Giáo dục - Đào tạo

Giáo viên bạo hành trẻ – nhìn từ nhiều phía

Những hệ lụy lớn nhất của những vụ giáo viên bảo hành học sinh là toàn ngành giáo dục bị mang tiếng xấu. Nhiều phụ huynh lo lắng khi có con cái đang ở độ tuổi đến trường.

Ảnh minh họa (theo Báo Mới)

Mấy ngày nay, dư luận lại dậy sóng vì hình ảnh hai giáo viên độ tuổi 9x trường mầm non ở Hà Nội đánh trẻ (người cầm dép đập vào mặt, người dùng đầu gối thúc vào bụng quát nạt bắt phải nín). Sau khi sự việc xảy ra, hai cô giáo bị cho nghỉ dạy, hiệu trưởng bị đình chỉ, trường học tạm thời bị đóng cửa còn tất cả các bậc phụ huynh đều hoang mang.

Nhưng hệ lụy lớn nhất của những vụ giáo viên bạo hành học sinh là toàn ngành giáo dục bị mang tiếng xấu, hình ảnh về thầy cô giáo bỗng trở thành những “mẹ mìn”, những “ngáo ộp” vô cùng đáng ghét. Nhiều phụ huynh hoang mang khi có con cái đang ở độ tuổi đến trường.

Đây không phải là vụ giáo viên mầm non bạo hành trẻ đầu tiên bị đuổi việc. Trước đó, cô giáo Vân Anh lớp mầm non tư thục Tuổi Hoa Hà Nội đánh bé Đoàn Gia K (3 tuổi) gây phẫn nộ cho dư luận. Rồi giáo viên mầm non bạo hành trẻ ở Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức (TPHCM), ở Quảng Bình… Có người bị đuổi việc, người bị cơ quan chức năng truy tố và rơi vào vòng lao lý. Sau đó, biết bao bi kịch khác lại tiếp nối xảy ra với gia đình các cô giáo này như việc mất công ăn việc làm ổn định, mang tai tiếng, cuộc sống bỗng chốc bị xáo trộn, nhất là với những giáo viên phải chấp hành án phạt tù.

Có thể thấy được ngành giáo dục đã rất cương quyết và mạnh tay với những trường hợp giáo viên bạo hành học sinh, đặc biệt là những học sinh tuổi nhỏ, các cháu mầm non. Giáo viên cũng biết, cũng hiểu rất rõ việc bạo hành của mình bị phát hiện hậu quả mang lại là vô cùng bi đát. Nhưng tại sao họ vẫn vi phạm? Vì sao nạn bạo hành trẻ vẫn không có dấu hiệu chấm dứt mà ngày một nhiều, một cách tinh vi hơn? (không ít cảnh người ta bắt gặp giáo viên mầm non lôi trẻ vào góc khuất camera để phạt).

Sau một vụ bạo hành xảy ra, dư luận bất bình, bao mũi dùi đều chĩa thẳng vào giáo viên với những lời đay nghiến, những lời lẽ nặng nề không thương tiếc, được gắn lên mình những danh xưng như một kẻ tội đồ… Và, ngành giáo dục chỉ biết làm động tác xoa nhẹ, trấn an dư luận bằng cách kỉ luật những giáo viên này.

Cứ thế, vụ bạo hành này trôi qua, vụ bạo hành khác lại tiếp diễn mà không có hồi kết. Vì sao lại thế? Bởi ta chỉ mới giải quyết phần ngọn mà quên đi cái nguyên nhân sâu xa có thể hạn chế đến mức thấp nhất những vụ bạo hành tương tự xảy ra.

Có thể nhận thấy ngay điều rất rõ là mỗi lớp học mầm non tuy có 2 giáo viên phụ trách, nhưng mỗi lớp gần 40 đứa trẻ. Từ việc cho trẻ ăn đúng bữa, ăn đủ chất đủ lượng, cho trẻ ngủ đúng giờ, đủ giấc, cho trẻ chơi an toàn, cho trẻ học hành nền nếp chẳng phải là chuyện dễ.

Cứ quan sát một giáo viên mầm non làm việc trong một ngày mới thấy được họ áp lực và căng thẳng cỡ nào. Một lớp, chỉ khoảng vài em không chịu ăn, đi vệ sinh không đúng chỗ, chơi thường đánh bạn, giáo viên đã khổ sở biết nhường nào. Đưa trẻ vào khuôn khổ, vào nề nếp cũng không phải dễ. Có những trẻ được ba mẹ cưng chiều từ nhỏ, thích gì được nấy, hay có em ăn uống lại vô cùng khó khăn, gặp những cháu như thế này giáo viên sẽ khổ gấp trăm ngàn lần.

Người viết bài này đã rất nhiều lần chứng kiến biết bao anh em bạn bè từng nói: “Nghỉ vài ngày mà hết chịu nổi với đứa con, trông cho học trở lại để tống vào trường cho khỏe”. Ba mẹ chăm sóc một đứa con mỗi việc cho trẻ ăn cũng vất vả với chúng, thử hỏi một cô giáo chăm đến vài chục em như thế thì sao?

Trẻ không lên cân cô cũng mang lỗi là chăm trẻ không đàng hoàng. Trẻ cấu bạn, cô mang tội canh trẻ không cẩn thận… Có lần đến thăm một lớp học mầm non cho trẻ 5 tuổi, đang trong giờ học mà các em nhốn nháo bất thường. Một cô giáo than thở: “Trong giờ học, giáo viên nói rát hơi mà các em vẫn không thể trật tự. Giờ mà phạt một roi vào mông những em quậy phá là yên lặng ngay, nhưng mình chẳng dám làm thế vì mất nghề như chơi”.

Nhưng không phải giáo viên nào cũng ý thức rõ ràng như vậy, do áp lực công việc, do nôn nóng đưa trẻ vào nền nếp, nhiều giáo viên đã phạm lỗi trong lúc nóng giận. Người viết bài này không cổ xúy cho việc dùng bạo lực với trẻ, chỉ muốn nói rằng, ngành giáo dục nên giảm áp lực cho giáo viên mẫu giáo bằng cách giảm sĩ số các lớp học khoảng 20 em/lớp /2 giáo viên. Phụ huynh không thể cứ đem con đến trường là xong trách nhiệm, cần kết hợp với cô để đưa trẻ vào nền nếp như ăn, uống, ngủ nghỉ đúng giờ… Có như vậy mới hạn chế được việc giáo viên dùng đòn roi với trẻ.

PHAN TUYẾT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP