Người đương thời

Hà Tĩnh: Bỏ Thủ đô về quê… nuôi lợn, lãi tỷ đồng/năm

Đó là quyết định táo bạo của chị Trần Thị Thu Hằng, một người con quê Hà Tĩnh đang sinh sống, làm việc ổn định tại thủ đô Hà Nội.

Chị Hằng đã có cuộc sống, công việc ổn định ở Cty Điện lực Hà Nội nhiều năm qua. Tuy nhiên, trong một lần về quê huyện Hương Sơn tháng 3/2014, nghe thông tin tỉnh Hà Tĩnh có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, đặc biệt là chăn nuôi lợn nái ngoại để cung cấp lợn thương phẩm cho người dân, chị nằng nặc về thử sức ở một môi trường hoàn toàn mới.

 HTX chăn nuôi lợn nái của chị Hằng là mô hình điển hình phát triển kinh tế trong xây dựng NTM ở Hà Tĩnh

HTX chăn nuôi lợn nái của chị Hằng là mô hình điển hình phát triển kinh tế trong xây dựng NTM ở Hà Tĩnh

Nơi chị lựa chọn thực hiện khát vọng là vùng đất Cồn Mu, thôn Tân Phong, xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh. Sau khi được lãnh đạo huyện, xã tạo điều kiện cho thuê 4ha đất chị thành lập HTX chăn nuôi lợn nái Trần Thị Thu Hằng liên kết với Cty Cổ phần chăn nuôi Mitraco (Tổng Cty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh) đầu tư 12 tỷ đồng san lấp mặt bằng, xây dựng 2 dãy chuồng và thả nuôi giai đoạn 1 dự án. Bằng hình thức liên kết Cty cung ứng con giống, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, bao tiêu đầu ra sản phẩm… bước đầu chị thả nuôi 400 con lợn nái hậu bị, 100% máu ngoại.

Do lĩnh vực chăn nuôi đang quá mới mẻ với một người phụ nữ làm nghề… điện nên việc lựa chọn con giống, chăm sóc nuôi dưỡng đến tiêu thụ sản phẩm chị đều phải vừa học vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Sau hơn 3 năm thành lập trang trại, mọi việc đã đi vào nề nếp, HTX ngày càng ăn nên làm ra, có thời gian cao điểm tổng đàn lợn nái và lợn con của trang trại lên đến hơn 4.000 con. HTX đã tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 10 lao động địa phương.

Chị Hằng cho hay, bình quân mỗi năm trang trại của chị cung cấp hàng chục nghìn con lợn giống thương phẩm và bao tiêu sản phẩm cho các tổ hợp tác chăn nuôi trên địa bàn TX Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên… Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các xã thành lập tổ hợp tác chăn nuôi lợn thương phẩm, phát triển kinh tế hộ gia đình.

“Bằng hình thức kinh doanh này, mỗi năm sau khi trừ chi phí tôi còn lãi trên 1 tỷ đồng. Mới đây tôi cũng đầu tư xây dựng thêm 2 dãy chuồng để nâng tổng đàn lên 800 con lợn nái, nhằm đảm bảo cung cấp đủ giống cho người chăn nuôi ở các huyện khác trên địa bàn toàn tỉnh”, chị Trần Thị Thu Hằng nói.

Chia sẻ kinh nghiệm để có được thành công ngày hôm nay, chị Hằng bảo: “Chăn nuôi lợn cần liên kết doanh nghiệp và hộ chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ; vấn đề mấu chốt nhất là đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia liên kết, nhất là hộ chăn nuôi, nếu người nuôi lợn thương phẩm không có lãi bỏ cuộc thì lợn giống cũng không tiêu thụ được. Như HTX của chúng tôi tính giá lợn giống thấp hơn giá thị trường và hỗ trợ chi phí vận chuyển đến tận hộ; trang trại lại thường xuyên có lợn giống, với trọng lượng từ 7 -10kg để đáp ứng nhu cầu của người chăn nuôi nên bạn hàng rất tin tưởng hợp tác lâu dài”.

Giám đốc HTX cũng cho biết, tham vọng của chị không chỉ dừng lại ở chăn nuôi lợn nái, sắp tới chị dự kiến đầu tư trồng thêm các loại cây ăn quả kết hợp đào ao nuôi cá… góp phần tăng thêm thu nhập cho công nhân và HTX.

Theo Thanh Tâm – Ngô Thắng (Nông Nghiệp Việt Nam)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP