Sau khi xem những bức ảnh kiểm tra giáo viên chấm thi ở Sơn La trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia năm nay, PGS-TS Dương Hữu Biên, Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn Trường Đại học Đà Lạt đã viết trên trang cá nhân: "Những hình ảnh này gợi cho ta hai cách hiểu: hoặc xã hội rất coi thường người làm nghề giáo, không hề mảy may có chút niềm tin nào vào họ; hoặc những người làm nghề giáo là những người tệ hại, không thể tin được, và phải giám sát đến nơi đến chốn… Đành rằng, chống gian lận trong thi cử là điều cần phải đề cao, nhưng không phải theo cách như những tấm ảnh này cho thấy!".
Không chỉ PGS-TS Dương Hữu Biên, nhiều nhà giáo khác cũng đã lên tiếng với việc làm này. Họ khẳng định chống gian lận thi cử là cần thiết nhưng không phải bằng cách như thế. "Tôi không hiểu tại sao phải làm thế này. Phòng chấm thi đã gắn máy quay 24/24, có người quản lý việc chấm bài... sao còn phải khám xét giáo viên như thế? Cần có biện pháp để ngăn chặn gian lận trong thi cử là đúng nhưng không phải thế này, không làm thế được; không thể xúc phạm lòng tự trọng vốn đã đầy thương tích của người thầy" - PGS.TS Đỗ Ngọc Thống nhìn nhận.
Đau xót thay, những người trong cuộc lại không thể lên tiếng. Họ hẳn đã chịu quá nhiều áp lực từ sai phạm của kỳ thi trước nơi đây. Họ không dám phản ứng vì sợ kỷ luật, bị đuổi việc khi phía sau họ còn cả một gia đình nên dẫu biết bị kiếm tra như vậy là xúc phạm lòng tự trọng của cái nghề mà từ trước đến nay vẫn được gọi là nghề cao quý nhất, nhưng họ chẳng thể làm gì được.
Xã hội vẫn có cái nhìn sai lầm khi gia đình có 1 thành viên ăn trộm thì gia đình ấy sẽ chẳng ra gì; làng ấy có vụ đánh nhau thì làng ấy chẳng phải văn hóa. Họ không cần biết những thành viên còn lại của gia đình ấy, những gia đình còn lại trong ngôi làng ấy là những nạn nhân của sự thị phi, xa lánh.
Những thầy giáo, cô giáo chấm thi ở Sơn La là nạn nhân của những gian lận thi cử năm trước.
Nên nhớ, trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2018, gian lận đến nhiều từ những người quản lý giáo dục chứ không phải ở những người cầm phấn, chấm thi. Nghề nào cũng có người này, người khác. Chúng ta loại những con sâu trong vườn rau chứ không thể đạp đổ hết cả vườn chỉ vì nghi ngờ trong vườn có sâu.
Hãy thử nghĩ ngày mai, các học sinh sẽ nhìn thầy giáo, cô giáo mình thế nào khi lên lớp? Liệu các thầy giáo, cô giáo có còn đủ tự tin để đứng trên bục giảng khi mình là người không được xã hội tin tưởng? Và cả một thế hệ học trò nơi đây sẽ bị khiếm khuyết, nếu không muốn nói là lệch lạc, trong cách nhìn đối với giáo viên ra sao nếu không còn niềm tin đối với thầy cô giáo của mình?
Xót xa thay, những điều đó đã xảy ra!
Hãy dừng lại và xin lỗi các giáo viên chấm thi, nếu không muốn đẩy giáo dục vào chỗ dần mất niềm tin trong xã hội.
Tác giả: Hồng Ánh
Nguồn tin: Báo Người lao động