Đến cuối giờ sáng hôm nay (12/7), nhiều điểm thu đổi ngoại tệ trên phố Hà Trung (Hà Nội) báo giá bán USD trong khoảng 23.175 - 23.180 đồng, chênh lệch giá mua - bán khoảng 40 đồng. Trước đó, đầu giờ sáng, giá đồng bạc xanh trên con phố này lên 23.200 đồng, cao hơn 10 đồng so với sáng hôm qua.
Sau gần hai tháng căng thẳng, giá đôla Mỹ trên thị trường tự do vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và đang neo ở mức đỉnh. Những đợt tăng - giảm đan xen với biên độ cao của đồng bạc xanh ít nhất đã diễn ra ba lần để từ đầu tháng 7 đến nay.
Tỷ giá USD tự do đã lên 23.200 đồng vào sáng nay (12/7). |
Trên thị trường ngân hàng, giá bán đôla Mỹ của các ngân hàng thương mại không có nhiều biến động so với hôm qua, phổ biến trong khoảng 23.075 - 23.090 đồng. Tuy nhiên, biên độ giữa giá mua - giá bán vẫn được giữ ở mức cao, trong khoảng 70 - 80 đồng.
Ngân hàng Nhà nước cũng điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm sáng nay thêm 5 đồng, lên 22.652 đồng, chỉ thấp hơn 3 đồng so với mức cao nhất 22.655 đồng ngày 28/6.
Với biên độ +/- 3%, tỷ giá USD được áp dụng trong khoảng 21.973 đồng ở chiều mua vào và 23.331 đồng ở chiều bán ra. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên từ đợt điều chỉnh ngày 3/7, ở ngưỡng 22.700 đồng chiều mua và 23.050 đồng chiều bán. Mức giá bán ra của Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước đang cao hơn khoảng 40 đồng so với giá mua của các ngân hàng thương mại, nhưng thấp hơn khoảng 25 - 40 đồng so với giá bán ra.
Theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ và Thị trường vốn, Ngân hàng HSBC Việt Nam, nguyên nhân tăng của USD thời gian qua có thể là nhu cầu ngoại tệ cho thanh toán có tính chu kỳ của doanh nghiệp vào cuối tháng, cuối quý trong tháng 6 cũng như nhu cầu chuyển lợi nhuận về nước của các doanh nghiệp FDI.
Ngoài ra, một lý do khác là đồng đôla Mỹ đã và đang tăng mạnh so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác kể từ đầu năm; cũng như căng thẳng thương mại Trung Quốc - Mỹ cũng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
Theo ông, biến động tỷ giá này phần lớn liên quan đến các yếu tố vĩ mô toàn cầu, trong khi các yếu tố nội tại của kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm vẫn có chiều hướng tích cực. Nếu so với biến động của đồng Bath của Thái Lan (-3%), Rupiah của Indonesia (-7%), Peso của Philippines (-7,3%), Rupee của Ấn Độ (-8%), Won của Hàn Quốc (-5,6%) và đặc biệt là Trung Quốc (-3,2%) thì biên độ giảm giá của tiền đồng vẫn nằm trong kịch bản có thể dự đoán được (từ đầu năm đến nay VND mất giá 1,4%).
Trong báo cáo gửi nhà đầu tư, nhiều công ty chứng khoán cũng cho rằng khả năng tỷ giá tiếp tục tăng cao là khó xảy ra. "Theo quan điểm của chúng tôi, nền kinh tế Việt Nam đủ mạnh để giữ biên độ phá giá tối đa của VND khoảng 2% trong ngắn hạn mặc dù tiền đồng đang bị định giá cao ít nhất khoảng 4 - 6%", chuyên viên phân tích của VDSC nhận định.
Tác giả: Minh Sơn
Nguồn tin: Báo VnExpress