Cũ chưa giải quyết xong
UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản số 1758 về xử lý các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng phát sinh khi thực hiện dự án mở đường theo quy hoạch tồn đọng cũ trước năm 2005. Theo đó, UBND thành phố chấp thuận về nguyên tắc với đề xuất của Sở Xây dựng về xử lý, thu hồi các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại để phục vụ mục đích công cộng.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 302 nhà "siêu mỏng, siêu méo" được xây dựng từ năm 2002, 2003; đến nay mới xử lý được 170 trường hợp, còn tồn đọng 132 trường hợp. Tại phần lớn những công trình này, các hộ dân đang sinh sống ổn định.
Điểm chung của 132 trường hợp nhà "siêu mỏng, siêu méo" là đều nằm ngoài chỉ giới mở đường, tồn tại trước 15/3/2005 tới nay. Những căn nhà này tồn tại trước khi có Luật Xây dựng và quy định của thành phố về không cho phép xây nhà mỏng, méo.
Nhà siêu mỏng xuất hiện nhiều trên đường Võ Chí Công. |
Sở Xây dựng phân loại 132 trường hợp nhà “siêu mỏng, siêu méo” thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất gồm 52 trường hợp tồn tại 13 năm nay, người dân đã xây dựng nhà cửa, sinh hoạt ổn định. Công trình đã hạ độ cao, được gia cố chắc chắn, chỉnh trang lại, cho tồn tại nếu đủ điều kiện, bảo đảm mỹ quan đô thị. Nhóm thứ hai, hơn 20 trường hợp có thể chỉnh trang, đề nghị các quận hướng dẫn người dân sửa chữa theo đúng quy chuẩn, bảo đảm số tầng xây dựng.
Hơn 50 trường hợp nhà mỏng, méo xây cao tầng, không phù hợp cảnh quan, có nguy cơ mất an toàn thì kiên quyết thu hồi.
Tiếp tục phát sinh mới
Trong khi Hà Nội đang quyết tâm xử nhà “siêu mỏng, siêu méo” tồn tại thì trên những con phố ở ngay những quận trung tâm, các trường hợp nhà mỏng, méo vẫn xuất hiện.
Ngôi nhà siêu nhỏ có mặt tiền rộng chưa đầy 1 m, lọt thỏm giữa 2 cửa hàng số 52 và 52P, Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm) đang được xây dựng, sửa chữa; phần đất của ngôi nhà “siêu mỏng” này trước là con ngõ nhỏ đi vào nhà chủ hộ.
Số nhà 129 Trần Đại Nghĩa (quận Hai Bà Trưng) nằm trong dãy ki-ốt “siêu mỏng” đang đổ trần tầng 1. Người dân ở đây cho biết, căn nhà này chỉ dưới 15 m2.
Dọc đường Võ Chí Công (địa bàn hai quận Cầu Giấy và Tây Hồ) mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng hàng loạt nhà siêu méo, siêu mỏng xuất hiện. Chúng tôi ghi nhận rất nhiều căn nhà hình dáng kỳ dị được xây dựng kiên cố, cao tầng...
|
Ngôi nhà siêu nhỏ có mặt tiền rộng chưa đầy 1 m trên đường Lý Thường Kiệt.
Thống kê của Sở Xây dựng 56 trường hợp phát sinh ở giai đoạn 2014-2016, đến năm 2017 khi thi công tuyến vành đai 3 ở đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội tiếp tục phát sinh 8 trường hợp mới.
Không dễ thu hồi nhà “siêu mỏng, siêu méo”
Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hà Nội đưa ra cách giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo nhưng đây mới chỉ là định hướng còn cụ thể có nhiều vấn đề khác. Nhà siêu mỏng có loại được cấp phép xây dựng và loại xây không được cấp phép. Với những nhà không được cấp phép có thể phá bỏ, điều này hoàn toàn đúng. Nhưng trường hợp nhà mỏng, méo được cấp phép, tồn tại trước Luật Xây dựng và không đảm bảo mỹ quan thì xử lý như thế nào?
“Với trường hợp những nhà mỏng, méo xây dựng không phép bị phá bỏ thì thửa đất đó được xử lý như thế nào? Đất đó là tài sản thuộc sở hữu của người dân, phải có quy hoạch, dự án mới có thể thu hồi” – TS Phạm Sỹ Liêm nói.
Về lâu dài, TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng, Hà Nội phải thay đổi cách tổ chức phát triển đô thị, phải có một dự án tái phát triển cả một khu vực đô thị, không chỉ làm riêng một con đường, mà cần quan tâm tới diện tích đất hai bên đường.
Việc xử lý nhà "siêu mỏng, siêu méo" với các giải pháp đã được Hà Nội đặt ra từ rất lâu. Có thời gian đã đưa ra ý kiến mở đường phải thu hồi diện tích nhỏ hai bên đường để tránh hiện tương phát sinh nhà "siêu mỏng, siêu méo". Có thời gian đưa ra đề xuất, Sở Xây dựng cùng chính quyền địa phương giúp người dân hợp khối tránh nhà mỏng, méo. Tuy nhiên, các giải pháp chưa thực sự hiệu quả.
TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho biết, Hà Nội kiên quyết thu hồi các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng, phát sinh khi thực hiện dự án mở đường theo quy hoạch tồn đọng trước năm 2005 thể hiện sự quyết liệt của chính quyền thành phố. Đây được xem như một động thái tái khởi động lại các giải pháp trước đây và cụ thể hoá thực hiện Luật Thủ đô.
“Tuy nhiên, thu hồi để xây dựng công cộng cần làm rõ cho cụ thể? Bởi, làm ki-ốt bán hàng càng áp lực giao thông. Ngoài ra, các giải pháp làm bảng tin, vườn hoa nhỏ cũng cần nghiên cứu thấu đáo. Việc thu hồi phải có giải pháp khai thác hiệu quả đất thu hồi phù hợp với từng vị trí chứ không chỉ chung chung là phục vụ công cộng rồi lại biến thành dịch vụ thương mại” – ông Nghiêm nói./.
Tác giả: Hoài Lam
Nguồn tin: Báo VOV