km đường trục thôn, hơn 4km đường ngõ xóm, hơn 9km đường nội đồng. Ân Phú đã hoàn thiện nâng cấp hệ thông kênh mương dẫn nước ra đồng trên toàn xã. Trường học mới được xây dựng khang trang, hệ thống hạ tầng lưới điện đảm bảo. Trạm y tế xã được nâng cấp, cải thiện với nhiều máy móc thiết bị hiện đại hơn.

Chăn nuôi lợn liên kết đang cho thu nhập cao đối với người dân

Chăn nuôi lợn liên kết đang cho thu nhập cao đối với người dân

Hiện, Ân Phú có đầy đủ nước sạch, đầy đủ nhà văn hóa, thể thao cho tất cả các thôn. Trong năm 2015, Ân Phú thành lập được 25 mô hình sản xuất, chăn nuôi có doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên; 169 mô hình nông hộ chăn nuôi nhỏ. Ngoài ra, Ân Phú hiện có 5 HTX, 5 Tổ hợp tác và 3 doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.  Điển hình là HTX Phú Sơn chăn nuôi 450 lợn nái, 1200 lợn thương phẩm, 10 con hươu, 17 con bò, 1230 con gia cầm,… và một số trang trại trồng cam, chanh cho thu nhập cao.

Thời kỳ nghèo đói, phải sống bằng nguồn hồ trợ của nhân dân Ân Phú đã qua, bây giờ vùng đất này đang thay đổi toàn diện cả về kinh tế và xã hội. Trên mảnh đất này, cái tuổi thơ lội bùn, chân đất tới lớp đã thành cổ tích; cái cảnh áo nhăn trăm lớp, rách vá đủ bề vĩnh viễn không còn mà thay vào đó là một cuộc sống ấm no về cả tinh thần và vật chất.

Những ngày đầu năm mới, trong mùa xuân miên man sắc màu của các loài hoa dưới chân núi Mồng Gà, tôi chứng kiến những trận cầu lông, giải bóng chuyền giao lưu giữa các thôn, xóm. Nhìn nụ cười rạng rỡ của nhân dân Ân Phú, thấy đời sống văn hóa, tinh thần ở nơi từng rất nghèo đói này được đảm bảo, tôi càng thấy được thành quả của quá trình xây dựng NTM nơi đây. Khi phỏng vấn về đời sống của bà con, tôi không khỏi ngạc nhiên trước những lời cảm ơn chân thật nhất của họ. Nhân dân Ân Phú cảm ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền huyện Vũ Quang đã có những quyết định đúng đắn nhất khi đặt mục tiêu xây dựng NTM. Họ tự hào khi quê hương mình là một trong 3 xã về đích NTM đầu tiên của huyện nghèo Vũ Quang.

Bảo Trung

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP