Nhân 28 năm ngày Trung Quốc xâm chiếm Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào 14/3/1988, chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nhìn lại sự kiện này. Ông kể:
– Thời điểm đó tôi là tham mưu phó phụ trách tác chiến của hải quân, nắm được rõ mọi diễn biến ở Trường Sa. Ngày 14/3/1988, đơn vị công binh hải quân Việt Nam trên Đá Gạc Ma có 48 chiến sĩ, tới đây để xây một trạm quan sát. Sáng hôm đó, lính Trung Quốc đổ bộ lên Đá Gạc Ma. Khi thấy quốc kỳ Việt Nam cắm tại đây, chúng xông tới nhổ cờ ném xuống đất. Hai chiến sĩ bảo vệ quốc kỳ đã kháng cự quyết liệt. Theo tôi được báo cáo, họ đã bị tấn công bằng dao.
Số lính Trung Quốc lên Đá Gạc Ma sau đó nổ súng, tàn sát man rợ các chiến sĩ Việt Nam. Ngoài biển có một số tàu chiến Trung Quốc neo đậu ở khoảng cách 5-6 km. Gần đó cũng có hai tàu vận tải Việt Nam, số hiệu HQ 604 và HQ 605, chỉ khoảng 400 tấn. Trên tàu không có vũ khí gì đáng kể, chỉ có một số khẩu súng 12,7mm. Tàu hải quân Trung Quốc đã dùng pháo bắn chìm hai tàu của chúng ta. 64 đồng chí đã hi sinh.
Báo chí Trung Quốc làm ầm ĩ lên rằng đó là một chiến thắng hoành tráng của hải quân nước này trước hải quân Việt Nam, nhưng tôi nghĩ đó chỉ là một cuộc thảm sát hèn hạ. Tất cả chúng tôi lúc đó đều vô cùng căm phẫn. Có ý kiến đề nghị là điều tàu chiến của chúng ta ở Bãi Tiên Nữ và Bãi Thuyền Chài tới Gạc Ma.
Khi đó tư lệnh Giáp Văn Cương ra lệnh triển khai hai tàu chiến, nhưng hai tàu chiến của chúng ta chỉ có pháo và ngư lôi, không có tên lửa như tàu Trung Quốc, do đó 30 phút sau đồng chí Giáp Văn Cương đã suy nghĩ lại và hủy lệnh. Nhờ đó một cuộc đổ máu lớn đã không xảy ra. Tôi cho rằng quyết định của tư lệnh hồi đó là chính xác.
Các bãi, đá do Trung Quốc chiếm giữ như bãi Chữ Thập, đá Gạc Ma, đá Vành Khăn có vị trí cài răng lược. Ảnh: CSIS. |
Vị trí cài răng lược
– Tại sao Trung Quốc chọn tấn công Gạc Ma, ông đánh giá vị trí chiến lược của Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa thế nào?
– Gạc Ma là một bãi đá nằm cài răng lược, hay còn gọi là cài da báo, ở cụm đảo Nam Yết – Sinh Tồn, cách các đá khác do hải quân chúng ta bảo vệ không xa. Trung Quốc có chủ trương xâm lược từ lâu, do đó thời gian qua họ đã tung lực lượng chiếm đóng bất hợp pháp các đá từ Chữ Thập đến Gạc Ma, cách nhau 135 km. Từ Đá Gạc Ma cho đến Đá Vành Khăn ở phía đông cách nhau khoảng 170 km. Chúng nằm trên một vĩ tuyến, từ Chữ Thập cho đến Vành Khăn.
Ý đồ của Trung Quốc là tạo ra một tuyến dài hơn 300 km cắt ngang biển Đông, cài răng lược với các đá, đảo hải quân Việt Nam đang bảo vệ. Ngay sau khi chiếm được các đá ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc lập tức đóng quân, xây dựng nhà cửa. Ví dụ ở Đá Chữ Thập, trong ba năm họ đã xây được nhà hai, ba tầng. Họ âm thầm xây dựng tại đây.
Khi Trung Quốc phát triển kinh tế vũ bão, họ chuyển sức mạnh kinh tế thành sức mạnh quân sự, đầu tiên là tới hải quân và không quân. Với hải quân, họ tập trung phát triển Hạm đội Nam Hải để tác chiến ở biển Đông với tham vọng độc chiếm biển Đông. Càng ngày Trung Quốc sẽ càng quyết liệt theo đuổi mục tiêu nguy hiểm này.
Đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Đá Gạc Ma. Ảnh: CSIS |
– Sau vụ Gạc Ma, theo ông, Trung Quốc có thể làm gì để thực hiện mưu đồ bá chủ trên biển Đông?
– Trung Quốc từng tuyên bố sẽ chiếm đóng tất cả các bãi đá và bãi san hô ngầm còn lại chưa có người ở tại quần đảo Trường Sa. Chúng ta biết Trường Sa có diện tích 160.000 km2, gấp 10 lần Hoàng Sa, có khoảng 100 đảo đất, bãi đá và bãi san hô ngầm. Từ trước năm 1988, chúng ta đã đóng tại 21 đảo và bãi đá ở Trường Sa, Philippines có 10, Malaysia có 5. Như vậy, ở Trường Sa còn lại khá nhiều bãi đá ngầm chưa có người đóng. Trung Quốc rất muốn chiếm đoạt những thực thể này.
Đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đã triển khai tên lửa Ảnh: CSIS |
Trung Quốc quyết chiếm biển Đông
– Trung Quốc đang triển khai quân sự ồ ạt ở biển Đông, như tên lửa ở Hoàng Sa, tàu ngầm ở đảo Hải Nam và xây các cơ sở quân sự như đường băng dài 3.000m ở Trường Sa. Giới quan sát lo ngại Trung Quốc sẽ lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Đông. Việt Nam và cộng đồng quốc tế cần phải làm gì trước hiểm họa này?
– Như chúng ta đã biết, Trung Quốc âm mưu chiếm trọn biển Đông từ cách đây rất lâu, từ thời nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949. Trung Quốc đưa bản đồ “đường lưỡi bò” do một nhà hàng hải của chính quyền Quốc Dân đảng (chế độ Tưởng Giới Thạch) vẽ ra thành đòi hỏi chủ quyền chính thức. Trung Quốc ngụy biện rằng việc thế giới gọi biển Đông là Biển Nam Trung Hoa (South China Sea) cho thấy đây là biển của Trung Quốc.
Đây là sự xuyên tạc vô lý, bởi cụm từ Biển Nam Trung Hoa chỉ là một cái tên giống như Ấn Độ Dương hay Biển Nhật Bản. Nhưng Trung Quốc cố tình ngụy biện và quyết biến Biển Đông thành ao nhà của họ. Đó là chủ trương nhất quán từ nhiều thập niên qua của Trung Quốc.
Một vấn đề nữa, lịch sử Trung Quốc là cường quốc lục địa, rất yếu về hàng hải. Hải quân Trung Quốc từ xưa gần như không tồn tại. Một dẫn chứng là đời nhà Thanh, triều đình định đầu tư nguồn tài chính lớn để lập hạm đội hải quân, nhưng Từ Hy Thái Hậu đã vung toàn bộ số tiền này để xây Di Hòa Viên ở Bắc Kinh. Trung Quốc hoàn toàn không có truyền thống hải quân.
Hiện nay, khi Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế, họ mơ trở thành cả cường quốc lục địa và đại dương. Do đó họ quyết xây dựng lực lượng hải quân và không quân, đã phát triển hải quân thì phải có đất dụng võ. Biển Hoa Đông đã bị Nhật và Mỹ kiềm chế. Biển Đông là của Đông Nam Á. Trung Quốc đánh giá rằng họ có thể dễ chia rẽ và làm suy yếu các nước Đông Nam Á, nên có thể dễ chiếm Biển Đông hơn.
Nếu chiếm được Biển Đông, Trung Quốc sẽ có điều kiện cô lập Đài Loan. Các cường quốc như Nhật, Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nga… đều biết rõ tham vọng của Trung Quốc. Tùy theo từng mức độ quan tâm, mỗi nước có phản ứng khác nhau. Ví dụ như Nga đang thắt chặt quan hệ với Trung Quốc nên không lên tiếng về Biển Đông.
Nhưng tham vọng của Trung Quốc đang uy hiếp quyền lợi sát sườn trên Biển Đông của các quốc gia, bởi đây là vùng hàng hải quốc tế cực kỳ trọng yếu. Mỹ và Nhật là hai quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng. Do đó Mỹ và Nhật phải có trách nhiệm và cần phải kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc. Việc Mỹ, Nhật, Úc hay Ấn Độ có thể can thiệp ở biển Đông chính là để bảo vệ lợi ích quốc gia của họ.
Nhưng theo kinh nghiệm đấu tranh giữa các nước lớn, có lúc họ đấu tranh quyết liệt, có lúc họ sẵn sàng đi đêm thỏa hiệp với nhau. Khi đó chỉ có các nước vừa và nhỏ như Việt Nam chịu tổn thất. Do đó, đối với Việt Nam, vấn đề chính là phải tự chủ, phát huy nội lực để đảm bảo độc lập, chủ quyền, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ trên bộ và trên biển.
Chúng ta cũng cần kết hợp với ngoại lực, đó là sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Đây là điểm Việt Nam đang làm tốt. Bất kỳ thế lực nào đụng đến Việt Nam cũng sẽ bị cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ. Việt Nam sẽ nhận được sự ủng hộ lớn. Chúng ta cần nhanh chóng đưa kinh tế phát triển, hội nhập với thế giới. Khi chúng ta mạnh lên về kinh tế, quân sự, ngoại giao, nội bộ đất nước đoàn kết thì không một thế lực nào có thể đánh phá chúng ta.
Đưa vào chính sử là nguyện vọng của nhân dân
– Nhiều năm qua, sự kiện Gạc Ma hay chiến tranh biên giới 1979 bị sách lịch sử bỏ quên. Vấn đề đó có ảnh hưởng đến công cuộc bảo vệ chủ quyền của đất nước?
– Không nhắc đến Gạc Ma hay chiến tranh biên giới 1979 là một sai lầm. Cuộc chiến tranh biên giới không kết thúc vào tháng 3/1979 mà còn kéo dài mãi tới tận năm 1988 dọc biên giới Việt – Trung. Tôi đi giao ban trên Bộ tổng tham mưu, ngày nào cũng có báo cáo Trung Quốc bắn sang phía Việt Nam đạn pháo và súng cối.
Cuộc chiến đó kéo dài dai dẳng gần 10 năm. Trung Quốc còn xua quân tập kích chúng ta ở Vị Xuyên, Bản Giốc, Móng Cái… Năm 1988, sau khi Trung Quốc chiếm bảy bãi đá ngầm của chúng ta ở quần đảo Trường Sa, chiến tranh mới kết thúc. Năm 1991 Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.
Trận chiến năm 1979 của quân dân Việt Nam chống quân Trung Quốc xâm lược ở sáu tỉnh biên giới phía bắc và cuộc bảo vệ quần đảo Trường Sa của hải quân Việt Nam năm 1988 là sự thật lịch sử, phải được đưa vào chính sử. Lãng quên những sự kiện này sẽ khiến nhân dân Việt Nam mất sự tin tưởng.
Tại sao những cuộc chiến khác chúng ta tuyên truyền và kỷ niệm, nhưng những cuộc chiến đó lại không? Tôi đã phản ánh vấn đề này lên Mặt trận Tổ quốc. Đó là nguyện vọng của nhân dân, là nguyện vọng của gia đình hàng vạn cán bộ, chiến sĩ và người dân đã hy sinh vì tổ quốc.