Giáo dục - Đào tạo

Giáo viên phổ thông xuống dạy mầm non: Không thể tùy tiện!

Tình trạng thừa – thiếu giáo viên (GV) đang diễn ra ở các cấp học tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Để giải bài toán này, nhiều địa phương có chủ trương “lạ đời” điều chuyển GV phổ thông xuống dạy mầm non. Theo các chuyên gia giáo dục, việc làm này không thể tùy tiện!

Giáo viên phổ thông xuống dạy mầm non: Không thể tùy tiện!

Điều chuyển GV phổ thông xuống dạy mầm non là chuyện không thể vì yêu cầu công việc ở hai bậc học khác nhau. Ảnh: HH

Phân loại GV để điều chuyển

Theo con số thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), khối THCS hiện đang bị thừa nhiều GV nhất với con số hơn 21.000. Trong khi đó, khối mầm non lại bị thiếu GV trầm trọng tới 32.641. Vì thế, nhiều địa phương đã buộc phải chuyển GV các cấp, đặc biệt là THCS xuống mầm non.

Là một trong những địa phương “nổi cộm” về tình trạng thừa thiếu GV, bà Phạm Thị Hằng – Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết: Hiện Thanh Hóa thừa 2.188 GV cấp THCS, thiếu 1.405 GV ở bậc mầm non.

Tình trạng thừa thiếu GV ở các bậc học không chỉ xảy ra ở Thanh Hóa mà còn ở nhiều địa phương khác.

“Ngành Giáo dục tỉnh Thanh Hóa đang đề xuất với địa phương và Bộ GD&ĐT có biện pháp đảm bảo đủ GV ở bậc mầm non và giải quyết tình trạng thừa GV ở bậc THCS, tránh tình trạng thừa ở bậc học này nhưng lại thiếu ở bậc học kia”, bà Hằng cho hay.

Theo bà Hằng, tỉnh Thanh Hóa đang giao các địa phương khảo sát thống kê số GV dôi dư ở bậc THCS và hướng sắp tới sẽ là chuyển xuống dạy ở bậc mầm non, tiểu học một cách có phân loại. Ví dụ như GV dạy các môn đặc thù về Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Tiếng Anh ở bậc THCS thì có thể chuyển xuống dạy ở bậc tiểu học và sẽ được bồi dưỡng nghiệp vụ, phương pháp dạy học, đào tạo phù hợp với tâm lý ở bậc học này. Còn đối với GV dạy Toán, Ngữ văn ở bậc THCS cũng sẽ được bố trí xuống dạy những môn này ở bậc tiểu học.

“Tuy nhiên, hiện nay, việc chuyển GV THCS xuống dạy mầm non đang có nhiều băn khoăn vì cho rằng không phù hợp. Để giải quyết lo lắng này, ngành Giáo dục tỉnh Thanh Hóa có hướng là có thể đưa GV THCS xuống dạy học ở bậc mầm non nhưng để họ dạy các môn học phụ hoặc là nhân viên hành chính và phải đáp ứng được về độ tuổi giảng dạy”, bà Hằng thông tin.

Trả lời câu hỏi làm thế nào để đảm bảo công bằng trong xét chuyển GV, bà Hằng cho biết: Các địa phương đều phải xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn và có hội đồng công khai, minh bạch khách quan các tiêu chí này. Việc xét cũng như điều chuyển phải được làm thận trọng.

Bất cập

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tổng số GV ở hệ thống trường công lập trong cả nước đang dôi dư gần 27.000; trong khi đó vẫn thiếu hơn 45.000.Một số tỉnh có số lượng dôi dư GV cấp THCS lớn như: Thái Bình hơn 1.200, Phú Thọ gần 1.200, Thanh Hóa hơn 2.100, Nghệ An hơn 1.700, Quảng Nam gần 1.100. Trong khi đó, một số nơi lại thiếu – đặc biệt là tiểu học như: Hà Nội gần 2.700, Sơn La hơn 1.100, Gia Lai gần 1.200… các tỉnh còn thiếu GV mầm non như: Sơn La hơn 1.000, Bắc Giang gần 2.000, Thái Bình 1.500, Thanh Hóa hơn 1.400, Nghệ An hơn 3.300…

Hà Tĩnh cũng là một trong những địa phương được liệt vào danh sách có lượng GV thừa – thiếu lớn. Theo ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến tình trạng này là do quá trình biến động sĩ số, số lượng học sinh trong từng giai đoạn. Hà Tĩnh tách tỉnh 25 năm nay, từ năm 1991 – 2004 quy mô học sinh tăng mạnh, nhưng từ 2004 đến nay giảm dần. Hiện, mỗi độ tuổi học sinh, Hà Tĩnh có 19.000, trong khi trước đây là từ 12 – 24.000. “Để giải bài toán này, chúng tôi đang rà soát, để sắp xếp lại GV theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT”, ông Dũng cho hay.Cho ý kiến về việc chuyển GV phổ thông xuống dạy mầm non, ông Dũng thẳng thắn: “Cá nhân tôi không đồng tình với việc làm này. Vì bậc mầm non có yêu cầu rất đặc thù và phải được đào tạo bài bản mới đem lại hiệu quả”.

Đã từng điều chuyển GV từ bậc THCS xuống tiểu học, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho rằng, có thể chuyển GV từ bậc THCS xuống tiểu học, đây là cách làm phù hợp, tuy nhiên cũng phải tăng cường bồi dưỡng về năng lực chuyên môn và đặc biệt là tâm lý lứa tuổi. Qua thực tiễn Đà Nẵng, GV sau khi được điều chuyển đã làm rất tốt công việc của mình.

Riêng việc chuyển GV từ phổ thông xuống dạy mầm non, ông Vĩnh khẳng định: Đây là bất cập, bởi trong quá trình đào tạo 4 năm ở trường sư phạm và cả quá trình thực tập, các GV này không trực tiếp xuống trường mầm non, cũng không được học những vấn đề đặc thù về tâm lý học, giáo dục học nên việc điều chuyển là không phù hợp.

Theo ông Vĩnh, việc làm này chỉ thực hiện được khi ngành Giáo dục địa phương thông báo nhu cầu tuyển để GV dạy phổ thông đăng ký, sau đó các sở, ngành phải đề nghị thầy cô xuống ngay trường mầm non để làm quen với công việc. “Các Sở GD&ĐT cũng phải tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ. Tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài thì GV phải được dạy đúng chuyên ngành mình học”, ông Vĩnh nhấn mạnh.

Nóng vội hậu quả tiềm ẩn lớn

Bày tỏ chia sẻ với thách thức của nhiều địa phương về tình hình thừa – thiếu GV, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, việc điều chuyển thừa – thiếu giữa các bậc học là tình thế, nhưng chúng ta vẫn phải tôn trọng chất lượng. Bởi khi tiến hành vội vã rất có thể tiềm ẩn nguy cơ khôn lường về sau. “Thiếu thì thiếu rồi, chứ không phải một vài tháng nay mới thiếu. Không phải vì thiếu quá mà chúng ta cứ dồn là dồn, nóng vội thì hậu quả tiềm ẩn rất lớn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hải Hà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP