Gói thầu KA-PW-07 Hệ thống thu gom nước thải thuộc Dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - Tiểu dự án Đô thị Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có dự toán 434,108 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Nhã Chi |
Gói thầu KA-PW-07 có dự toán 434,108 tỷ đồng, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), được đấu thầu rộng rãi trong nước, mở thầu ngày 17/6/2021. Kết quả đánh giá xác định Liên danh Công ty CP Xây dựng số 5 - Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập - Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp Việt Nam trúng thầu với giá 433,996 tỷ đồng, giảm giá 112 triệu đồng sau đấu thầu. Hợp đồng được thực hiện trong 36 tháng.
Có lợi thế vượt trội về giá, song 2 nhà thầu còn lại đều bị loại. Theo Báo cáo của Bên mời thầu (BMT), nhà thầu xếp thứ nhất về giá là Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng, với giá dự thầu 393,344 tỷ đồng. Các hồ sơ dự thầu (HSDT) có hiệu lực đến ngày 15/10/2021, tuy nhiên quá trình đánh giá bị kéo dài hơn dự kiến do BMT mất nhiều thời gian trong việc kiểm tra hậu tuyển. BMT yêu cầu các nhà thầu gia hạn hiệu lực HSDT (lần 1) đến ngày 9/11/2021. Tuy nhiên Nhà thầu Bạch Đằng không đồng ý gia hạn. Bên cạnh đó, quá trình đánh giá, Tổ chuyên gia nhận thấy một số tài liệu do Nhà thầu cung cấp có dấu hiệu kê khai không trung thực. Cụ thể, tại HSDT, Nhà thầu đề xuất danh sách nhân sự chủ chốt kèm theo bằng cấp, tài liệu chứng minh kinh nghiệm đã tham gia thực hiện Gói thầu A1 thuộc Dự án Thoát nước và quản lý chất thải rắn Hải Phòng - giai đoạn I do Ban QLDA Phát triển đô thị và Đầu tư xây dựng công trình dân dụng Hải Phòng làm chủ đầu tư. Qua xác minh với Chủ đầu tư Gói thầu A1, Tổ chuyên gia xác định không đủ cơ sở để đánh giá các nhân sự chủ chốt mà Nhà thầu đã đề xuất đáp ứng năng lực, kinh nghiệm theo yêu cầu của HSMT. Mặt khác, khi được yêu cầu cung cấp tài liệu gốc để đối chiếu, xác minh, Nhà thầu Bạch Đằng không cung cấp được với lý do “tài liệu đã bị thất lạc”. Tổ chuyên gia cũng xét đến việc Nhà thầu Bạch Đằng đang bị UBND tỉnh Bình Dương cấm tham gia hoạt động đấu thầu trên địa bàn Tỉnh trong 4 năm kể từ tháng 6/2021, do cố ý cung cấp thông tin không trung thực trong HSDT Gói thầu ICB/05 thuộc Dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương - Giai đoạn 2 (vay vốn JICA).
Nhà thầu xếp thứ 2 về giá là Liên danh Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC - Công ty CP Xây dựng và Đầu tư phát triển kiến trúc đô thị (gọi tắt là Liên danh Vinaconex - UDIC - UDCC), với giá dự thầu 409,163 tỷ đồng. Qua kiểm tra hậu tuyển, Vinaconex và UDCC đều không đáp ứng yêu cầu về nhân sự và giá trị hợp đồng tương tự. Riêng đối với UDIC, Nhà thầu bị đánh giá để xảy ra các vi phạm nghiêm trọng khi triển khai hợp đồng tại Gói thầu số 25 (HU-CW04) thuộc Dự án Chương trình phát triển đô thị loại II (các đô thị xanh) - Tiểu dự án Thừa Thiên Huế (vay vốn ADB). Theo đó, mặc dù liên tục được đôn đốc, nhưng UDIC vẫn không hoàn thành đúng tiến độ hợp đồng đã ký, dẫn đến Chủ đầu tư đã hai lần đề nghị ADB cho phép chấm dứt hợp đồng với UDIC. Từ đó, BMT đặt ra lo ngại về năng lực và khả năng đáp ứng tiến độ của Nhà thầu nếu được trao thầu.
Được biết, ngày 4/1/2022, Liên danh Vinaconex - UDIC - UDCC đã có văn bản gửi WB, Chủ đầu tư, BMT, cùng các cơ quan chức năng liên quan kiến nghị kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu KA-PW-07. Liên danh khẳng định hoàn toàn đáp ứng năng lực theo yêu cầu của HSMT và cho rằng BMT không đủ cơ sở pháp lý loại nhà thầu.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ của Ban QLDA xây dựng thị xã Kỳ Anh khẳng định, việc đánh giá HSDT hoàn toàn minh bạch, khách quan, dựa trên quy chế đấu thầu và sự giám sát chặt chẽ từ phía WB. Ban cho biết đã nhận được kiến nghị của Nhà thầu và đang xác minh làm rõ, đệ trình WB hướng giải quyết.
Tác giả: Phương Bình
Nguồn tin: Báo Đấu Thầu