Dự án nâng cấp tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng, đoạn Xuân Trường (Nghi Xuân) - Thạch Bằng (Lộc Hà) đi qua 11 xã của 2 huyện, có tổng chiều dài 32,68km, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, tổng mức đầu tư gần 546 tỷ đồng.
Dự án gồm 7 gói thầu xây lắp, được khởi công xây dựng vào tháng 5/2018. Đến nay đã hoàn thành khoảng 90%, một số gói thầu đang trong quá trình hoàn thiện.
Điều đáng nói là, sau sự cố đau lòng khiến cháu bé 5 tuổi rơi vào hố ga bên đường dẫn đến tử vong, dư luận hết sức e ngại về vấn đề an toàn giao thông trên tuyến đường này. Mặc dù đây là một phần công việc không thể thiếu ở một gói thầu công trình giao thông, nhưng lâu nay dường như không được quan tâm đúng mức.
Hiện trường vụ tai nạn được cơ quan chức năng dùng dùng cọc và dây phản quang rào chắn lại. |
Hiện trường vụ tai nạn là một hố ga kỹ thuật để lắp đặt hệ thống cáp quang, điện lưới, nằm bên mép đường ven biển, ngay cạnh nút giao với tuyến đường từ trung tâm huyện Lộc Hà xuống biển. Đoạn đường này do Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thành Công (trụ sở tại TP Vinh, Nghệ An) thi công.
Đây là miệng một cống ngầm chui qua đường, có độ sâu khoảng 2,5m, rộng khoảng 1,5m; trong cống có nước, sâu khoảng 1,5m. Hiện cơ quan chức năng đã dùng cọc và dây phản quang rào chắn lại.
Chạy dọc tuyến đường ven biển theo hướng ra huyện Nghi Xuân, PV bắt gặp vô số những hố ga và rãnh thoát nước được che đậy sơ sài, thậm chí có đoạn cả chục mét rãnh thoát nước không có nắp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn khi người dân đi qua đây.
Theo quan sát của phóng viên, một số nắp hố ga che đậy sơ sài, được làm bằng 2 tấm ván cốp pha ghép lại với nhau, các thanh giằng và dấu mũ đinh còn rất mới. Nhiều người cho rằng, sau sự cố đau lòng nói trên, các đơn vị thi công mới làm vội để đối phó.
Rất nhiều đoạn chưa có nắp rãnh thoát nước, kể cả đoạn qua chợ cũng như khu đông dân cư, nơi nhiều người qua lại. Có đoạn dài khoảng 15m không có nắp rãnh mà đường lại vào cua nên rất nguy hiểm. Có nơi, để đảm bảo an toàn khi ra vào, người dân buộc phải dùng tấm ván, bìa gỗ để che chắn.
Một số nắp hố ga che đậy sơ sài, được làm bằng 2 tấm ván cốp pha ghép lại với nhau, các thanh giằng và dấu mũ đinh còn rất mới. |
Trao đổi với PV, ông Trần Văn Tùng, Trưởng ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng Công trình Giao thông tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: “Thiết kế không có nắp đâu. Anh em đã kiểm tra, kiểm soát tất tần tật và báo lại đây rồi. Giờ yêu cầu tư vấn và các đơn vị có liên quan kiểm tra lại và bổ sung”.
Khi PV phản ánh "nắp rãnh thoát nước bị mất cục bộ, nơi ít thì 1 tấm, nơi nhiều thì hơn chục tấm", ông Tùng khẳng định: “Chỗ đó anh em đã xác định tất tần tật đây rồi là không có. Giờ anh em sẽ yêu cầu tư vấn thiết kế bổ sung thôi. Có hình ảnh anh em chụp về đây rồi. Đó là rãnh cao 60 - 70cm nên không có nắp rãnh”.
Rất nhiều đoạn không có nắp rãnh thoát nước, kể cả đoạn qua chợ hay khu đông dân cư, có nhiều người qua lại. |
Khoảng 15m không có nắp rãnh mà đường lại vào cua nên rất nguy hiểm. |
Để đảm bảo an toàn khi ra vào, người dân buộc phải dùng tấm ván, bìa gỗ để che chắn. |
Cống ngang dài bằng chiều rộng mặt đường nên đường bị thu hẹp cục bộ do không có lề đường |
Lề đường bị đào xuống tạo thành hố sâu và rộng nhưng lan can quá thấp và không có hệ thống cảnh báo nên rất nguy hiểm. |
Nói về biện pháp cảnh báo người dân để đi lại an toàn hơn khi dự án chưa bàn giao, Trưởng ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Hiện tại công trình đang trong quá trình hoàn thiện nên sắp tới sẽ cho trồng cọc tiêu, sơn, cắm biển báo và những gì liên quan. Đến ngày 30/6 công trình sẽ hoàn thành”.
Về tiến độ thi công, ông Tùng thông tin: Còn một số đoạn đường (tổng chiều dài khoảng 2km) chưa thảm được do người dân chưa đồng tình vì viêc thi công đường đã làm rạn nứt nhà dân, mà đền bù của đơn vị bảo hiểm thì ít tiền quá nên dân chưa nghe.
Tác giả: Trần Hoàn
Nguồn tin: infonet.vietnamnet.vn