Tất cả những người đã từng gặp Nguyễn Hữu Khai (Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Y dược Bảo Long) đều phải thừa nhận đó là một cuộc đời của một con người kì lạ. Từ một anh sinh viên của trường đại học Kiến trúc, sau nhiều năm lăn lộn, “chiến đấu” với đời, với số phận, ông Khai giờ đã trở thành một lương y, thành Tổng Giám đốc một tập đoàn lớn.
Ngoài tên tuổi của Đông Nam dược Bảo Long, người ta còn biết đến Nguyễn Hữu Khai là nguyên mẫu của nhân vật chính trong phim “Đường đời” được phát trên sóng truyền hình trong một thời gian dài.
Sinh viên Kiến trúc thành kẻ tù tội
Ông Nguyễn Hữu Khai sinh năm 1952 trong một gia đình nghèo khớ ở Kinh Đào, xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây (cũ). Tham gia quân đội khi còn khá trẻ, khi xuất ngũ trở về, theo ước nguyện của gia đình, ông đã trở thành sinh viên của trường Đại học Kiến trúc. Tuy nhiên, cuộc đời của ông lại không đi theo đúng hướng mà gia đình đã vạch ra. Ông đã giẽ ra theo hướng khác với nhiều thăng trầm, cay đắng.
Năm đó, khi đang học đại học dở dang thì cô em gái của ông mắc bệnh dẫn đến mắt bị kéo màng rồi gây ra mù lòa. Sau vụ việc này, ông bỏ học và vượt biên sang Trung Quốc trái phép. Suốt mấy năm ông bỏ nhà ra đi, bố mẹ và vợ ông đã khóc hết nước mắt khi không nhận được thông tin gì của ông. Có lúc cả gia đình tưởng ông đã bỏ xác xứ người mà làm giỗ cho ông.
Sang Trung Quốc, ông Khai may mắn được một bà chủ hiệu thuốc nâng đỡ và học được nghề chữa bệnh bằng các phương thuốc Trung y. Trong những năm lang bạt xứ người theo học nghề thuốc, Nguyễn Hữu Khai còn được người thầy Trung Quốc yêu mến, tin tưởng truyền dạy lại những ngón võ gia truyền.
Hồi đó, tội vượt biên trái phép được xem như phản quốc nên đến năm 1979, khi chiến tranh biên giới xảy ra, trên đường trở về Việt Nam, Nguyễn Hữu Khai đã bị công an bắt vì tưởng ông cũng cùng đoàn với những người giả mạo giấy tờ để vượt biên trái phép.
Ông bị bắt, bị phạt tù và giam giữ 3 năm và đã bị giam khắp các nhà giam từ Lạng Sơn đến Hà Bắc rồi về Hỏa Lò. Phải đến năm 1982, Nguyễn Hữu Khai mới trở về nhà, trong tình trạng sức khỏe suy kiệt.
Tù nhân và con đường trở thành lương y, thầy dạy võ thuật
Ra tù ông về quê và bắt đầu công việc chữa bệnh bằng các bài thuốc đã học được trong thời gian ở Trung Quốc. Trong suốt 2 năm tiếp theo ông đã chữa bệnh thành công cho cô em gái mù lòa. Tiếng tăm của ông cũng từ đây mà được nhiều người biết đến.
Tuy nhiên, cuộc sống yên ả này không được bao lâu thì sóng gió ập đến. Một số người có chức quyền vì ghen ghét đã vu anh là “lang băm”, vin vào việc ông không có bằng cấp chứng chỉ mà hành nghề để triệt mất của anh con đường sống, khiến gia đình ông rơi vào nợ nần chồng chất. Do nợ tiền các hiệu thuốc quanh vùng khá nhiều nên ông phải bán xới để vào Nam lập nghiệp.
Năm 1986, ông đã phối hợp với Hội chữ thập đỏ của quận 5 mở phòng mạch chẩn trị y học cổ truyền dân tộc. Uy tín của Nguyễn Hữu Khai trong giới y học cổ truyền ngày càng được nâng cao, anh được mời về giảng dạy tại trường Trung cấp y học dân tộc Tuệ Tĩnh – Bộ y tế.
Năm 1987 thì mở lớp dạy y học cổ truyền cho các học viên đến từ Tây Ninh, Tiền Giang, Sông Bé, Cần Thơ…
Tuy nhiên, tại thời điểm này, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn nên ông đã tìm đường “xuất ngoại” để mở rộng thị trường. Có thời điểm sang Trung Quốc, sang Liên Xô tìm hướng mở rộng thị trường, hết sạch tiền, anh phải đi dạy võ để kiếm sống.
Nhờ nỗ lực của mình, ngày 1/6/1990, Xí nghiệp Đông Nam dược Bảo Long được thành lập tại số 4 đường Nguyễn Cảnh Chân TP HCM (Công an TP HCM cho mượn một phần trụ sở, ở phía cổng sau). Sau này, thương hiệu Bảo Long ra đời chính là tiền thân của Xí nghiệp Đông Nam dược Bảo Long.
Đến năm 1993, khi Nhà nước có chủ trương hạn chế lực lượng vũ trang làm kinh tế, nên Công an TP.HCM quyết định không tiếp tục duy trì xí nghiệp Đông Nam dược Bảo Long nữa. Nguyễn Hữu Khai nghiễm nhiên làm chủ cơ ngơi và chuyển ra “ở riêng” ở Ấp 3, xã thới Thượng, huyện Hóc Môn. Cũng từ cơ ngơi riêng này mà Nguyễn Hữu khai đã mở ra nhiều chi nhánh ra các tỉnh phía Bắc và ông không quên vươn về quê hương bản quán là vùng Xứ Đoài.
Từ một công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long nhỏ bé ban đầu, Nguyễn Hữu Khai đã phát triển nó thành một tập đoàn Y dược Bảo Long lớn mạnh được cả trong và ngoài nước biết đến, với hơn 1000 nhân viên, sản phẩm của công ty đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới.
Không chỉ dừng lại ở việc kinh doanh các loại thuốc đông y, Nguyễn Hữu Khai còn mở bệnh viện Đông y dược Bảo Long, chữa được nhiều bệnh mà Tây y không làm được.
Với niềm đam mê với võ thuật, ngay từ khi còn trẻ, Nguyễn Hữu Khai đã mở những lớp dạy võ để rèn luyện thân thể, dần dần sáng lập ra môn phái “Bảo Long y võ”. Những ngày tháng lăn lộn mưu sinh, xây dựng thương hiệu Bảo Long ở đất Sài Gòn, anh tổ chức những đám mãi võ biểu diễn khắp các hang cùng ngõ hẻm để gây thu hút sự chú ý của mọi người, quảng bá cho thương hiệu thuốc đông dược của Bảo Long.
Năm 2005, Bảo Long thành lập Bệnh viện Đa khoa Bảo Long, tuyển mộ đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, vào làm việc. Năm 2007, được sự giúp đỡ, ủng hộ của Ủy ban Thể dục – Thể thao và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Nguyễn Hữu Khai đã xây dựng trường phổ thông võ thuật với quy mô đa cấp (tiểu học, phổ thông cơ sở, trung học phổ thông), trường võ thuật chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam, tuyển sinh trong cả nước, được báo chí gọi là “Thiếu Lâm Tự xứ Đoài”.
Một đời người và bốn cuộc hôn nhân
Cuộc đời của ông vô cùng lận đận khi phải trải qua đến 4 đời vợ, hôn nhân tan vỡ, ly biệt vì nhiều lý do khác nhau. Người vợ thứ nhất không thể cảm thông, chia sẻ và cùng anh đi trọng quãng đời còn lại. Vì sự tan vỡ này, anh đã phải chịu không ít tủi nhục khi bị bố mẹ từ mặt, dư luận bàn tán.
Người vợ thứ hai của ông là người Hoa, con một chủ hiệu thuốc, xinh đẹp, yêu thương và giúp ông nhiều trong công việc kinh doanh, có với nhau một con thì chẳng may mất sớm. Sau khi người vợ thứ hai đã mất, ông phải sống cảnh gà trống nuôi con.
Ông Khải và vợ tư Lê Thúy Hằng
Một cô học trò cũ của ông, vì lòng mến mộ, đã đưa con ông về nuôi và tìm mọi cách cứu chữa cho anh qua cơn hiểm nghèo. Hai người lấy nhau vì nghĩa, bỏ nhau vì lợi. Người vợ thứ tư của ông tên là Lê Thúy Hằng, một nhân viên trong công ty kiêm trường học, bệnh viện của ông bây giờ. Cô vợ này kém ông 20 tuổi.
Tù vẫn hoàn tù
Từ năm 2007 tới nay, ông Nguyễn Hữu Khai chỉ đạo thành lập xưởng sản xuất Bảo Đông 2 tại thôn Trại Hồ, xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây từ năm 2008 để chuyên sản xuất hàng trăm loại thuốc đông dược không đăng ký và không được Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế cấp phép sản xuất hoặc thuốc chỉ được lưu hành nội bộ không được tiêu thụ ra thị trường. Tuy nhiên, sản phẩm lại được tung ra tiêu thụ rộng rãi trên thị trường với doanh thu mỗi năm hàng chục tỉ đồng để ngoài hạch toán kế toán của doanh nghiệp trốn thuế rất lớn.
Với danh nghĩa Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long và Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long, ông Nguyễn Hữu Khai đã tổ chức huy động vốn dưới hình thức “cổ đông góp vốn” để thu tiền của nhiều cá nhân tự quản lý sử dụng để ngoài hạch toán kế toán quản lý tài chính theo quy định của pháp luật Nhà nước.
Ngày 22/3/2011 và 28/4/2011, ông Nguyễn Trường Sơn đại diện Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn ký kết “Hợp đồng khoán kinh doanh” số 154/HĐHT/2011 và số 15/HĐHT/2011 với ông Nguyễn Hữu Khai – Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long. Theo 2 hợp đồng, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn giao cho ông Khai (với tư cách là Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long) tổng số tiền là 10 tỉ đồng “để phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh theo hình thức khoán kinh doanh hàng tháng”.
Khoản tiền này có thời hạn 12 tháng với lợi nhuận của bên giao vốn là 120 triệu đồng mỗi tháng được thanh toán vào ngày 22 hàng tháng. Sau khi tiếp nhận tiền theo hợp đồng, bà Lê Thúy Hằng (vợ ông Khai) đã theo lệnh của ông Khai chi sử dụng để trả nợ cũ hết số tiền của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn. Việc tiếp nhận và sử dụng tiền vốn nhận giao khoán được ông Khai để ngoài hạch toán kế toán quản lý tài chính. Hiện ông Khai không có khả năng hoàn trả vốn đang chiếm giữ sử dụng trái phép.
Trong thời gian từ năm 2011 đến nay, ông Nguyễn Hữu Khai đã nhiều lần chiếm giữ, sử dụng trái phép các tài sản mà Tập đoàn Bảo Long đã bán cho Tập đoàn Bảo Sơn tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.
Tính đến ngày 16/1/2012, ông Khai đã huy động vốn của 265 người với tổng số tiền hơn 83 tỉ đồng mà không có khả năng chi trả. Việc này có dấu hiệu của hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo thông tin mới nhất, vào ngày 15/6 vừa qua, ông Nguyễn Hữu Khai đã bị Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã thực hiện lệnh bắt tạm giam 3 tháng để điều tra về hành vi “Sử dụng trái phép tài sản”. Việc bắt giữ ông Khai được thực hiện tại trụ sở Công ty TNHH Đông Nam Dược Bảo Long (Ấp 3, xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn, TP HCM).
Tri Thức Trẻ