Kinh tế

Dự án CIDA hơn 11 triệu đô do Sở NN&PTNT Hà Tĩnh quản lý: Đụng đâu hỏng đó!

Hàng loạt công trình trong Dự án phát triển Nông nghiệp Hà Tĩnh được CIDA tài trợ (với tổng số vốn 11,4 triệu đô la) mặc dù vừa mới đưa vào sử dụng nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng. 

  >> Hà Tĩnh: Sở NN&PTNT quản lí thế nào mà đường vốn nước ngoài vừa xong đã hỏng nặng?

Mục đích cao đẹp của dự án

Dự án phát triển Nông nghiệp Hà Tĩnh được CIDA (Tổ chức hợp tác phát triển Quốc tế Canada) tài trợ với tổng số vốn 11,4 triệu đô la Canada (tương đương 220.225 triệu VNĐ), trong đó vốn ODA 10 triệu đô la Canada, vốn đối ứng 1,4 triệu đô Canada.

hatinh24h
Dự án được triển khai tại 13 xã

Dự án được triển khai tại 13 xã, gồm 3 hợp phần: thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn; phát triển các công trình kết cấu hạ tầng quy mô nhỏ hỗ trợ phát triển nông nghiệp và xây dựng năng lực cho quản lý công trong việc triển khai chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp.

Dự án sẽ tập trung cải thiện năng suất và khả năng cạnh tranh trong một số lĩnh vực được lựa chọn. Các ưu tiên sẽ được xác định thông qua phân tích thị trường và các cuộc tham vấn với các bên liên quan ở cấp trung ương, tỉnh và địa phương.

Trong suốt quá trình triển khai, dự án sẽ góp phần nâng cao năng lực về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quản lý đầu tư XDCB, hỗ trợ đầu tư một số hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ và cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật, dịch vụ khuyến nông nhằm cải thiện năng lực sản xuất của các địa phương được hưởng lợi.

Có 65.000 nông dân tại 13 xã nghèo ở vùng nông thôn tham gia vào dự án sẽ được tăng cường khả năng tiếp cận đối với các kết cấu hạ tầng quy mô nhỏ hỗ trợ cho việc phát triển nông nghiệp.

Đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống của hàng chục ngàn người dân của các xã nghèo trên địa bàn toàn tỉnh, tuy nhiên các công trình thuộc dự án trên mới đưa vào sử dụng, đã xuống cấp nghiệm trọng.

Thực tế phủ phàng

Nhân dân xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh hết sức vui mừng khi được là một trong số rất ít các xã của tỉnh hưởng lợi từ dự án, và càng thiết thực hơn khi dự dự án phát triển chuỗi sản phảm cây chè tại đây.

Để tạo điều kiện cho bà con phát triển cây chè, năm 2016, dự án đã đầu tư xây dựng ba tuyến đường bê tông  để phục vụ việc đi lại sản xuất chè.

Thế nhưng, niềm vui người dân ngắn chẳng tày gang bởi hầu hết cả ba tuyến này đều mới đưa vào sử dụng nhưng đã bộc lộ chất lượng không đảm bảo. Nghiêm trọng nhất phải kể đến công trình đường giao thông phục vụ chuỗi sản phẩm chè thôn Tân Tiến, do Công ty Cổ phần Hùng Yến (Thành phố Hà Tĩnh) thi công. Mặc dù, công trình mới đưa vào sử dụng chưa đầy hai tháng nhưng đã hư hỏng một cách thảm hại, mặt đường đầy rẫy bong tróc, các vết nứt gãy chằng chịt.

Nứt nẻ dày đặc khiến công trình hư hại một cách nghiêm trọng tại thôn Tân Tiến, xã Kỳ Thượng (Tuyến 1).

Ít ai có thể hình dung được chỉ một thời gian  ngắn như vậy lại có thể xuống cấp một cách nghiêm trọng.

Theo chân người hái chè xã Kỳ Thượng, chúng tôi tới khu vực trồng chè của thôn Tiến Quang. Tại khu vực này, công trình đường giao thông phục vụ chuỗi sản phẩm chè thôn Tiến Quang (tuyến 2) do Công ty cổ phần và tư vấn xây dựng Minh Phong (Thạch Hà – Hà Tĩnh) thi công cũng vừa hoàn thành vào tháng 7.2016.

Trên tuyến đường dài gần 1km này, nứt nẻ xuất hiện dày đặc, không thể đếm hết. Bên cạnh đó lề đường cũng rất nhiều đoạn bị sạt lở, được đắp một cách cẩu thả, thậm chí có những chỗ không có phần lề.

Tại huyện Can Lộc, tuyến đường giao thông thủy lợi nội đồng Trại Tình ở xã Thiên Lộc có vai trò phục vụ sản xuất cho 40 hét-ta nông nghiệp vùng trung tâm của xã này. Đường có chiều dài gần 2 km, chiều rộng 3m; được khởi công vào tháng 3 /2015 hoàn thành sau đó 4 tháng (7/2015).

Theo người dân có ruộng tại khu vực này cho biết thì sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng được vài tháng  tuyến đường đã có dấu hiệu bong tróc, gãy, nứt nẻ nham nhở… Trước tình trạng xuống cấp đó, đơn vị thi công đã khắc phục những đoạn xuống cấp bằng cách trát hồ lên. Tuy nhiên, sự vá víu này chỉ được ít ngày rồi cũng bong trở lại.

Chính quyền xã Thiên Lộc cho biết, trước tình trạng xuống cấp của tuyến đường do CIDA tài trợ, UBND xã đã báo cáo lên Phòng NN&PTNT huyện Can Lộc để đề xuất tìm hướng khắc phục.

Tuyến đường giao thông thủy lợi nội đồng Trại Tình ở xã Thiên Lộc bị nứt nẻ chằng chịt.

Đến huyện Đức Thọ, dọc theo Quốc lộ 8A, là công trình của dự án này tại xã Đức Thủy, do Công ty THHH XD Tuấn Cường thi công.

Mặc dù, mới hoàn thành vào tháng 2.2016 nhưng đã bộc lộ nhiều dấu hiệu xuống cấp. Suốt dọc tuyến đường dài gần 600m, tuyệt nhiên không hề đặt khe co giãn mà để nứt theo tự nhiên. Mặt đường bị bong tróc, trầy xước nham nhở, trơ đá lởm chởm.

Trao đổi với người dân, ông Nguyễn Xuân H, xóm 5, xã Đức Thủy tỏ ra buồn bã: “Không biết họ làm ăn thế nào mà con đường vừa làm xong được 6 tháng đã bong tróc, nứt nẻ dày đặc. Chắc chẳng mấy chốc sẽ hư hỏng thôi”.

Tuyến đường nội đồng tại xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ được khởi công xây dựng vào hồi tháng 12/2015 và hoàn thành vào tháng 3/2016, do Công ty CPĐT &XD Biển Đông là đơn vị thi công.

Dù mới hoàn thành và đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng tuyến đường này đã bộc lộ những yếu kém rõ rệt. Hiện tại mặt đường nhiều đoạn đã bong tróc, nứt nẻ, gãy góc…Thậm chí có một số đoạn đã gãy ngang.

Theo phản ánh của ngừi dân, để dẫn đến tình trạng trên là do trong quá trình thi công phần nền đường, nhà thầu đã không cho lu lèn kỹ. Hơn nữa khâu giám sát thi công không được chặt chẽ.

Cùng chung suy nghĩ với người dân, cảm nhận của chúng tôi về Dự án này là tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Vấn đề đặt ra là Tại sao hàng loạt công trình của dự án này lại “chết yểu” một cách nhanh chóng như vậy? Trong khi đó, những công trình khác vẫn tồn tại theo thời gian.

Nhiều câu hỏi cần được làm rõ

Dư luận không khỏi nghi ngại về vai trò quản lý của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh khi để các dự án vừa “chào đời” đã phải “khai tử” như vậy.

 Đường nứt ngang tại công trình dự án CIDA ở xã Đức Thủy, Đức Thọ.

Có hay không sự buông lỏng trong quản lý, làm thất thoát ngân sách, để nhà thầu rút ruột công trình, hay vì mục đích lợi ích nào đó?

Vai trò quản lý của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh trong việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA này rõ ràng là có vấn đề.

Đây là nguồn vốn vay ưu đãi từ nước ngoài, thường cho vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp (dưới 3%/năm, trung bình từ 1-2%/năm), với thời gian vay dài (thường từ 25 – 40 năm). Tuy nhiên, dù là vay có lãi hay không lãi thì đều là một món nợ và cuối cùng vẫn phải trả.

Vì thế, đừng biến nguồn vốn này thành miếng bánh ngọt để kiếm lợi hay chia chác. Phải quản lý và sử dụng nguồn vốn một cách minh bạch, rõ ràng và có hiệu quả.

Đối với một tỉnh nghèo như tỉnh Hà Tĩnh, thì đây là một dự án có ý nghĩa rất lớn nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên, hàng loạt công trình vừa mới bàn giao đã bộc lộ những sai phạm không thể chấp nhận.

Kính đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước sớm xác minh, làm rõ. Làm sạch môi trường đầu tư, để lại niềm tin trong nhân dân.

Lề đường được công ty cổ phần và tư vấn xây dựng Minh Phong thi công một cách cẩu thả, tùy tiện tại thôn Tân Tiến, xã Kỳ Thượng (Tuyến 2).
Mặt đường bị bong tróc, trầy xước nham nhở, trơ đá lởm chởm tại xã Đức Thủy, Đức Thọ.
Nứt nẻ dày đặc, chằng chịt tại Tuyến đường giao thông thủy lợi nội đồng Trại Tình ở xã Thiên Lộc.
Mặt đường bị bong tróc, trầy xước nham nhở tại xã Đức Thủy, Đức Thọ.
 Kè đường bị nứt nẻ nghiêm trọng

(còn tiếp)

Nhóm PV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP