Trong nước

Động vật hoang dã ”chui qua” cửa khẩu ngày càng nhiều

NDĐT – Đó là chia sẻ của ông Đặng Quang Niềm, Phó trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Hà Tĩnh tại khóa tập huấn về thực thi pháp luật phòng chống buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) tại TP Vinh cho các cán bộ tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình từ 15 đến 19-5.



Hà Tĩnh được coi là “điểm nóng” trong mạng lưới buôn bán động vật hoang dã trái phép tại miền trung. Chỉ riêng sáu tháng đầu năm, đã phát hiện ba vụ buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép, thu giữ 477,7 kg tê tê, 1.494,7 kg kỳ đà và 250 kg rùa.


Cũng theo ông Niềm, mỗi chuyến vận chuyển trái phép động vật hoang dã trót lọt, các đối tượng thu lợi nhuận từ 100 đến 200 triệu đồng.


Trong khi đó, theo tìm hiểu của Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS), ngân sách của Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh chủ yếu chỉ để dành cho các hoạt động bảo vệ rừng mà không đủ cho công tác bảo tồn như: bắt giữ, xử lý động vật sau bắt giữ.


Các vụ bắt giữ chủ yếu do cảnh sát môi trường và công an kinh tế thực hiện, tuy nhiên kỹ năng nhận dạng loài lại là một vấn đề khó khăn.


Vì vậy để đối phó với diễn biến phức tạp và ngày càng tăng của hoạt động buôn bán trái phép ĐVHD, các lực lượng chức năng cần nhiều khóa tập huấn có thực hành về kỹ năng nhận dạng loài và thông tin cập nhập về luật pháp liên quan đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong buôn bán ĐVHD, một hoạt động mà thế giới ngày càng coi là nghiêm trọng này.


Đây là lần đầu tiên 37 cán bộ từ các lực lượng chức năng khác nhau của tĩnh Hà Tĩnh và Quảng Bình cùng tham dự một khóa tập huấn về phòng chống buôn bán ĐVHD chuyên sâu.


Các học viên đến từ Vườn quốc gia Vũ Quang, Cảnh sát môi trường tỉnh Hà Tĩnh, Chi cục kiểm lâm Hà Tĩnh và Quảng Bình, Chi cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh, Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh và đặc biệt là Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Tĩnh, đơn vị trước đây chưa từng tham gia tập huấn trong lĩnh vực này.


Khóa tập huấn do VQG Vũ Quang phối hợp với WCS và Cơ quan quản lý CITES Việt Nam tổ chức với sự tài trợ của Quỹ đối tác về các hệ sinh thái trọng yếu (CEPF) và Tổ chức bảo tồn động thực vật Quốc tế (FFI).


HOA LAN

Nhân Dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP