Pháp luật

Đối tượng sát hại cháu bé hơn 20 ngày tuổi ở Thanh Hóa có thể lĩnh án tử hình

Liên quan đến vụ việc cháu bé hơn 20 ngày tuổi ở Thanh Hóa tử vong, ngày 6-12, Cơ quan CSĐT CAT Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với bà Phạm Thị Xuân về Tội giết người theo Điều 93 BLHS.

Liên quan đến tội danh này, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định, đối tượng thực hiện hành vi giết cháu bé hơn 20 ngày tuổi có thể đối mặt với mức án cao nhất là tử hình. Bởi theo Điều 93 BLHS năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009, người nào giết người thì bị phạt tù từ 7-15 năm. Giết người thuộc một trong các trường hợp: Giết nhiều người; Giết phụ nữ mà biết là có thai; Giết trẻ em; Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình...thì bị phạt tù từ 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Cũng theo Luật sư Lê Hồng Vân, khách thể tội giết người là xâm phạm trực tiếp vào quyền được sống của con người. Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi cố ý gây ra cái chết cho người khác. Nó có thể được thực hiện dưới hình thức hành động (đánh đấm, bóp cổ, đâm, chém) hoặc không hành động như không cho trẻ ăn uống mặc dù có nghĩa vụ và điều kiện để thực hiện.

Hiện trường nơi xảy ra vụ việc

Tội giết người có cấu thành tội phạm vật chất. Tội phạm hoàn thành khi hậu quả chết người xảy ra. Nếu chưa gây ra hậu quả chết người, thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về phạm tội giết người ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt.

Khi xem xét hành vi giết người với hậu quả chết người xảy ra cần xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Tức là nguyên nhân gây ra chết người phải xảy ra trước hậu quả về thời gian và phải có mối quan hệ nội tại, tất yếu đối với hậu quả.

Về mặt chủ quan, tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Cố ý giết người là trường hợp trước khi có hành vi tước đoạt tính mạng người khác, người phạm tội nhận thức rõ hành động của mình tất yếu hoặc có thể gây cho nạn nhân chết và mong muốn hoặc bỏ mặc cho nạn nhân chết.

Sự hình thành ý thức của người phạm tội được biểu diện dưới nhiều dạng: Trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng người khác, người phạm tội thấy trước được hậu quả chết người tát yếu xảy ra và mong muốn cho hậu quả đó phát sinh hoặc người phạm tội chỉ nhận thức được hậu quả chết người có thể xảy ra chứ không chắc chắn nhất định xảy ra vì chưa tin vào hành vi của mình sẽ gây ra hậu quả này. Một dạng biểu hiện nữa là trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng của người khác, người phạm tội cũng thấy trước hậu quả có thể xảy ra, tuy không mong muốn, nhưng có ý thức bỏ mặc.

Người phạm tội giết người đều có mục đích là tước đoạt tính mạng con người, song động cơ khá đa dạng. Điều đáng nói là, trong vụ việc cháu bé ở Thanh Hóa nghi bị bà nội sát hại, nạn nhân mới hơn 20 ngày tuổi. Trong khi đó, khung tăng nặng được quy định tại khoản 1 Điều 93 BLHS có mức phạt tù từ 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình đối với các trường hợp giết trẻ em (theo Luật trẻ em, trẻ em là người chưa đủ 16 tuổi). "Như vậy nếu có đủ căn cứ chứng minh cháu bé bị giết hại thì đối tượng thực hiện hành vi có thể bị áp dụng tình tiết tăng nặng là "giết trẻ em" và đối diện với mức án cao nhất là tử hình" - Luật sư Lê Hồng Vân bày tỏ quan điểm.

Tác giả: Huệ Linh

Nguồn tin: Báo An ninh thủ đô

  Từ khóa: sát hại cháu , bà nôi

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP