Theo hợp đồng, công ty sẽ cung ứng cây giống và hỗ trợ 50% tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, còn 50% là nhân dân tự đóng. Đồng thời, công ty sẽ hỗ trợ về kỹ thuật cũng như là bao tiêu toàn bộ sản phẩm (ớt tươi, ớt khô và lá). Còn người dân có trách nhiệm chăm sóc ớt theo đúng quy trình dưới sự hướng dẫn một cán bộ kỹ thuật của công ty.
Gần 100 hộ dân tại xã Hương Thọ, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đang trong tình cảnh “tiền mất, tật mang” vì dự án trồng ớt với một công ty có trụ sở đóng tại Hà Nội. |
Theo đó, 98 hộ dân trên chia thành 9 tổ hợp tác (THT) đã chuyển đổi 5,8 ha đất cát pha tương ứng với 2 mùa vụ sang trồng ớt.
Tuy nhiên, vụ trồng ớt của 98 hộ dân đã không mang lại được kết quả như mong đợi. Hầu hết diện tích trồng ớt cho năng suất kém, công ty về thu mua với giá rẻ không như cam kết trong hợp đồng. Hơn nữa, công ty chỉ mua được một lần với số lượng ít. Điều đáng nói, đã hơn 7 tháng kể từ khi kết thúc mùa vụ mà công ty vẫn chưa thanh toán tiền mua ớt cho các hội viên trong THT.
Ông Trần Anh Thường trú xã Hương Thọ, huyện Vũ Quang cho biết: “Thực hiện chủ trương thay đổi giống cây trồng mới nhằm tăng năng suất sản xuất trên đất nông nghiệp cho người dân, trong vụ đông xuân năm 2015, gia đình ông đã tham gia chương trình trồng ớt liên kết với công ty trên.
Trong suốt quá trình trồng, gia đình ông thực hiện theo đúng hướng dẫn kỹ thuật của công ty và chăm bón rất kỳ công. So với trong vùng, cây ớt của gia đình ông phát triển rất tốt, sai quả, chứ có nhiều hộ khác trồng mà cây cứ chết dần, chết mòn hết.
Trong đợt thu hoạch vừa rồi, gia đình ông hái bán cho công ty 17kg với giá mua 5.000 đồng/kg nhưng đến nay công ty vẫn chưa thanh toán tiền”.
“Vất vả trồng và chăm sóc chỉ mong đến ngày thu hoạch thế mà giờ tiền không được nhận cũng không thể liên lạc với công ty để lấy tiền được”, ông Anh bức xúc.
|
Ông Trần Anh Thường, trú tại thôn 4 bức xúc trước việc công ty không thu mua ớt khiến gia đình phải phơi khô để dùng dần. |
Cùng chung cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Hoan (SN 1958) trú xã Hương Thọ chia sẻ: “Dự án khi thực hiện được thời gian đầu có sự hướng dẫn quan tâm từ phía công ty nhưng sau khi giống cây không mang lại năng suất và hiệu quả công ty đã bỏ bê chúng tôi”.“Giờ đồng ớt đã chín đỏ mà công ty không thu mua, cũng không có thương lái nào có thể tiêu thụ được giúp nên chúng tôi phải hái đi vứt để thay thế giống cây trồng khác cho kịp mùa vụ mới hoặc hái về để xay nhỏ sử dụng chứ biết làm gì khác đâu”, bà Hoan bức xúc nói.
|
Bà Nguyễn Thị Hoan, trú tại thôn 4, xã Hương Thọ, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) cho PV xem số lượng ớt gia đình bà phải phơi khô cất giữ. |
Cũng là thành viên trong THT, ông Đậu Văn Phú (SN 1967) cho hay, theo ký kết ban đầu phía công ty sẽ cử một cán bộ kỹ thuật về tại địa phương để hướng dẫn cho bà con kỹ thuật chăm sóc, theo dõi tình hình sâu bệnh. Tuy nhiên, vị cán bộ này thỉnh thoảng mới xuất hiện tại địa phương một lần.
“Không có được sự hướng dẫn kỹ càng cũng như hệ thống tưới tiêu ban đầu không được đảm bảo nên ớt cho lứa quả đầu tiên bị thối quả, sâu phá, gần như là quả dưới đất nhiều hơn quả trên cây. Hơn nữa, tới thời điểm cấp cây giống, công ty cũng không cung cấp đủ khiến nhân dân phải chạy đôn, chạy đáo tìm giống để cho kịp tiến độ”, ông Phú cho biết thêm.
Ông Nguyễn Hùng Cường, Phó chủ tịch UBND xã Hương Thọ cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với công ty và ông Tuấn kỹ thuật của công ty nhưng vẫn không được. Chúng tôi phải trích ngân sách của địa phương ra để hỗ trợ cho người dân về giống và thuốc bảo vệ thực vật”.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũ Quang cho hay: “Chúng tôi đã nắm được vấn đề doanh nghiệp nợ tiền người dân tại xã Hương Thọ. Khi đi vào áp dụng mô hình liên kết trồng ớt thì người dân rất phấn khởi nhưng do doanh nghiệp không thu mua hay hạ giá của người dân nên làm người dân rất bức xúc. Chúng tôi cũng đã có ý kiến với phía công ty nhưng họ vẫn không vào để giải quyết cho người dân”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Hồ Thắng