Pháp luật

Giết vợ trong cơn cuồng ghen, ôm xác ngủ: Án nào cho người chồng?

Vụ người chồng giết vợ trong cơn cuồng ghen rồi ôm xác ngủ đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Người đàn ông sát hại vợ trong cơn cuồng ghen. Ảnh: Vnexpress

Câu chuyện về vụ án người đàn ông ở Tuyên Quang giết vợ trong cơn cuồng ghen đang gây xôn xao dư luận.

Theo cáo trạng, Bùi Văn Chuẩn (48 tuổi, trú huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) phát hiện vợ thường xuyên nhắn tin gọi điện với một số máy lạ nên nảy sinh lòng thù hận, ghen tuông.

Sau bữa cơm tối ngày 27/7, thấy vợ mặc quần áo đẹp đi ra ngoài, Chuẩn bám theo và thấy vợ đi vào nhà nghỉ. Tới khuya, người phụ nữ trở về. Sau khi quan hệ vợ chồng, hai người to tiếng. Khai với cảnh sát, Chuẩn nói bị vợ ném dao thách thức, trong cơn tức giận, anh ta đã cầm đâm liên tiếp đoạt mạng chị này - báo CAND đăng tải thông tin.

Gây án xong, do bị bệnh tiểu đường lại uống rượu trong lúc chờ vợ về trước đó nên Chuẩn đuối sức. Anh ta đặt xác vợ gối lên tay mình và ôm ngủ. Khi tỉnh dậy, Chuẩn định tự tử nhưng bất thành. Sau đó, Chuẩn bị khởi tố về tội "Giết người".

Đằng sau tội ác không thể dung thứ, nhiều bạn đọc xót xa cho số phận của người chồng nổi tiếng yêu chiều vợ lại phạm tội tày đình trong cơn cuồng ghen. Không ít ý thắc mắc, với những tình tiết như: cô vợ ngoại tình, gây án sau khi bị vợ ném dao thách thức liệu có giúp người chồng được giảm nhẹ án.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Luật sư Đặng Văn Cường, VP Luật sư Chính Pháp cho rằng, đây là một sự việc rất đau lòng, người gây án và nạn nhân là những con người có quan hệ gần gũi gắn bó, hành động gây án xảy ra trong lúc nóng nảy, thiếu kiểm chế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

"Theo thông tin báo chí đăng tải, cô vợ cũng là người đáng trách nếu việc ngoại tình là có thật, hành vi cô vợ đưa dao cho chồng, thách thức chồng trong khi anh này đang trong cơn ghen tuông tột độ cũng như là tình tiết tòa có thể xem xét để giảm một phần trách nhiệm hình sự cho anh chồng", ông Cường nhận định.

Về tính chất của vụ án, theo luật sư Cường, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân động cơ phạm tội để làm căn cứ xác định bị can có bị kích động khi gây án, người bị hại có lỗi hoặc có căn cứ để xác định hành phi phạm tội có tính chất côn đồ hay không, từ đó đưa ra căn cứ xác định sẽ truy tố bị can theo khoản 1 hay khoản 2, điều 93 BLHS.

Nếu bị xác định là hành vi phạm tội có tính chất côn đồ (vì lý do nhỏ nhặt, vụn vặt, không đáng có mà giết người...) thì anh chồng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1, điều 93 Bộ luật hình sự và hình phạt mà anh Chuẩn phải đối mặt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Trường hợp, trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định nạn nhân là người có lỗi chính, liên tục, kéo dài, gây tâm lý bức xúc cho bị can, đặc biệt là vào thời điểm xảy ra sự việc, nạn nhân đã có những hành vi trái pháp luật làm tinh thần của bị can bị kích động mạnh thì bị can chỉ bị xử lý theo khoản 2, Điều 93 BLHS, khi đó hình phạt sẽ là phạt tù từ 7-15 năm.

"Ngoài ra, các tình tiết như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải cũng là tình tiết được xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự. Kết quả vụ án sẽ căn cứ vào kết quả điều tra và kết quả tranh tụng, diễn biến cụ thể tại phiên toà tới đây", ông Cường kết luận.

Bộ luật hình sự quy định: Điều 93. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết nhiều người;

b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

c) Giết trẻ em;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Tác giả: Hoàng Nam

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP