Xã hội

Gia đình 8 bệnh nhân tử vong ở Hòa Bình muốn nhanh giải quyết bồi thường

Nhiều người nhà bệnh nhân cho rằng Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình "cố tình né tránh trách nhiệm" bồi thường.

Ngày 7/5, TAND thành phố Hoà Bình mở phiên sơ thẩm xét xử ba bị cáo liên quan sự cố chạy thận khiến 8 bệnh nhân tử vong. Tuy nhiên sau hai tiếng thực hiện phần thủ tục, HĐXX đã hoãn phiên tòa do chín luật sư của ba bị cáo vắng mặt.

Là một trong những người đến tòa sớm nhất, bà Nguyễn Thị Thu (64 tuổi, mẹ của nạn nhân trẻ tuổi nhất) bảo chỉ mong được chứng kiến phiên xử “minh bạch, công bằng”. Khi HĐXX thông báo mở lại phiên xét xử vào tuần sau, bà Thu ôm chặt di ảnh con gái, ngồi sụp trong góc phòng xử án, khóc nấc.

Bà bảo gia đình đã “quá mệt mỏi” khi một năm trôi qua mà chưa xử lý dứt điểm được việc giải quyết bồi thường. Bà mới nhận được 10 triệu đồng từ phía Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình. Bốn lần đối thoại với lãnh đạo bệnh viện sau đó đều bất thành.

Bà Thu bức xúc khi việc bồi thường chưa hoàn tất, trách nhiệm của các bên liên quan chưa rõ ràng mà đại diện Bệnh viện Hoà Bình lại vắng mặt tại phiên tòa. Bà cho rằng như vậy là “cố tình né tránh trách nhiệm”.

Với bà Thu, khu chạy thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình như ngôi nhà thứ hai khi con gái bà phải lọc máu gần chục năm ở đây. Bởi vậy, bà tự nhận “hiểu khá rõ về bác sĩ và quy trình lọc máu ở đây”, đặc biệt là bác sĩ Hoàng Công Lương.

“Tôi cho rằng trách nhiệm thuộc về những người quản lý và sửa chữa hệ thống lọc nước làm tồn dư lượng hoá chất lớn chứ không phải bác sĩ Lương”, bà nói.

Bà Nguyễn Thị Thu cầm di ảnh con đến dự phiên toà. Ảnh: Phạm Dự.

Đứng ở góc sân toà, chị Bùi Thị Tiện (47 tuổi) đi hơn 70km đến phiên xử với mong muốn được một lần “đối chất sòng phẳng với lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình” để đòi lại công bằng cho chồng. Song chị thất vọng phải "về không".

Nhớ về ca tai biến chạy thận xảy ra hơn 300 ngày trước, chị Tiện nói “đó là ngày kinh khủng nhất đời”. Tuy nhiên, chị và nhiều người thân các nạn nhân khác đều trách móc bác sĩ. "Tôi luôn muốn cảm ơn các bác sĩ đã hết lòng vì bệnh nhân", chị nói.

Ba bị cáo bị đưa ra xét xử. Ảnh: Phạm Dự.

Cũng như nhiều người thân các nạn nhân khác, chị Nguyễn Thị Ánh tuyết mặc áo đen, đeo thẻ tang trước ngực đến phiên toà. Chị mong muốn phiên xử nhanh kết thúc để phần nào khép lại nỗi đau dai dẳng.

Về khoản tiền bồi thường, chị Tuyết cũng cho rằng phía bệnh viện đang “cố tình lẩn tránh”.

Ông Lê Xuân Hoàng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, sáng nay đại diện của bệnh viện không tới phiên tòa do luật sư đã có đơn gửi tòa đề nghị hoãn xét xử.

Do chưa đạt được thoả thuận cuối cùng về việc bồi thường giữa phía bệnh viện và gia đình bệnh nhân sau ca tai biến, bệnh viện sẽ chờ phán quyết của toà. Trong vụ án này, bệnh viện tham gia với tư cách bị đơn dân sự.

Bác sĩ Hoàng Công Lương vẫn làm việc bình thường trước ngày phiên toà diễn ra. Ảnh: Phạm Dự.

Theo cáo trạng, sáng 29/5/2017, khi 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại đây thì đột ngột có dấu hiệu bất thường. 8 người lần lượt tử vong.

Bị cáo Hoàng Công Lương (32 tuổi, bác sĩ khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình) và Trần Văn Sơn (28 tuổi, cán bộ phòng vật tư) bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi, nguyên giám đốc công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) bị truy tố về tội Vô ý làm chết người.

Về dân sự, 8 gia đình nạn nhân tử vong yêu cầu bồi thường hơn một tỷ đồng tiền mai táng. Ngoài ra, các gia đình này còn đề nghị bồi thường về dân sự, trợ cấp nuôi con, trả nợ ngân hàng chính sách… theo quy định của pháp luật.

Phiên toà mở lại vào sáng 15/5.

Tác giả: Phạm Dự

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP