Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Cần chế tài đủ mạnh trong quản lý khai thác khoáng sản

Nhiều tồn tại, bất cập về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đang ở mức báo động, cần phải có chế tài đủ sức răn đe để không làm thất thoát tài nguyên khoáng sản của Nhà nước.

Mỏ đá Hồng Sơn (Công ty khai thác đá Hưng Thịnh) tại tổ dân phố Hồng Sơn, thị xã Kỳ Anh.

Hạn chế “chủ quan” gây thất thoát tài nguyên

Theo báo cáo đánh giá giám sát chuyên đề về công tác quản lý quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh của HĐND tỉnh thì còn tồn tại rất nhiều nguyên nhân mang tính “chủ quan” của các đơn vị quản lý Nhà nước (QLNN) về khai thác khoáng sản.

Theo đó, chất lượng quy hoạch còn hạn chế, việc lập quy hoạch, điều tra cơ bản về địa chất còn sơ lược, chưa đánh giá đầy đủ về trữ lượng, chưa tổ chức điều tra, đánh giá lại toàn diện gây khó khăn trong quản lý, điều hành.

Quy hoạch chưa tính đến khả năng và điều kiện thực hiện, thiếu tính đồng bộ, bao quát và tầm nhìn dài hạn, chưa tính đến các điều kiện về hạ tầng, bến bãi chế biến, đường vận chuyển, hệ thống điện, nước phục vụ khai thác trữ lượng, chất lượng tài nguyên khoáng sản chưa đáp ứng yêu cầu khi cấp phép.

Mỏ đá khe Đụm Lét (Xóm 10 phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh).

Nhiều mỏ được cấp phép khai thác nhưng không có kết quả thăm dò, đánh giá trữ lượng khoáng sản hoặc công tác thăm dò, nghiệm thu đánh giá, phê duyệt kết quả thăm dò đánh giá trữ lượng khoáng sản chất lượng thấp chưa đáp ứng đúng yêu cầu theo quy chuẩn kỹ thuật thăm dò khoáng sản.

Tình trạng cấp mỏ tràn lan, thiếu kiểm tra chặt chẽ sau cấp phép dẫn đến nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh không hiệu quả, không đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến hiện đại hệ số thu hồi khoáng sản thấp, sản phẩm khai thác chế biến khoáng sản phần lớn mới dừng lại ở sản phẩm nguyên liệu thô.

Cấp phép không bám theo quy hoạch nên dẫn đến việc cấp phép khai thác mỏ chồng lấn diện tích rừng phòng hộ, khu di tích lịch sử văn hoá, cửa biển, cấp phép ra ngoài quy hoạch (mỏ đá của Cty CPXD 1 ở núi Nam Giới, huyện Thạch Hà).

Nhiều mỏ được cấp phép không đảm bảo khoảng cách an toàn từ mỏ đến nhà dân và đến các công trình khác. Cấp phép cho nhiều mỏ đất, đá không cân đối với nhu cầu tiêu thụ nên sản phẩm đã khai thác, chế biến còn tồn đọng nhiều, trong khi đó nhiều nơi lại thiếu nên dẫn đến tình trạng khai thác, kinh doanh trái phép.

Nhiều mỏ thực hiện việc khai thác chưa đúng thiết kế đã được phê duyệt, chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, chưa thực hiện xử lý chất thải, bảo vệ môi trường theo đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt.

Thực tế các đơn vị khai thác được kiểm tra đều không tuân thủ theo thiết kế đã được phê duyệt (không phân tầng, cắt lớp), chủ yếu khai thác theo phương thẳng đứng, dạng hàm ếch và nhiều mỏ còn để đá treo trên mỏ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động

Tại công trường khai thác, chế biến hầu hết đều không có nội quy về an toàn lao động, không có biển báo, chỉ dẫn an toàn, không có che chắn những vị trí nguy hiểm, không có hệ thống phun sương giảm bụi gây ảnh hưởng đến môi trường lao động, người lao động có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp cao. Ngoài ra, còn có nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện việc đóng BHXH cho người lao động.

Chính những hạn chế, tồn tại, yếu kém này đã dẫn đến nhiều hệ lụy trong quản lý khai thác khoáng sản gây bức xúc trong nhân dân, làm lãng phí tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường và thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Mỏ đá Cơn Tria (xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh).

Chế tài xử phạt đang mang tính hình thức

Việc quản lý của các ngành, các cấp còn chồng chéo, gián đoạn đã tạo kẽ hở trong công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ tài nguyên, môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản. Từ đó, các doanh nghiệp đã không tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản như: Kê khai sản lượng khai thác không đúng theo giấy phép, không đúng thực tế; Không tuân thủ theo dự án, thiết kế; Không có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc có nhưng không tuân thủ, không có biện pháp xử lý.

Đang còn tình trạng một số doanh nghiệp sử dụng vượt diện tích đất được cấp phép nhưng không khai báo số diện tích ngoài cấp phép để làm thủ tục thuê đất theo quy định, còn có tình trạng khai thác lấn chiếm sang phần diện tích đất của các hộ dân xung quanh dẫn đến khiếu nại, tố cáo. Vẫn còn khai thác không có giấy phép, khai thác lậu hoặc lợi dụng khai thác thăm dò để khai thác trái phép gây thất thoát tài nguyên. Tình trạng doanh nghiệp được cấp phép một nơi, khai thác một nẻo, bãi tập kết và nơi khai thác khác nhau đã dẫn đến tình trạng khai thác lậu, khai thác không đúng mỏ được cấp phép diễn ra phổ biến.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân, trước hết là do các quy định của pháp luật về khoáng sản, đất đai và bảo vệ môi trường còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, chế tài xử lý hiện hành đối với các hành vi vi phạm chưa đảm bảo hiệu quả răn đe, phòng ngừa, công tác tuyên truyền phổ biến hướng dẫn chưa kịp thời, thiếu rõ ràng của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các cá nhân, tổ chức để họ nắm rõ các quy định của pháp luật về quản lý tài nguyên khoáng sản.

Sự phối hợp của các cơ quan chức năng còn thiếu chặt chẽ, công tác thanh kiểm tra còn chồng chéo, chưa quyết liệt và triệt để nên mặc dù số đơn vị vi phạm nhiều, lặp đi lặp lại nhưng số tiền xử phạt vi phạm hành chính nộp vào ngân sách còn hạn chế. Quy định xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản tuy đã được điều chỉnh, bổ sung nhưng chưa có điều khoản chuyển tiếp từ xử lý vi phạm hành chính sang xử lý hình sự các đối tượng khai thác trái phép. Nhiều vấn đề liên quan đến cháy nổ, bảo vệ môi trường, an toàn lao động còn mamg tính chất đối phó với các cơ quan chức năng.

Đã đến lúc các cơ quan quản lý Nhà nước về khai thác khoáng sản đồng thuận, siết chặt công tác quản lý, đẩy mạnh việc tuyên phổ biến pháp luật, có lộ trình cụ thể tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân tránh tình trạng lợi dụng sự mù mờ về pháp luật tạo điều kiện tham nhũng, giảm thiểu những thất thoát, lãng phí về tài nguyên, khoáng sản như hiện nay.

Tác giả: Uyên Uyên

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP