“Một nguy cơ đi ngược lại chính sách của Đảng và Nhà nước”, đó là cảnh báo của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trước thực trạng người nông dân huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh phải đóng hơn chục thứ phí vô lý.
Bất ngờ với các nhà văn
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều |
Chùm bài “Gánh nặng quê nghèo” báo NNVN phản ánh, không chỉ cá nhân tôi mà rất nhiều nhà văn đã biết trong thời gian diễn ra Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 9. Chúng tôi rất bất ngờ.
Trong khi Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ đã có rất nhiều chính sách thể hiện tính ưu việt để trợ giúp cho người nông dân, đồng thời giảm đóng góp thuế, phí cho họ thì huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh như ốc đảo, nơi đây cán bộ cấp xã có thể làm bất cứ điều gì để hành hạ người nông dân. Ở đấy không còn tình thương yêu, không có một cái nhìn nhân văn.
Có thể ở đó đã vi phạm chính sách của Đảng và Nhà nước đối với nông nghiệp và người nông dân. Các nhà văn nói chung cũng như cá nhân tôi vô cùng bức xúc về điều đó.
Những sự thật đáng buồn
Lâu nay tôi không viết văn xuôi, dù tôi sống ở đô thị thì lợi ích về mặt tinh thần luôn gắn kết với nông thôn. Vì vậy, năm nào tôi cũng có bài báo viết về nông thôn. Bài đăng, một số những người làm công tác quản lý báo chí, hay một số bạn đọc cho rằng những bài viết vạch ra cái xấu ở nông thôn đó là một sự bôi nhọ xã hội. Họ tìm cách gây ảnh hưởng đến cá nhân mình nhưng tôi không thể dừng lại, không thể im lặng mà phải lên tiếng.
Tôi cho rằng họ đã không nhìn nhận một cách trung thực nhất những sự thật đang diễn ra ở nông thôn Việt Nam, mà tôi – một nhà báo – một nhà văn – một nhân chứng được mắt thấy tai nghe.
Chúng ta rất cần những nhà báo, nhà văn dám dấn thân nói lên sự thật. Bởi vì Đảng và Chính phủ hay Bộ NN-PTNT không thể bao quát tất cả những hiện tượng đó. Nhà văn, nhà báo sẽ là những kênh thông tin quan trọng và trung thực để các cấp lãnh đạo nhìn thấy, để những chính sách của Đảng và Nhà nước có thể được cải thiện, được thay đổi, được sửa chữa hay tạo những chính sách mới làm sao trợ giúp được, làm sao đảm bảo được đời sống của người dân ở nông thôn.
Tất cả những việc các nhà báo làm là vì sự phát triển cộng đồng. Họ làm như một người tư vấn không trực tiếp cho Đảng và Chính phủ để tạo ra những chính sách quan trọng hơn nữa, đồng thời tạo ra sự quản lý chặt chẽ và đúng đắn hơn nữa đối với sự phát triển của nông thôn, hay vì lợi ích, vì phúc lợi, vì những vấn đề liên quan đến việc mưu sinh, đến đời sống chính trị, văn hóa, xã hội của nông thôn.
Khi chính sách của Đảng và Nhà nước áp dụng về nông thôn không được tốt, nó không chỉ phá vỡ về mặt kinh tế, nó sẽ phá vỡ những cấu trúc khác về văn hóa của làng xóm, nó phá vỡ cả vấn đề đạo đức và nó phá vỡ cả những cái tạo nên văn hóa mà nông thôn chúng ta chiếm một vùng rất lớn. Đó là thách thức.
Có một hiện tượng rõ ràng là những phản ứng của chính quyền các địa phương khi chúng ta nêu lên sự thật thì các nhà báo, nhà văn, sẽ gặp khó khăn đối với cá nhân. Dù vậy, họ vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình.
Có như vậy thì họ mới làm đúng sứ mệnh của người cầm bút được toàn xã hội tin tưởng, là những người thư ký của thời đại để ghi chép lại những sự thật nhất.
Người nông dân ở nông thôn thật khó có khả năng để nói với Đảng và Chính phủ, với những người đại diện cho tiếng nói của họ là các ĐBQH. Họ cần các nhà báo, nhà văn lên tiếng giúp họ về sự thật đó. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào sự thật, dám nói lên sự thật của đời sống nông thôn.
Nguy cơ đi ngược chính sách của Đảng và Nhà nước
Tôi nghĩ rằng, báo NNVN sau chùm bài “Gánh nặng quê nghèo” có thể soạn thảo văn bản chính thức gửi đến lãnh đạo Đảng và Chính phủ. Không chỉ ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh mà điều này đang diễn ra ở nhiều làng quê khác, cũng có những hiện tượng và có những hành xử như vậy đối với người nông dân.
Chúng ta phải có tiếng nói mạnh mẽ, cụ thể nhất đối với những điều đã xảy ra ở nông thôn, mà cụ thể là một địa phương như Hà Tĩnh.
Nếu báo NNVN rà soát trong cả nước, chúng ta còn gặp những trường hợp tương tự ở khắp nước ta. Bởi vì, tôi cũng như nhiều người khác đã có những khảo sát, đã có những kênh thông tin, đã có những đồng nghiệp ở rất nhiều vùng và họ chia sẻ rằng nơi đó đang diễn ra và có nguy cơ đẩy đến những điểm như vậy. Vì vậy, phải có một bản kiến nghị cụ thế đứng danh nghĩa của một cơ quan, đứng danh nghĩa của một tập thể những người quan tâm đến đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa và tinh thần của người nông dân gửi tới cấp lãnh đạo cao nhất.
Bên cạnh đó, báo NNVN tiếp tục tiến hành những bài điều tra khác thật kỹ, thật trung thực những thông tin sự thật mang đầy tính thiện chí và xây dựng. Tôi nghĩ rằng đến lúc chúng ta phải cảnh báo bằng nhiều cách, bằng nhiều hình thức để cho Đảng, Quốc hội và Nhà nước thấy rằng đây là một việc cấp bách, một nguy cơ có thể ảnh hưởng rất lớn và đôi khi đi ngược lại chính sách của Đảng và Nhà nước đối với phát triển nông thôn, đời sống và lợi ích của người nông dân.
————–
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy – TKTS Tạp chí Văn nghệ Quân đội:
Nông dân hôm nay dường như đang bị ném ra bên lề đời sống
Nông nghiệp – nông thôn và nông dân vẫn là mối quan tâm lớn của Nhà nước nhưng theo tôi đúng là nông thôn đang bị vỡ ra từ bên trong, các vùng quê đều thế chứ chẳng riêng gì làng quê ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh mà Báo NNVN mới đề cập.
Nông dân, thành phần chính trong xã hội, cảm tưởng như hôm nay đang bị ném ra bên lề đời sống, họ tự bươn chải chật vật trên chính mảnh ruộng của mình một cách tuyệt vọng. Đó là những mảnh ruộng không bị dòm ngó, không vào quy hoạch, còn những mảnh ruộng trót rơi vào quy hoạch khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch thì số phận người nông dân có khi còn rơi vào những bi kịch khủng khiếp hơn.
Người nông dân hôm nay không còn yêu ruộng như trước nữa, nếu phải gắn bó với mảnh ruộng, vạt rừng thì họ coi đó như một sự hẩm hiu của số phận. Làm nông nghiệp nhưng luôn có tâm lí ly nông (thoát ly nông nghiệp – PV). Đời mình không thoát ly được thì khát vọng đời con đời cháu không phải làm nông nữa. Đời mình “cắm mặt xuống đất” để mong đời con ngẩng mặt với đời.
Những bất cập về chính sách đã đành, nhưng theo tôi điều quan trọng hơn là phải làm cho nông dân thấy được giá trị của họ. Không có lí gì người làm ra hạt gạo, làm ra các sản phẩm nuôi sống xã hội lại luôn cảm thấy thấp cổ bé họng. Còn cách làm, cách triển khai của một số địa phương chưa đúng thì rất cần sự vào cuộc như Báo NNVN đang làm để có sự can thiệp đúng lúc, điều chỉnh hợp lí, tức thời và trực diện.
—————
Nhà văn Như Bình – Trưởng ban Thư ký tòa soạn báo Văn nghệ Công an:
Đừng làm khổ dân, đừng đánh mất niềm tin ở dân
Tôi nghĩ rằng, mọi vấn đề cốt lõi để cho xã hội này được thanh bình, ấm no hạnh phúc cuối cùng vẫn là vấn đề con người. Chọn con người đủ tâm, đủ tầm, đủ đức đủ tài vào những vị trí quan trọng trong bộ máy hành chính của nhà nước là vô cùng quan trọng, cho dù bộ máy đó ở một cấp thấp như làng, thôn, xã cho đến các cấp huyện, tỉnh, thành phố.
Người lãnh đạo tốt thì nhân dân được no ấm hạnh phúc. Ngược lại người lãnh đạo xấu thì đó là tai họa cho nhân dân, cho đất nước. Vấn đề nhân sự, con người ở thời đại nào cũng nóng bỏng, cũng quan trọng. Xã hội nào cũng luôn cần những người có đủ đức đủ tài. Lợi ích nhóm là thực trạng vô cùng hiểm nguy trong xã hội.
Lắng nghe dân, vì nhân dân là những tố chất đầu tiên và luôn cần có trong những người lãnh đạo ở nông thôn. Bác Hồ đã nói: “Khó trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Sức mạnh của lòng dân chính là nền tảng vững chắc của xã hội. Đừng làm khổ dân, đừng đánh mất niềm tin ở dân. Giữ được sức mạnh đoàn kết trong nhân dân chúng ta sẽ vượt qua mọi gian khó thử thách.