Dân đào trộm mộ xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Chúng dùng “trăm phương ngàn kế” để đột nhập vào mộ cổ và trộm cắp vàng bạc châu báu đã được chôn giấu suốt hàng ngàn năm. Những ngôi mộ cổ luôn cách biệt với thế giới bên ngoài, vì vậy, dù kinh qua nhiều thế kỷ, những báu vật ấy vẫn được bảo quản khá tốt. Lũ trộm thường cho rằng, ở nơi quanh năm không thấy ánh mặt trời ấy thường rất tối tăm, giơ tay trước mặt cũng chẳng thể trông rõ năm ngón ngắn dài. Nhưng thực tế không hoàn toàn như những gì chúng nghĩ. Theo một số ghi chép còn lại tới ngày nay, bên trên vòm của một số ngôi mộ cổ xuất hiện những ngọn đèn rọi ánh sáng mờ ảo xuống lòng mộ. Chính điều ấy đã khiến đám trộm mộ nhiều phen ngỡ ngàng, kinh ngạc. Vào năm 527, Syria nằm dưới sự thống trị của đế quốc Đông La Mã. Các binh sĩ Đông La Mã đồn trú tại lãnh thổ Syria lúc đó đã phát hiện ra trong một hốc tường nọ tồn tại một ngọn đèn, bên ngoài được che bằng chiếc chụp rất tinh xảo. Chiếc chụp này dường như được thiết kế để chắn gió. Theo văn khắc được phát hiện vào thời điểm ấy, ngọn đèn đã được thắp từ năm 27, đồng nghĩa với việc, nó đã bền bỉ “sống” suốt 500 năm! Nhưng thật đáng tiếc vì đám binh sĩ đã làm hỏng ngọn đèn, khiến hậu thế không thể lý giải nguyên lý hoạt động kỳ diệu của nó.
Một nhà sử học Hy Lạp cũng đã ghi chép về ngọn đèn thần luôn thắp sáng trên cửa đền thờ thần mặt trời tại Ai Cập. Ngọn đèn này không dùng bất cứ nhiên liệu gì nhưng vẫn chiếu sáng trong vài thế kỷ. Theo miêu tả của nhà thần học người La Mã Saint Augustin, tại ngôi đền Isis của Ai Cập cũng có một ngọn đèn tương tự, thắp sáng vĩnh cửu bất chấp tác động của mưa gió. Vào năm 1400, người ta lại phát hiện bên trong mộ phần của Pallas – con trai vua Evandra thời La Mã cổ đại tồn tại một ngọn đèn cháy sáng trong hơn 2.000 năm. Gió và nước không thể dập tắt ánh sáng vĩnh cửu của nó. Có lẽ, cách duy nhất để phá hủy ngọn đèn chính là trút sạch thứ chất lỏng đặc biệt có trong nó.
Tới năm 1534, đội quân của vua Henry VIII xông vào giáo đường Anh, giải tán các đoàn thể tôn giáo và khai quật rất nhiều ngôi mộ. Khi đào bới mộ phần của cha hoàng đế La Mã Constantin tại Yorkshire, họ phát hiện ra một ngọn đèn đang cháy sáng. Cha của vị vua này mất vào năm 300, cũng có nghĩa, ngọn đèn được tìm thấy đã có “tuổi thọ” rất cao, tức 1.200 năm tuổi. Đó chỉ là một vài trong số rất nhiều những ngọn đèn ngàn năm không tắt được phát hiện. Các ghi chép cho thấy, khắp các nơi trên thế giới đều có hiện tượng kỳ bí này, điển hình là tại những quốc gia, khu vực có các nền văn minh cổ xưa như Ấn Độ, Trung Quốc, Ai Cập… Ngay cả Italy, Anh, Ireland và Pháp cũng tồn tại những ngọn đèn bí ẩn tương tự. Chúng được tìm thấy trong cổ mộ và các đền thờ trên khắp thế giới. Điều đó cho thấy, ngọn đèn ngàn năm không tắt là “sản phẩm” sáng tạo tuyệt vời của người dân ở nhiều quốc gia, khu vực, chứ không riêng gì những mảnh đất vốn được mệnh danh là huyền bí như La Mã, Ai Cập…
Vì sao những ngọn đèn bí ẩn ấy không được bảo quản và gìn giữ cho tới ngày nay? Phải chăng người xưa chưa đủ quan tâm tới những phát hiện “để đời” của mình?
Theo các ghi chép, trên thực tế, người cổ đại đã bảo quản những ngọn đèn này, nhưng lạ lùng thay, ít lâu sau khi được tìm ra, chúng nhanh chóng bị phá hủy bởi cách này hoặc cách khác.
Vào giữa thế kỷ 17, tại vùng Grenoble của Pháp, một người lính Thụy Sĩ đã tình cờ phát hiện lối vào một ngôi mộ cổ. Sau khi dùng hết sức bình sinh để vào được bên trong, chàng trai trẻ đã không tìm được những thứ vàng bạc châu báu mà anh ta thèm muốn. Nhưng điều khiến người lính Thụy Sĩ kinh ngạc là trong ngôi mộ cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài ấy tồn tại một ngọn đèn đang cháy sáng và được bảo vệ bởi một chụp đèn bằng thủy tinh. Anh ta đã đem tặng cây đèn cho tu viện. Các tu sĩ tại đây cũng ngạc nhiên chẳng kém khi đón nhận nó. Ít nhất ngọn đèn bí ẩn ấy đã cháy sáng suốt cả ngàn năm. Họ gìn giữ, bảo quản nó như gìn giữ một báu vật. Đáng tiếc thay, vài tháng sau đó, một vị tu sĩ vì không cẩn thận đã làm vỡ cây đèn. Lại có câu chuyện thú vị khác được cho là đã xảy ra tại Anh. Sau khi một ngôi mộ đầy bí ẩn được khai quật, người ta phát hiện ra rằng, trên nóc mộ có treo một ngọn đèn soi sáng cả không gian. Khi người khai quật tiến về phía trước, một phần nền bỗng dưng rung lắc theo bước chân anh ta rồi đột nhiên, bức tượng mặc áo giáp bắt đầu di chuyển. Pho tượng di chuyển tới gần chỗ ngọn đèn và dùng vũ khí trong tay đập vỡ nó.
Tại Trung Quốc cũng có những ghi chép về hiện tượng này. Sử ký chép rằng, trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng có bố trí loại đèn thắp sáng cực “dai sức”. Người Trung Quốc vốn có truyền thống đối đãi với người chết như người sống. Các bậc đế vương rất coi trọng lăng mộ của mình. Họ xem đó là nơi cư trú của linh hồn khi đã “nhắm mắt xuôi tay” và hy vọng lăng mộ sẽ được trang hoàng bởi những ngọn đèn cháy sáng bền bỉ giống như những gì đã có trong chốn hoàng cung. Một ngọn đèn như vậy thường có kết cấu hai tầng, khoang chứa bên trong đổ đầy dầu thắp, bấc đèn được ngâm trong dấm, tầng ngoài chứa nước, có tác dụng làm mát dầu. Đây là một phát minh vĩ đại, bởi lượng dầu thắp tiêu hao nhanh không phải vì bị đốt cháy nhiều, mà chủ yếu là do gặp nhiệt và bay hơi. Ngoài ra, bấc đèn được ngâm trong giấm cũng có thể duy trì mức nhiệt thấp, nước bao bên ngoài giúp dầu không tăng nhiệt.
Trong quá trình khai quật di tích Định Lăng thuộc Bắc Kinh, người ta cũng phát hiện thấy trong chính điện của lăng mộ này có một chiếc vại lớn bằng sứ men xanh đựng đầy dầu thắp và một chiếc bấc đèn. Nhưng ít lâu sau khi lăng mộ được bịt kín, ngọn đèn này đã tắt lụi, bởi lăng mộ quá kín mít làm thiếu đi lượng không khí cần thiết để duy trì ngọn lửa của đèn…
Sau nhiều năm, bí ẩn về những ngọn đèn không tắt chưa hề được giải mã. Hậu thế vẫn miệt mài tìm kiếm lời giải cho những câu hỏi hãy còn bỏ ngỏ: “Liệu những ngọn đèn kia có phải là minh chứng rõ rệt cho trình độ khoa học kỹ thuật cực cao của người xưa?” và “Tổ tiên chúng ta đã phát minh ra chúng như thế nào?”…
Một vấn đề khác cũng được giới chuyên môn hết sức quan tâm, đó là, phải chăng người cổ đại đã rất thành thạo trong kỹ thuật chế tạo ra những ngọn đèn ngàn năm không tắt? Sự thực không hẳn là vậy, bởi mộ của dân thường thời đó không có thứ này, ngoại trừ mộ thất của những nhà giả kim, cho dù họ không thuộc tầng lớp giàu sang phú quý trong xã hội. Vào năm 1610, người ta đã khai quật ngôi mộ của một nhà giả kim có tên là Los Cruz sau khi ông này qua đời được 120 năm. Trong mộ cũng có một ngọn đèn kỳ bí như vậy. Do đó, người ta ngờ rằng, chính những nhà giả kim và thợ đúc kim loại thời xưa là những người nắm rõ kỹ thuật chế tạo loại đèn ngàn năm không tắt này. Lẽ nào thứ ánh sáng huyền bí và “sống” cực bền bỉ ấy thực sự có mối tương liên với kim loại?
Một số người cho rằng, những ghi chép của các nước đủ để khẳng định sự tồn tại của những ngọn đèn ngàn năm không tắt, hoặc chí ít cũng là ngọn đèn có thời gian thắp sáng rất dài. Chỉ có điều, công nghệ để tạo nên chúng giờ đã thất truyền, khiến con người của xã hội hiện đại không thể lý giải về chúng. Một quan điểm khác lại cho rằng, tuy có nhiều ghi chép, nhưng trên thực tế, con người chưa tận mắt trông thấy ngọn đèn kỳ lạ này. Thêm nữa, năng lượng để đèn thắp sáng hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm cũng trái ngược hoàn toàn với Định luật bảo toàn năng lượng được nhân loại công nhận. Vì vậy, những ngọn đèn vĩnh cửu thực chất chỉ là sản phẩm thêu dệt, tưởng tượng của con người chứ không hề có thật. Lại thêm ý kiến rằng, có lẽ đây chỉ là kiểu đùa thông minh của người cổ đại…
Hải Dịu (theo People.com.cn)