Từ những ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhất ở vùng quê Ngã ba Đồng Lộc – Hà Tĩnh tới nay đã 45 năm tròn.
Nay ai đến viếng các chị ở Ngã ba Đồng Lộc, nghe lại khúc ca nổi tiếng này, làm sao quên được, những lời bình dị, mà tha thiết, thương yêu: “Em vừa 18 tròn, đẹp như xuân sang/ Em, người chiến thắng sức mạnh bạo tàn/ Đạp lên cái chết dáng em hiên ngang/ Hỡi người con Xô viết/ Bom thù xới nát đất này từng ngày/ Mà em đứng đó tóc xanh tung bay/ Em là chồi biếc của mùa xuân Việt Nam”… Đó là những lời hát đầy tâm tình mà nhạc sĩ Doãn Nho dành tặng anh hùng La Thị Tám, chứng nhân của Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại, sau ngày chiến thắng trở về.
Chị sinh vào tháng 10/1949 tại xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc – Hà Tĩnh. Năm 1967, khi mới 18 tuổi, chị La Thị Tám vào bộ đội (thuộc đơn vị chủ lực Đại đội 2 – Giao thông vận tải) đóng tại Đồng Lộc. Theo miêu tả của nhiều người, chị là một người con gái bé nhỏ như… hạt mít, nhưng lại đảm nhiệm một công việc nguy hiểm, ngày đêm đối diện với cái chết. Sinh ra và lớn lên trong tiếng bom rơi đạn nổ cùng với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, nên con người ở đây, như lớp thanh niên của chị La Thị Tám đã luôn tỏ rõ ý chí và nghị lực sắt đá của vùng đất kiên cường.
Những năm chiến tranh ác liệt, trong đội hình của tiểu đội 10 – Đại đội 2 – Giao thông vận tải, chị luôn đứng trên một quả đồi cao, phía trái của ngã ba Đồng Lộc vào những lúc máy bay Mỹ ném bom để đếm số lượng bom kẻ thù trút xuống. Chị phải nhìn thật tinh và hết sức tập trung xem có bao nhiêu quả đã rơi, bao nhiêu quả đã nổ, những quả chưa nổ thì rơi ở khu vực nào, để khi máy bay đi khỏi thì chạy đến cắm tiêu, chờ bộ đội công binh đến rà phá. Suốt 200 ngày đêm ròng rã, các chị đã đếm được, cắm tiêu được một số lượng bom hết sức khủng khiếp: 1.205 quả bom tấn, bom tạ… . Hiện lên giữa bom đạn Mỹ mù trời là một người con gái nhỏ nhắn, dũng cảm, kiên trung, giữa cái sống và cái chết thật mong manh mà miệng vẫn luôn nở nụ cười. Đoàn xe nào đi qua khu vực này cũng được nghe kể về người con gái kiên trung ấy… chị La Thị Tám.
Nữ Anh hùng La Thị Tám nhớ lại những thời khắc ấy, giọng nhỏ nhẹ xứ Hà Tĩnh, chị kể: “Vào thời điểm ấy, ngã ba Đồng Lộc trở thành một túi bom luôn hứng chịu các loại bom nặng nhất của Mỹ. Và tuyến đường 15A là yết hầu của những yết hầu, các tuyến đường từ Bắc vào Nam. Địch trút xuống mảnh đất này đủ loại bom với tần suất cả ngày lẫn đêm, khiến mảnh đất Đồng Lộc trong nhiều năm liền không một phút giây được ngơi nghỉ tiếng bom đạn”.
Cả Tiểu đội nữ A.6 của Ngã ba lúc đó có 12 chị em. Tuổi lớn nhất cũng chỉ trên 22-24 như chị Võ Thị Tần, Nguyễn Thị Nhỏ, Hồ Thị Cúc chỉ 24 tuổi; còn phần lớn chị em chỉ 18 – 19 tuổi như Xuân, Xanh, Rạng, và út nhóm là cô Hà mới 17 tuổi, nhỏ nhất của tiểu đội… và tất cả chưa ai lập gia đình riêng. Cả tiểu đội nữ thanh niên xung phong đó đi vào cuộc kháng chiến chống Mỹ với lứa tuổi trẻ trung nhất, trung kiên nhất của cuộc đời người thanh niên xung phong, người phụ nữ Việt Nam.
Là lực lượng thanh niên xung phong – đơn vị chủ lực trong san lấp đường, phục vụ xe và bộ đội hành quân vào Nam, cả tiểu đội chị La Thị Tám luôn với khí thế “3 sẵn sàng”, bảo đảm xe ra vào hàng ngày cho tiền tuyến. Với ý chí “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, cả tiểu đội A.6 đã quyết tâm bám đường, bám cầu để bảo đảm cho xe thông tuyến bất kỳ ngày hay đêm. Trong những ngày tháng chiến đấu đó, nhiệm vụ mà La Thị Tám đảm nhiệm hết sức nguy hiểm, ngày đêm đối diện với cái chết, song không ai được bỏ quên nhiệm vụ, dù cái chết là rình rập hàng ngày với bom Mỹ.
Sau chiến tranh chị về quê hương, lập gia đình rồi chuyển về làm việc ở Đảng uỷ cơ quan dân chính Đảng của Tỉnh ủy. Chị vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tháng 12 năm 1969, khi mới 20 tuổi.
Nữ anh hùng La Thị Tám ngày nay
Sau khi chiến tranh kết thúc, như nhiều cô gái từng phục vụ chiến trường trở về, chị chuyển ngành, lập gia đình, sống một cuộc sống giản dị, đời thường. Nay chị vẫn giản dị như một cô thanh niên xung phong thuộc đơn vị anh hùng đã có những chiến công huyền thoại của tiểu đội thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc. Hiện chị đang nghỉ hưu tại Thành phố Hà Tĩnh, sau khi giã từ công việc là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra của Đảng ủy cơ quan Dân Chính Đảng Tỉnh ủy Hà Tĩnh.
Hỏi chị về những người con của mình, nữ Anh hùng La Thị Tám cho biết, cả hai con của chị đều ngoan hiền, thành đạt chính là phần thưởng cao quý nhất mà qua chiến tranh, người phụ nữ Việt nào cũng mơ ước, và gia đình chị cũng là một gia đình gương mẫu văn hoá tại nơi cư trú. Sau khi nhận danh hiệu Anh hùng mà Đảng, Nhà nước tặng thưởng, chị vẫn thực sự là người can đảm mọi mặt của gia đình khi luôn đảm trách tốt vai trò, trách nhiệm của một người mẹ hiền, người vợ đảm đang và người con dâu thảo tại quê hương. Cũng đáng mừng cho chị, anh là một chiến sĩ, một đảng viên cũng từ chiến trường bị thương nhiều lần, nên xuất ngũ trở về. Và anh luôn tạo cho gia đình có một mái ấm thật bình dị và hạnh phúc.
Bây giờ mỗi năm đến ngày 24/7, cô thanh niên xung phong La Thị Tám năm xưa không thể nào quên được những cô gái trẻ, có những người chưa đủ 18 tuổi của tiểu đội nữ thanh niên xung phong ra đi và đi mãi mãi. 45 năm đã trôi qua, mà mỗi khi nhắc tới Tiểu đội A6, khi nào chị cũng rơm rớm nước mắt. Kể tới việc đi tìm thi thể chị Cúc trong đêm 24/7, thì chị Tám nghẹn ngào: “Đau lắm em à, cả những anh em giao liên, cùng bộ đội đi qua, biết chuyện đã dừng lại cùng bọn chị cố tìm gần suốt đêm, gần sáng, lại tìm ngay chỗ trái bom vùi lấp các chị, mãi mới tìm được Cúc, thân thể không còn nguyên. Lúc ấy, Cúc chỉ mới 24 tuổi đời”.
45 năm trước bao trận bom, đạn cày xé ghê rợn người ở cả khu vực Ngã ba Đồng Lộc, có bao giờ các chị mềm yếu, mủi lòng trước cái chết đâu. Vậy mà giờ, mỗi khi ai nhắc đến Tần, Cúc, Hường, Xanh, Nụ…chị không bao giờ cầm lòng được, bởi những người chị, người em đó đã cùng đồng cam cộng khổ, sống cùng sống chết cùng chết với chị. Họ đã nằm lại nơi Ngã ba khói lửa ấy 45 năm rồi.
Hình bóng chị La Thị Tám nhỏ gọn, gương mặt thật dung dị, hiền lành, song người phụ nữ Việt Nam ấy đã song hành với cả một thế hệ chiến đấu vì miền Nam.
Phạm Bá Nhiễu
Gia Đình