Chẳng hạn, thí sinh có số báo danh 0500019…, đạt Toán 9,5; Văn 9,5; Anh 9,4 nhưng Lý 1,25 và Hóa 1,75 điểm.
Thí sinh có số báo danh 050010... đạt Toán 9 Vật lý 9,5 Hóa 9, trong khi đó Sinh học: 1,25 và Tiếng Anh: 1,6.
Tương tự, các học sinh khác có các môn trong tổ hợp xét tuyển vào ĐH, CĐ đều có điểm số chênh lệch cao/thấp bất thường.
Đây được cho là một trong những dữ liệu quan trọng về nghi vấn điểm thi “cao bất thường” ở Hà Giang.
Số thí sinh đạt 9 đến 10 điểm của Hà Giang gấp đôi số thí sinh đạt 8 đến 9 điểm. (Ảnh: vtv.vn). |
Một chuyên gia tuyển sinh cho hay, một thí sinh giỏi Toán, điểm cao tới 9,5 ít khi có thể dốt Hóa tới mức chỉ 1,75 điểm.
Có thể có trường hợp các em dành thời gian để làm bài thi cho các môn xét tuyển vào ĐH, CĐ nhưng ở đây, gần 50 thí sinh như vậy là điều rất đáng suy nghĩ.
Ông Vũ Khắc Ngọc, chuyên gia giáo dục nổi tiếng ở Hà Nội cho rằng, với cơ chế xét tuyển như hiện nay, chuyện thí sinh học lệch 3 môn chính của khối thi là bình thường.
"Dĩ nhiên, nếu cùng thuộc khối tự nhiên, Toán Lý mà 9-10 trong khi Hóa 1-2 là khó chấp nhận. Nhưng điều đó không đủ thuyết phục. Bất thường chỉ xảy ra nếu đồng loạt điểm các môn của một thí sinh đều cao.
Về thí dụ 1 ở trên đây, có thể xảy ra tiêu cực nếu thí sinh chỉ tập trung thi khối D (Toán - Văn - Anh). Ở đây, điểm số được sắp đặt rất "khéo" để Lý, Hóa vừa đủ thoát liệt: Điểm 1,0 là liệt thì thí sinh này được 1,25 - rất vừa vặn", ông Ngọc nói.
Tuy nhiên, theo ông Ngọc, về lý lẽ sẽ khó thuyết phục bởi có thể có ngẫu nhiên. Do đó điều cần thiết mà dư luận mong mỏi là các cơ quan chức năng tìm ra được chân tướng sự thật của những điều phi lý đó.
Như Dân trí đưa tin trước đó, điểm thi ở Hà Giang có vấn đề bất thường. Cụ thể, nhiều chuyên gia phát hiện thấy riêng môn Vật lý, tỉnh Hà Giang có 65 điểm 9 đến 10, và có 28 bài đạt mức 8 đến 9 điểm. Tức là, số thí sinh đạt 9 đến 10 điểm gấp đôi số thí sinh đạt 8 đến 9 điểm. Điều này rất vô lý bởi thông thường, điểm số càng cao phải càng giảm nhưng đây hoàn toàn ngược lại.
Thứ hai, cả nước có hơn 925.000 thí sinh đi thi THPTQG 2018, còn Hà Giang chỉ có gần 5.500 thí sinh. Nghĩa là số thí sinh của cả nước gấp gần 170 lần số thí sinh của Hà Giang.
Tuy nhiên, theo thống kê từ dữ liệu điểm thi, riêng ở khối thi A1, Hà Giang có tới 36 học sinh đạt mức trên 27 điểm, còn cả nước chỉ có 76 học sinh đạt mức điểm này. Tức là riêng Hà Giang chiếm tới gần một nửa.
Trao đổi với PV Dân trí trước đó, ông Lê Đức Vĩnh - nguyên Trưởng bộ môn Toán, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, Theo tôi, sai phạm ở chính khâu chấm thi.
Ở khâu coi thi, với đề thi năm nay, Hà Giang cũng khó tìm đủ người để làm hai môn Toán, Lý và tiếng Anh và “gà bài” cho học sinh, để giúp các em này đạt điểm mỗi môn từ 9 trở lên.
“Tôi đã nhiều năm chấm thi Đại học, tất nhiên là chấm thi tự luận. Đồng thời tôi cũng có quan sát kiểu chấm trắc nghiệm vì cùng chung hội đồng.
Về quy trình, khi quét bài thi của thí sinh, có 3 người gồm nhân viên máy tính, cảnh sát PA83 và một giám sát- thường là thư ký hội đồng thi.
Ba người này làm việc trong một phòng thi riêng biệt không ai được phép vào trong thời gian quét bài- trừ chủ tịch hội đồng chấm thi.
Đặt giả sử, nếu ba thành viên này thông đồng với nhau hoặc được sự chỉ đạo của Chủ tịch hội đồng thi, thì mọi chuyện đều có thể xảy ra”, ông Vĩnh chia sẻ.
Được biết, hiện Bộ GD&ĐT đang phối hợp với địa phương rà soát những điểm bất thường về điểm thi tại Hà Giang.
Theo quan điểm của địa phương này, sẽ triển khai quyết liệt, không có vùng cấm để trả lại điểm thi thật nếu thực sự có sai phạm.
Tác giả: Mỹ Hà
Nguồn tin: Báo Dân trí