Đặng Duy Thạnh (bìa phải) cùng những cộng sự của mình cân đối lại từng chi tiết trong máy uốn nén kim loại trước khi đưa vào sản xuất đại trà - Ảnh: TRẦN MAI |
“Đừng bao giờ nghĩ học ĐH mới thành công, sang trọng. Học nghề cũng rất sang trọng và thành công nếu kiên tâm bền chí. Nghề gì cũng được miễn lương thiện và mình thật giỏi
Đặng Duy Thạnh
Thạnh chọn con đường học nghề cơ khí là hướng đi. Cùng với đó là sự kiên định, học hỏi, sáng tạo và có cả quyết tâm...
Quyết định “điên khùng”
Trong xưởng cơ khí rộng lớn của mình, Thạnh đang cùng nhân viên công ty bàn bạc hướng giải quyết nhanh gọn nhất để biến thanh inox thành một chuỗi khung phơi và thu đồ thông minh nhất. Những ý kiến đưa ra và tranh cãi khá quyết liệt.
Thạnh lắng nghe ý kiến của từng người. “Cãi nhau vậy mới ra việc được, chứ im im biết đến khi nào mới có sản phẩm hoàn chỉnh. Anh em công ty một số là kỹ sư, một số là thợ giỏi nghề nên choảng nhau về ý tưởng” - Thạnh chia sẻ.
Dù làm giám đốc nhưng Thạnh lại là người “ít học nhất”. Kinh nghiệm tích lũy được là từ việc học nghề và chọn cho mình ngã rẽ khi rời khỏi mái trường phổ thông.
“Lúc đó mẹ tôi buồn lắm vì ở quê (huyện Nghĩa Hành) là vùng đất hiếu học. Trong xóm ai lớn lên cũng học ĐH hay CĐ. Chỉ có tôi là khùng điên khi nghỉ học. Từ khi tôi tuyên bố không học nữa, mấy ngày trời không dám về nhà vì... sợ ba mẹ buồn”, Thạnh nhớ lại.
Thạnh bảo lúc đó thấy quá nhiều anh chị học ĐH, CĐ xong rồi thất nghiệp. Phần đông Nam tiến làm công nhân, ở quê thì bám ruộng đồng chăn nuôi trồng trọt, số ít ỏi may mắn thì có việc ổn định ở quê nhà.
“Nhìn thấy cái gương soi vậy ai mà dám theo. Tôi quyết định lấy bốn năm ĐH để học nghề. Ông bà nói ruộng nương bề bề không bằng cái nghề trong tay. Đến bây giờ tôi thấy không sai tí nào khi chọn học nghề để làm hành trang vào đời của mình” - Thạnh nhớ lại.
Vạch ra con đường đi theo nghề cơ khí chế tạo, Thạnh chọn Bình Dương là nơi để bắt đầu học. Bài học đầu tiên là ở một xưởng cơ khí. Chàng trai trẻ học từng mối hàn, từng chi tiết lắp ráp.
Khi đã thuần thục sản xuất chế tạo cơ khí, Thạnh quyết định xin làm quản lý sản xuất và tiếp cận thị trường không lương. Thuộc hai bài học lớn, Thạnh mất hai năm và quyết định đến TP.HCM.
“Có được nền tảng nghề nghiệp và cách quản lý, tôi đến Sài Gòn xin vào rất nhiều xưởng cơ khí để nâng cao kỹ thuật tay nghề. Tôi chọn học thực tiễn để về quê khởi nghiệp. Mất ba năm thay vì bốn năm như dự tính ban đầu” - Thạnh tâm sự.
Làm bằng tất cả đam mê
Vừa trò chuyện, Thạnh đứng dậy bước ra xưởng tự tay kiểm tra sản phẩm vừa thành hình. “Bỏ, làm lại” - Thạnh nói. Nhân viên trố mắt, Thạnh giải thích: “Hai bên chưa cân đối, mối hàn chưa tốt sẽ gỉ và có thể làm người dùng bị thương. Anh em chỉnh lại máy cho phù hợp rồi hãy làm”.
Thạnh vẫn giữ nguyên tiêu chí làm việc ấy như ngày đầu khởi nghiệp. Mọi thứ phải hoàn hảo và khách hàng không được phàn nàn.
“Nhờ vậy mà tôi chiếm lĩnh được thị trường móc, sào phơi đồ, dụng cụ gia dụng trong gia đình ở Quảng Ngãi và một số tỉnh lân cận từ khi khởi nghiệp. Chính những sản phẩm ấy đã giúp tôi có được ngày hôm nay” - Thạnh nói.
Thạnh chia sẻ con đường học nghề khi ra đời rất gian nan vì mình còn trẻ và có nhiều người đi trước đã làm rồi. Chính vì thế bất cứ người trẻ nào chọn học nghề, muốn thành công phải luôn giữ được uy tín và chất lượng sản phẩm của mình. Không chỉ ngành cơ khí mà bất kỳ ngành nghề nào.
“Học ĐH hay học nghề thì quan trọng nhất khi ra trường vẫn là công việc, muốn có được công việc phải thật tâm huyết và làm bằng tất cả đam mê của mình. Ngã rẽ là bạn chọn nhưng đánh giá là cuộc sống” - Thạnh đúc kết.
Phạm Hồng Điền (26 tuổi, kỹ sư công nghệ đóng tàu ĐH Nha Trang), là “phó tướng” của Thạnh, thừa nhận mình may mắn khi đã chú trọng bài học thực hành trong thời gian học ĐH.
“Rất nhiều bạn bè cùng khóa của tôi giờ vẫn thất nghiệp sau bốn năm ra trường. Không thật sự giỏi về nghiên cứu và có một hướng đi thì đừng nên học ĐH cho bằng bạn bằng bè” - Điền nói.
Anh Huỳnh Đức Linh - giám đốc Công ty TNHH TM&DV TTQ, chuyên sản xuất hồ bơi lắp ráp nơi Thạnh độc quyền làm khung hồ bơi - cho biết: “Thạnh có vai trò rất lớn trong hồ bơi. Chỉ cần đưa ý tưởng là cậu ấy chế tạo được ngay và không chê được dù chỉ một mối hàn nhỏ.
Hồ bơi chúng tôi có mặt khắp cả nước, nhưng nhiều năm rồi chưa ai phàn nàn về khung và cũng không ai liên hệ để bảo hành”.
Có được thành công từ việc chọn học nghề, Thạnh cũng chia sẻ với nhiều bạn trẻ đang đứng trước ngã rẽ học nghề và ĐH là hãy học khi thật sự đam mê và có một hướng đi rõ ràng, không nên học vì ép buộc hay thấy bạn bè học mình phải học để rồi phải khốn đốn khi trong đầu chỉ toàn lý thuyết trong khi nhu cầu thực tế là một người thợ làm ra sản phẩm.
“Học hết phổ thông là chúng ta đang đứng giữa hai ngã rẽ. Tất cả đều thênh thang, học nghề và ĐH. Thành thợ hay thành thầy là quyết định trên đam mê. Tôi nghĩ trong thời điểm hiện tại giỏi nghề sẽ có rất nhiều cơ hội việc làm.
Chỗ tôi cũng có nhiều bạn tốt nghiệp ĐH xin vào làm nhưng tôi luôn chọn người thợ giỏi. Làm mãi rồi ai cũng giỏi lý thuyết” - Thạnh bảo vậy.
Ngã rẽ đúng hướng 21 tuổi, Thạnh rời TP.HCM về quê, lúc này nhiều bạn bè của Thạnh bước vào năm cuối ĐH. Ngồi trong cơ ngơi bạc tỉ của mình với rất nhiều máy móc, chàng trai trẻ bảo rằng đã rất sáng suốt khi chọn cho mình một ngã rẽ đúng hướng mới có được ngày hôm nay. 10 triệu đồng có được sau ba năm “đi học”, vay thêm 20 triệu đồng, chàng trai trẻ thuê một mặt bằng nhỏ, mua một số máy móc cần thiết cho công việc và bắt đầu khởi nghiệp. Ba năm học nghề và 30 triệu đồng đầu tiên ấy sau ba năm đã thành tiền tỉ... |
Tác giả: TRẦN MAI
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ