Đời sống khó khăn, công việc đầy áp lực nhưng trong trái tim hồng của mỗi cô giáo luôn lấp lánh một tình yêu, một niềm đam mê công việc. Đó là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng của bậc học đầu tiên trên địa bàn tỉnh nhà.
Những trái tim hồng
Với cô giáo Nguyễn Thị Nhàn, điều hạnh phúc nhất là được làm việc, được cống hiến sức lực và trí tuệ của mình cho quê hương. Nên trong suốt 11 năm gắn bó với trường mầm non Đức Dũng ( Đức Thọ), dẫu vẫn là giáo viên ngoài biên chế với mức lương 1,9 triệu đồng/tháng, nhưng mỗi ngày đến trường được nhìn thấy tiếng nói bi bô và nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ là cô lại thấy mọi vất vả dường như tan biến. Cô tâm sự: “ Mức lương eo hẹp không đủ để trang trải nên sau mỗi giờ lên lớp hay những ngày nghỉ cuối tuần tôi lại phải tranh thủ chăm bón ruộng vườn. Vất vả nhưng tôi thấy hạnh phúc khi mình đã có một cuộc sống, một công việc đầy ý nghĩa”.
Là một xã thuần nông, kinh phí hạn hẹp, không thể hợp đồng thêm người, phần vì đời sống của người dân còn thiếu thốn, tỷ lệ huy động trẻ ăn bán trú không đạt 100% nên hầu hết các giáo viên ở nơi đây đều phải một mình quản lý lớp học – riêng lớp cô Nhàn có số lượng 30 học sinh. Ngoài việc đi sớm, về muộn để thực hiện việc đón và giao trẻ, mỗi ngày của giáo viên mầm non là một khối công việc không tên, từ dọn vệ sinh cụm lớp, vệ sinh cho các cháu, dạy bảo và nuôi dưỡng các cháu… Thế nhưng, lòng yêu nghề, mến trẻ đã thực sự là nguồn sức mạnh để các cô vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Và với cô Nhàn, niềm vui càng được nhân lên khi sự miệt mài rèn luyện trong những năm vừa qua đã mang về cho cô phần thưởng cao quý- giáo viên giỏi tỉnh nhiều năm liền và là một trong những tấm gương điển hình trong cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Cùng một nỗi khó khăn chung khi trót yêu và gắn bó với nghề, nhưng sự nghiệp giảng dạy của giáo viên mầm non trên địa bàn miền núi vẫn muôn nỗi gian truân. Cô Nguyễn Thị Thuận – Hiệu trưởng trường Mầm non Hương Lâm 2 tâm sự: “ Theo quy định, mỗi ngày làm việc của giáo viên mầm non là 8 tiếng nhưng thực tế hơn thế nhiều em ạ. Buổi sáng thường thì 6h30 bắt đầu đón trẻ nhưng chúng tôi phải đến sớm hơn nữa để dọn vệ sinh cụm lớp, buổi chiều bắt đầu đón từ 4 giờ trở đi nhưng nhiều lúc phụ huynh đi làm chưa về, cô trò phải ngồi chờ cho đến tối mịt. Chế độ của giáo viên mầm non còn hạn hẹp, mà áp lực công việc lại lớn bởi ngoài giảng dạy cho trẻ nhận thức, múa hát chúng tôi còn phải chăm sóc trẻ nữa. Mà trẻ con vốn rất hiếu động và tinh nghịch nên việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ chẳng dễ dàng chút nào”. Chính vì thế 13 năm gắn bó với nghề giáo và trải qua 3 trường mầm non, Cô Thuận cũng đã có không ít kỷ niệm buồn, vui. Đó là những khó khăn khi vận động phụ huynh cho trẻ ăn bán trú, là những lúc trẻ con hiếu động, tinh nghịch đánh nhau trầy da chân, tay hay những tai nạn đáng tiếc xẩy ra… Cũng có khi phụ huynh thông cảm nhưng cũng có những người dọa kiện cô giáo… Buồn, nhưng dường như công việc đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống nên cô lại càng quyết tâm khắc phục khó khăn trong giảng dạy, trong quản lý và cả chặng đường dài hơn 20km từ nhà đến trường.
Những tâm sự, những khó khăn của cô Nhàn, cô Thuận… là những nỗi niềm chung của 4.552 giáo viên mầm non trên địa bàn toàn tỉnh, nhưng với các cô điều đó đã trở nên rất đỗi bình thường, bởi trong họ luôn hiện hữu một trái tim rực lửa nhiệt tình và niềm đam mê công việc.
Thêm những niềm vui
Chia sẻ với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Hải Lý – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT không dấu nổi sự cảm phục: “ Thực tế khó khăn là vậy, nhưng với đội ngũ giáo viên tâm huyết, yêu nghề nên những năm qua chất lượng chăm sóc nuôi dạy trẻ trên địa bàn toàn tỉnh ngày càng được khẳng định. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến lớp ngày càng tăng, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ngày càng giảm. Bộn bề với biết bao công việc của một ngày lên lớp ( với mức bình quân mỗi giáo viên nuôi dạy, chăm sóc 25 cháu), trong khi mức thu nhập thấp, thời gian dành cho gia đình không nhiều, nhưng đội ngũ giáo viên mầm non đã biết khắc phục hoàn cảnh, không ngừng cố gắng vươn lên trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ. Nhờ thế đến nay tỷ lệ giáo viên trên chuẩn đạt trên 90%, việc tìm tòi, nâng cao chất lượng, ứng dụng CNTT vào giảng dạy đã trở thành phong trào sâu rộng trong mỗi nhà trường. Chất lượng của bậc học không chỉ thể hiện qua kết quả nuôi dạy trẻ mà còn thể hiện rõ nét qua các kỳ thi giáo viên giỏi tỉnh bậc mầm non”.
Thấu hiểu với những khó khăn trong cuộc sống của giáo viên mầm non vừa qua Bộ GD&ĐT đã có thông tư 48 quy định chế độ làm việc cho giáo viên mầm non. Nhưng ngặt một nỗi quy định đó vẫn chưa thể thực hiện được vì chưa có thông tư thay thế thông tư 71 liên Bộ nội vụ và Giáo dục ( quy định giáo viên mầm non dạy 8 tiếng/ ngày). Vì thế, thời gian qua Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 60 ban hành chính sách phát triển giáo dục mầm non đến năm 2015 và quyết định số 45 quy định việc hỗ trợ một phần kinh phí đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác từ trước năm 1995 đến nay nhưng chưa có điều kiện hưởng chế độ hưu trí. Từ những chủ trương của cấp trên vừa qua, Tỉnh ủy đã có nghị quyết 05 về việc phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đến năm 2015 và những năm tiếp theo; HĐND tỉnh có Nghị quyết 20 trong đó có nội dung tiếp tục chuyển đổi một số trường mầm non bán công sang công lập sao cho mỗi xã có 1 trường MN công lập; UBND tỉnh cũng đã có quyết định 2025 về việc ban hành kế hoạch thực hiện một số chế độ chính sách phát triển cho giáo viên mầm non đến năm 2015, trong đó có nội dung trả lương cho giáo viên mầm non hợp đồng theo thang bảng lương và nâng lương theo định kỳ.
Cô Lý cho biết thêm “ Mặc dù ngân sách của tỉnh còn eo hẹp, việc tăng lương cho giáo viên hợp đồng còn gặp nhiều khó khăn, nhưng để chia sẻ một phần gánh nặng với giáo viên và quyết tâm đưa các chỉ thị, nghị quyết vào cuộc sống, tin chắc rằng đời sống của giáo viên mầm non, đặc biệt là đội ngũ giáo viên hợp đồng sẽ có sự đổi thay trong thời gian gần đây. Và hiện tại Sở GD&ĐT cũng đang chủ động phối hợp với các ngành liên quan trong việc tham mưu với UBND tỉnh để đẩy nhanh việc triển khai thực hiện chế độ lương cho giáo viên hợp đồng và chuyển đổi các trường mầm non bán công sang công lập”.
Với sự quan tâm của các cấp, ngành rồi đây cuộc sống của các cô chắc rằng sẽ bớt khó khăn hơn, nhưng đó là chuyện của thời gian tới. Còn hiện tại, hàng ngàn giáo viên mầm non vẫn đang từng ngày đánh vật với cuộc sống khó khăn. Nhưng các cô vẫn bám trường, bám lớp, vẫn hăng say miệt mài tranh thủ những khoảnh khắc nghỉ ngơi ít ỏi để không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, để làm thêm cho các cháu những món đồ chơi đơn sơ, hặc vun xới những bồn hoa cây cảnh để phục vụ cho những giờ giảng ngoài trời…tất cả cũng chỉ bởi niềm đam mê và tấm lòng của người mẹ hiền dành cho trẻ nhỏ.
Thúy Ngọc
Báo Hà Tĩnh