Giáo dục

GS.TS Bùi Văn Ga hiến kế chống gian lận thi cử sau vụ Hà Giang, Sơn La

“Trong khi chưa tổ chức được phương thức thi trên máy tính, thì theo tôi những năm tới Bộ GD&ĐT có thể áp dụng phương thức cho thí sinh làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm như hiện nay nhưng bài làm của thí sinh được quét và lưu ngay sau khi kết thúc mỗi buổi thi”.

GS.TS Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết như vậy với PV Dân trí khi trao đổi về giải pháp nào để hạn chế tiêu cực gian lận thi cử hiện nay.

GS.TS Bùi Văn Ga, nguyên thứ trưởng Bộ GD&ĐT

Khâu coi thi và khâu chấm thi dễ xảy ra tiêu cực nhất.

Thưa GS, với nhiều năm làm quản lý giáo dục, đặc biệt chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia thì theo ông các khâu nào dễ xảy ra tiêu cực trong quá trình tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia?

Khâu coi thi và khâu chấm thi dễ xảy ra tiêu cực nhất.

Đối với khâu coi thi, Bộ GD ĐT đã xử lý rất tốt, bằng cách thi trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một đề thi riêng, mỗi phòng thi có một cán bộ của trường ĐH cùng làm nhiệm vụ coi thi với giáo viên địa phương.

Nhờ vậy việc trao đổi trong phòng thi giữa các thí sinh hay hiện tượng giám thị gạ bài cho thí sinh hầu như không xảy ra.

Thực tế trong 4 năm đổi mới thi vừa qua, không có điều tiếng gì về tiêu cực trong coi thi dù là kỳ thi do trường ĐH chủ trì hay do địa phương chủ trì.

Chống tiêu cực trong coi thi là công việc khó khăn và phức tạp nhất do nó liên quan đến hoạt động của hàng triệu thí sinh và hàng trăm nghìn cán bộ làm nhiệm vụ khi kỳ thi đang diễn ra.

Việc khó khăn này Bộ GDĐT đã làm được và phải nói là một thành công. Tiêu cực chấm thi, nếu có xảy ra chỉ liên quan đến hoạt động của một số người rất hạn chế.

Đặc biệt chấm thi trắc nghiệm thì chỉ có một số rất ít người chịu trách nhiệm trực tiếp liên quan. Vì thế việc chống tiêu cực ở chấm thi trắc nghiệm không khó thực hiện so với việc chống tiêu cực trong quá trình coi thi.

Thưa GS, qui trình chấm thi các môn trắc nghiệm hiện nay đã được áp dụng từ bao giờ?

Qui trình chấm các môn thi trắc nghiệm hiện nay cơ bản không khác gì so với qui trình chấm các môn trắc nghiệm khi thi 3 chung.

Khi tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia thì Bộ qui định bổ sung thêm thành phần giám sát là cán bộ có nhiều kinh nghiệm trong chấm thi trắc nghiệm của các trường ĐH để đảm bảo tính khách quan, trung thực của kết quả thi. Khi các trường Đại học thực hiện việc chấm thi thì hầu như không xảy ra điều tiếng gì về tiêu cực.

Những năm đầu đổi mới kỳ thi THPT quốc gia, thi ở địa phương nhưng trường ĐH chủ trì mang bài về trường chấm với sự tham gia của Sở GDĐT cũng đã được đánh giá là trung thực.

Nay địa phương chủ trì, Sở GDĐT thực hiện việc chấm thi và trường ĐH tham gia giám sát, nếu các bên thực hiện nghiêm qui chế và các thành viên ban chấm thi làm đúng chức năng, nhiệm vụ theo qui định của mình thì về nguyên tắc cũng không thể xảy ra tiêu cực được vì thành phần chấm thi cũng không khác gì nhiều so với khi các trường ĐH chủ trì chấm thi.

Thi tốt nghiệp THPT, địa phương phải chịu trách nhiệm chính

Theo ông, tại sao Bộ GD&ĐT không tiếp tục giao các trường ĐH chủ trì tổ chức kỳ thi như những năm đầu đổi mới thi/tuyển sinh?

Việc chuyển kỳ thi từ các trường ĐH chủ trì về cho địa phương chủ trì và trường ĐH tham gia phối hợp đã được bàn bạc, thảo luận kỹ càng khi ban hành qui chế kỳ thi THPT quốc gia.

Trước hết là bản chất kỳ thi là kỳ thi tốt nghiệp THPT nên địa phương phải là người chịu trách nhiệm chính. Do các trường ĐH lấy kết quả để xét tuyển nên các trường cần tham gia phối hợp để đảm bảo độ tin cậy, khách quan của công tác tổ chức thi. Vì thế trong cơ cấu của các ban chỉ đạo, các hội đồng thi, ban chấm thi đều có sự tham gia của các trường ĐH.

Việc chuyển gia nhiệm vụ chủ trì tổ chức kỳ thi cũng đã được Bộ GDĐT thực hiện rất thận trọng. Trong năm 2015, 2016, các trường ĐH về địa phương chủ trì và thực hiện tất cả các khâu của kỳ thi, địa phương phối hợp.

Trong 2 năm đó, các địa phương đã tích lũy được những kinh nghiệm cần thiết trong tổ chức kỳ thi nghiêm túc.

Cũng trong thời gian đó, qui chế thi/tuyển sinh cũng đã được hoàn thiện nên Bộ GDĐT đã quyết định giao cho địa phương chủ trì và các trường ĐH tham gia phối hợp. Trong kỳ thi, các trường ĐH đã điều động hơn 40.000 cán bộ tham gia làm nhiệm vụ.

Các trường đại học nên có hình thức kiểm tra năng lực của thí sinh

Bài thí sinh nên lưu ngay sau khi kết thúc mỗi buổi thi.

Nếu tiếp tục duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay thì giải pháp nào ngăn ngừa hiệu quả tiêu cực trong khâu chấm thi, thưa GS?

Phương án hiệu quả nhất để hạn chế tiêu cực trong chấm thi là thi trên máy tính, thí sinh thi xong có kết quả ngay, không ai có thể can thiệp vào kết quả làm bài của thí sinh được.

Phương án này cũng đã được Bộ GDĐT đưa ra thảo luận mấy năm gần đây. Vướng mắc hiện nay là đầu tư cơ sở vật chất ban đầu với số lượng máy tính đủ lớn để có thể tổ chức thi cùng lúc ở nhiều địa phương.

Mặt khác, ngân hàng câu hỏi thi cũng phải thật dồi dào thì mới có thể tổ chức thi trên máy tính được. Trong lộ trình đổi mới thi của Bộ GDĐT thì việc thi trên máy tính có thể áp dụng từ năm 2021 trở đi nếu điều kiện cho phép.

Trong khi chưa tổ chức được phương thức thi trên máy tính, thì theo tôi những năm tới Bộ có thể áp dụng phương thức cho thí sinh làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm như hiện nay nhưng bài làm của thí sinh được quét và lưu ngay sau khi kết thúc mỗi buổi thi.

Đây là phương án khả thi, đơn giản và ít tốn kém. Mỗi điểm thi trang bị khoảng 5,6 máy scan thông thường kèm theo máy tính để thực hiện việc quét bài thi gốc của thí sinh khi các giám thị mang bài thi đến nộp tại điểm thi.

Qui chế thi bổ sung qui định bảo mật file dữ liệu gốc sau khi quét. Khi đã lưu bản gốc này rồi thì việc phát hiện tiêu cực nếu có trong quá trình chấm thi sẽ rất dễ dàng.

Bộ GD -ĐT hay các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể chấm độc lập trên bài làm gốc của thí sinh để đối sánh và phát hiện tiêu cực chấm thi ở các địa phương nếu có. Khi đã lưu bản gốc bài làm thí sinh tại chỗ như vậy, những ai có ý định tiêu cực khi sửa bài làm, nâng điểm thí sinh sẽ không dám và không thể thực hiện được.

Theo qui trình đang áp dụng hiện nay thì khoảng thời gian từ khi giám thị nộp bài đến khi ban chấm thi quét bài làm của thí sinh để gửi về Bộ khá dài, qua nhiều khâu bàn giao, bảo quản nên có thể xảy ra tiêu cực. Nếu không có file ảnh gốc bài làm của thí sinh thì khi xảy ra tiêu cực sửa bài trước khi quét để lưu rất khó phát hiện hoặc khi phát hiện ra thì việc xác minh, xử lý sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức.

Các trường đại học nên có hình thức kiểm tra năng lực

Các trường ĐH nên có phương thức tuyển sinh như thế nào để đảm bảo công bằng, khách quan khi sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia?

Đối với các trường Đại học, việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia để xét tuyển chỉ là một kênh tuyển sinh. Luật GDĐH hiện hành đã giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các nhà trường vì thế các trường cũng cần sớm có phương án tuyển sinh phù hợp.

Một số trường đã tiến hành tổ chức thi năng lực như Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh… bước đầu cho thấy các trường đã chủ động thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh phù hợp với yêu cầu đào tạo của trường.

Theo tôi, trước mắt dù tuyển sinh theo hình thức nào thì những trường, ngành có tính cạnh tranh cao (thường gọi là trường, ngành tốp đầu) cũng nên có hình thức kiểm tra năng lực, đánh giá lại kiến thức cơ bản của thí sinh trước khi chính thức công bố trúng tuyển.

Có như vậy các trường, ngành này mới tuyển đúng được thí sinh có kiến thức và kỹ năng phù hợp, đồng thời loại trừ được những tiêu cực có thể xảy ra nếu chỉ dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia hay học bạ phổ thông.

Xin trân trọng cám ơn GS!

Tác giả: Hồng Hạnh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP