Tin trong nước

Chồng giết vợ dã man, lãnh án tử để lại đứa con bơ vơ

Đêm cuồng ghen

Trong cơn ghen cuồng trí, gã chồng hung ác đã dùng tất cả sáu con dao chém chết thảm thương vợ mình bằng hàng chục nhát. Vụ án mạng kinh hoàng xảy ra làm xáo động, kinh hoàng cả khu phố.
Một ngày giữa tháng 9.2014, ngay từ sáng sớm tại khu chung cư Miếu Nổi, phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM, hàng trăm người dân kéo đến theo dõi phiên tòa xét xử lưu động bị cáo Trần Châu Sơn (SN 1973, ngụ Quận Bình Thạnh, TP.HCM) về hành vi giết người. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Ngọc Bình, chính là vợ của bị cáo đã bị Sơn truy sát đến cùng bằng tất cả sáu con dao. Đứng trước vành móng ngựa, kẻ thủ ác lạnh lùng kể lại sự việc khiến những ai đến dự phiên tòa cũng phải rùng mình trước cái chết thảm thiết, đau đớn của người vợ dưới bàn tay độc ác của gã chồng.

Sơn chậm rãi kể lại rành rọt sự tình, bị cáo là con một, lập gia đình cách nay đã gần 10 năm. Sau khi đám cưới xong, Sơn và chị Bình về chung sống với mẹ ruột Sơn tại căn nhà số 91/21 đường Đinh Tiên Hoàng, phường 3, quận Bình Thạnh và có  một đứa con chung.

Từ ngày lập gia đình tới nay, không nghề nghiệp, Sơn cũng chẳng làm chi ra tiền. Còn vợ Sơn thì làm nghề may. Hàng ngày, chị Bình lãnh đồ về nhà may gia công để kiếm tiền lo cho cuộc sống của cả nhà. Tuy sống chung mẹ ruột nhưng cuộc sống chật vật thiếu trước hụt sau nên vợ chồng Sơn thường xảy ra lục đục.

Sơn thường ghen vợ mình ngoại tình với người đàn ông khác. Còn vợ Sơn thì hay cáu gắt với chồng vì Sơn có máu cờ bạc, đánh đề, cá độ bóng đá lâm nợ hơn 7 triệu đồng.


Bị cáo Trần Châu Sơn.

Còn người dân trong khu phố nơi Sơn ở thì họ cũng cho biết, tình cảm đôi vợ chồng này từ lâu vốn đã “cơm không lành, canh không ngọt”. Những tưởng, vợ chồng nào mà chẳng cự cãi, xong cơn giận rồi cũng làm hòa mà chung sống với nhau nhưng không ngờ, Sơn đã cầm dao giết chết vợ mình.

Vụ việc xảy ra vào ngày 31.1.2014 (nhằm ngày mùng 1 Tết) sau khi đi uống bia về nhà Sơn và chị Bình cãi nhau kịch liệt. Đến nửa khuya khi đi ngủ, do có men rượu trong người, Sơn đi đứng loạng choạng bước chân ngang qua giường chạm vào chân chị Bình làm chị thức giấc. Chị Bình buông lời mắng chồng, suốt ngày ăn nhậu be bét chẳng chịu làm ăn và hai người tiếp tục cự cãi nhau.

Bị vợ  mắng mỏ, sỉ vả lại nghĩ tới mối thâm thù trước đây đã nhiền lần bắt gặp vợ mình đi uống cà phê với người đàn ông khác, Sơn càng tức tối. Còn chị Bình suốt ngày nghe dai dẳng những câu ghen bóng ghen gió của chồng, chịu không thấu nên trong lúc đang cự cãi, chị Bình đòi ly hôn.

Cho rằng vợ mình muốn ly hôn để rảnh rang quan hệ tình cảm với người đàn ông khác nên gã chồng này chạy thẳng xuống bếp chộp lấy hai con dao nhọn đi vào phòng ngủ, một con hắn để trên gầm giường còn một con Sơn cầm đâm vào cổ chị Bình. Chị Bình bỏ chạy thì Sơn tiếp tục đuổi theo và lấy một con dao khác tiếp tục đâm vào đầu chị Bình. Không dừng lại, Sơn còn điên cuồng chạy xuống bếp lấy thêm một con dao hai lưỡi  tiếp tục chém chị Bình.

Lúc này, nghe lục đục trong phòng nên bà Nguyễn Thị Chi (80 tuổi, mẹ ruột Sơn) thức dậy và liều mình mở cửa cho con dâu chạy thoát ra khỏi nhà. Nhưng Sơn không buông tha, vứt bỏ con dao nhỏ và tiếp tục chạy vào nhà lấy hai con dao khác loại dao phay rượt theo. Khi đuổi theo kịp chị Bình, hắn ác tâm một tay cầm dao chém chị Bình nhưng trúng vào tường nhà làm rơi con dao xuống đất. Tay kia, Sơn dùng dao chém chị Bình nhiều nhát làm chị Bình đau đớn gục ngã và chết ngay tại chỗ.

 “Bỗng chốc, cháu tôi trở thành đứa trẻ mồ côi”

Ngày bị cáo Trần Châu Sơn bị đưa ra xét xử, ông Nguyễn Núi, cha của bị hại đồng thời cũng là cha vợ của bị cáo cũng có mặt tại tòa. Ông Núi với vẻ mặt buồn rầu ngồi lẳng lặng ở hàng ghế phía dưới. Ông ra tòa với tư cách là người đại diện hợp pháp phía bị hại.


Ông Nguyễn Núi (cha vợ của bị cáo) mong tòa giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Khi được hỏi về nguyên nhân giết vợ thì Sơn lạnh lùng kể: “Do bị cáo nhiều lần bắt gặp vợ bị cáo đi uống cà phê chung với người đàn ông khác. Bị cáo nhiều lần khuyên vợ không nên đi uống cà phê với người đó nữa nhưng vợ bị cáo vẫn chứng nào tật ấy”.

Vị chủ tọa hỏi: “Chỉ là bắt gặp vợ đi uống nước với người đàn ông khác, bị cáo đã nói vợ ngoại tình, bị cáo có chứng cứ gì khác không?”. Lúc này, Sơn chỉ biết cúi mặt xuống mà đáp rằng: “Không”. Tòa tiếp tục thẩm vấn: “Bị cáo đã giết vợ mình bằng mấy con dao?”, Sơn cho biết đã dùng tất cả sáu con dao để đoạt mạng vợ mình. Khi tòa hỏi bị cáo thấy gì qua hành vi của mình thì Sơn cũng thừa nhận hành vi của bị cáo là dã man.

Khi được tòa thẩm vấn, phía đại diện hợp pháp người  bị hại, ông Núi rưng rưng nước mắt: Từ ngày xảy ra vụ án mạng đau thương, con chết, con rể bị bắt giam, đứa cháu ngoại đã được ông đem về quê cưu mang. Nghĩ  tới cảnh đau lòng này, ông Núi đã làm đơn giảm án cho bị cáo. Trong đơn giảm án, ông Núi trình bày: “Mong tòa giảm cho bị cáo mức án tù chung thân để con bị cáo còn có ngày thấy mặt cha. Tội nghiệp đứa bé, nó đã mất mẹ giờ lại thêm mất cha, phút chốc đã mồ côi, mong tòa giảm nhẹ tội cho bị cáo”.

Hiện bị cáo còn một mẹ già 80 tuổi, từ ngày Sơn bị bắt tới nay, bà Chi sống trong căn nhà quạnh vắng, một thân một mình không ai chăm sóc. Thấy hoàn cảnh bị cáo đáng thương mà cũng đáng giận nhưng nghĩ tới tương lai của đứa cháu ngoại, ông Núi sẵn sàng tha thứ cho đứa con rể.

Nghe cha vợ phân minh phải trái, Sơn như chợt nhận ra tội của mình quá lớn. Đứng khép nép trước vành móng ngựa, bị cáo cũng không cầm được những giọt nước mắt muộn màng. Biết tội ác của mình khó dung thứ, nói lời sau cùng, Sơn nghẹn ngào như trăn trối trăm lời xin lỗi gia đình bị hại, xin lỗi mẹ già, xin lỗi con của bị cáo.  Và bị cáo còn cầu xin cha mẹ vợ nuôi dưỡng giùm đứa con của bị cáo được nên người. Cuối cùng, bị cáo cũng cầu xin HĐXX cho bị cáo có một cơ hội sống để chuộc lại lỗi lầm.

Tuy nhiên, sau khi nghị án, HĐXX nhận thấy tội ác của bị cáo rất tàn nhẫn dã man, giết người không gớm tay, quyết truy sát nạn nhân đến cùng. Bị cáo đã dùng tất cả sáu con dao để giết chết nạn nhân, tội ác của bị cáo cần phải trừng phạt nghiêm làm gương cho xã hội. Cuối cùng, tòa tuyên phạt bị cáo tử hình về tội “giết người”. Nghe xong bản án, Sơn như muốn quỵ ngã.

Đáng lẽ phía bị hại phải thỏa cơn giận nhưng người nhà của bị hại cho biết họ cũng cảm thấy buồn lòng. Xót thương cho đứa cháu ngoại của mình, ông Núi nức nở: “Kể từ ngày mẹ cháu mất, cha cháu bị bắt, cháu ít nói hẳn và cũng không hỏi han gì tới cha mẹ của cháu hết. Cháu nay đã 7 tuổi rồi có lẽ cháu hiểu hết sự tình nên không muốn khơi gợi nỗi đau của gia đình. Bỗng chốc một đứa trẻ ngoan hiền nhỏ dại trở thành một đứa bé mồ côi, thật tội nghiệp cho nó”.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP