Cánh đồng trồng lúa nay biến thành chiếc ao khổng lồ trong sự bất lực, tiếc nuối của người dân
Theo phản ánh của người dân xã Thanh Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), trước đây một số cánh đồng ở xóm Thanh Tân có địa hình cao hơn so với các cánh đồng khác nhưng người dân vẫn canh tác, sản xuất lúa hàng năm, sản lượng lúa vẫn khá cao dù khó khăn hơn những vùng khác.
Trước tình hình đó, UBND xã Thanh Lộc đã lên phương án, thực hiện việc cải tạo mặt đất khoảng 60cm, bán cho các công trình đang xây dựng và được thanh toán với khối lượng nghiệm thu 9000 đồng/1m3.
Liền sau đó, nhiều máy xúc được huy động vào cánh đồng để thực hiện phương án cải tạo. Và chỉ một thời gian sau, cánh đồng đáng nhẽ ra được cải tạo thành ruộng thì nay đã biến thành những chiếc ao khổng lồ… trước sự ngỡ ngàng của người dân.
Hiện diện tích này đã được bàn giao cho người dân sản xuất nông nghiệp, nhưng mọi việc giờ đã khác, ruộng cao nay biến thành ao khổng hồ, nơi sâu nhất đến 2m, chỗ cạn nhất cũng phải 1,5m và hoàn toàn không thể canh tác.
Trong khi đó, số tiền thu được từ việc bán đất (hơn 140 triệu đồng) đáng nhẽ được trả cho người dân thì nay bị UBND xã thu lại gần 100 triệu đồng.
Ông Lê Văn Nhiếu, Chủ tịch UBND xã Thanh Lộc cho biết, diện tích đất của xóm Thanh Tân bị bỏ hoang từ năm 1993 tới nay, nên bây giờ xã cho bán đất. Số tiền bán được thì dân sẽ lấy 70%, còn xã lấy 30 %.
Thừa nhận về nguyên tắc thì xã không có thẩm quyền bán đất nhưng ông Nhiếu lại nói rằng, ban đầu xã cam kết bán 60 – 80cm đất bề mặt nhưng vì xóm không cho người giám sát nên có xảy ra việc có nơi lấy đất sâu từ 1,4 – 1,7m.
Đùn đẩy trách nhiệm quản lý của mình, ông Hiếu nói diện tích đất này nằm giữa ranh giới phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh và xã Thanh Lộc nên xã không quản lý được. Trong thực tế, diện tích này nằm hoàn toàn trên địa bàn xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc.
Xót xa trước cảnh cánh đồng lúa năm nào giờ bị xã “phù phép” thành những chiếc ao khổng lồ, người làng Thanh Tân (huyện Can Lộc) lặng im, gạt nước mắt nghẹn ngào nuối tiếc: “nếu biết trước, chúng tôi chịu khó khăn một chút để canh tác thì còn có ruộng mà làm, có gạo mà ăn chứ giờ mênh mông biển nước như thế này, chúng tôi biết nuôi con gì, trồng con gì để thoát đói, thoát nghèo đây…”
Theo Diễm Phước – Trí Thức (Đời sống & Tiêu dùng)