TIẾC CHO MỘT GIẤC MƠ DANG DỞ
Xứ Nghệ vốn là tên gọi chung đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Trên mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió ấy, bóng đá luôn chiếm một phần quan trọng trong cuộc sống của mọi người.
Bóng đá chính là món ăn tinh thần, là biểu tượng gắn kết tình yêu thương và có sức lan tỏa lớn đến mọi ngóc ngách của miền quê Nghệ Tĩnh. Dẫu vậy, giữa hai mảng bóng đá của xứ Nghệ đang mang một nốt trầm xao xuyến. Bởi khi người anh em Sông Lam Nghệ An với bề dày lịch sử truyền thông, với ánh hào quang từ quá khứ cho tới hiện tại luôn được tung hô mãnh liệt trên chảo lửa thành Vinh thì Hà Tĩnh vẫn còn đâu đó câu hỏi bao giờ mới có thể phát triển như vậy.
Qua những gì tìm hiểu được từ bản thân tôi, năm 1998, khi CLB bóng đá Hà Tĩnh được thành lập, với nòng cốt là các cầu thủ được đôn lên từ đội trẻ, đã thi đấu đầy cống hiến và mang lại những phút giây vỡ òa cảm xúc cho người hâm mộ địa phương. Thế nhưng, vì không đủ tiềm lực tài chính nên nhiều năm qua Hà Tĩnh vẫn chỉ thi đấu ở giải Hạng Nhì Quốc gia.
Mãi đến năm 2010, dưới sự hỗ trợ của tập đoàn Xuân Thành cùng sự cho phép của Ủy ban nhân dân tỉnh, Hà Tĩnh đã có một tên gọi mới: CLB bóng đá xi măng Xuân Thành Hà Tĩnh và song song với đó là mục tiêu mỗi năm thăng một hạng và tiến tới giải đấu cao nhất.
Nhưng rồi mọi chuyện đã không thể đi theo chiều hướng như kỳ vọng, trong khi giấc mơ bóng đá chuyên nghiệp chưa thành hiện thực thì sự hụt hẫng lại ùa về . Mùa giải ấy, Hà Tĩnh thi đấu với kết quả không tốt. Bầu Thụy cũng dần đánh mất niềm tin vào đội bóng. Sau đó tập đoàn này đã chuyển hẳn trụ sở hoạt động vào thành phố Hồ Chí Minh, đồng nghĩa cái tên Xi măng Xuân Thành Hà Tĩnh cũng chỉ còn tồn tại trong tiềm thức.
Giấc mơ lên V.League thi đấu của bóng đá Hà Tĩnh vẫn còn dang dở
Vậy là biết bao hy vọng về một tương lai tươi sáng của các cầu thủ, của người hâm mộ đã bị dập tắt như bông hoa sớm nở chóng tàn. Từ thời điểm đó cho tới tận bây giờ, Hà Tĩnh vẫn chỉ duy trì công tác đào tạo trẻ. Nói là đào tạo trẻ vậy thôi chứ quanh mấy năm may cũng chỉ thi đấu dăm ba trận vòng loại các lứa tuổi U rồi phải nhận thất bại, sớm bị loại từ vòng gửi xe.
THỰC TẾ ĐÁNG BUỒN
Trong chuyến về quê đón tết Bính Thân, tôi đã dành thời gian đến thăm sân vận động Hà Tĩnh. Quả thật những gì tận mắt chứng kiến đã làm cho tôi xúc động vô cùng.
Đứng trên khán đài cũ kĩ mốc meo nào rêu cỏ dại nhìn xuống, tôi cảm nhận được sự hồn nhiên, vô tư của các em đang mải mê chơi bóng giữa tiết trời giá lạnh, trên mặt cỏ gồ ghề và vạch vôi mờ nhạt. Cách đây một vài năm, trong trận đấu giao hữu giữa hai đội tuyển trẻ Nghệ An và Hà Tĩnh để chuẩn bị cho giải U15 toàn quốc, trang Songlamplus đã đưa lên trang chủ của mình bài viết về sự thiếu thốn từ cơ sở vật chất đến định hướng phát triển của bóng đá Hà Tĩnh.
Lúc đó các em chưa có đồng phục rõ ràng và còn đi giày bata để ra sân chơi bóng với các bạn bên kia bờ sông Lam. Sau này, tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng đã huy động nguồn tài chính để mua sắm cho các em những dụng cụ tập luyện đúng quy chuẩn đào tạo. Tuy nhiên, sự quan tâm của các cơ quan lãnh đạo đối với bóng đá tỉnh nhà thực ra chưa đáp ứng được nhu cầu cần thiết, khi mà một chiến lược dài hơi để nâng tầm Hà Tĩnh lên chuyên nghiệp là chuyện rất xa vời.
Gặp gỡ và nói chuyện với tôi, các huấn luyện viên có mặt trên sân tâm sự rằng :”Là một người thầy, người cha hằng ngày chỉ dạy đám trẻ ăn tập, trong khi tương lai chưa có câu lạc bộ chuyên nghiệp để an tâm mà chơi bóng. Thấy vậy nghĩ mà thương chúng lắm. Nhưng vì ngân sách hoạt động hạn chế nên bọn tôi cũng chỉ biết động viên các cháu cố gắng lên mà thôi”.
Sân Hà Tĩnh mốc meo với đầy rêu rồi cỏ dại
Nghe đâu năm nay đội bóng sẽ tham dự vòng loại giải bóng đá U17 quốc gia. Hy vọng đấy sẽ là một cơ hội, một trải nghiệm tốt cho các em để sánh ngang cùng bè bạn.
NHÂN TÀI HÀ TĨNH NHIỀU NHƯ LÁ MÙA THU
Trên bình diện bóng đá Việt Nam, khi theo dõi những Đinh Than Trung, Trần Phi Sơn rồi Bùi Tiễn Dũng đang từng ngày tỏa sáng, lòng tôi lại chợt buồn tiếc nuối khi chẳng mấy ai biết rằng họ là con em đất hồng lam. Họ chưa có cơ hội trở về khoác lên mình màu áo quê hương.
Đặc biệt, cách đây hơn ba năm, chắc hẳn những ai yêu bóng đá chưa thể quên đi những pha đảo chân thoăn thoắt, xử lý điệu nghệ mang hình bóng CR7 của Phi Sơn – người đã giành danh hiệu cầu thủ trẻ xuất sắc nhất Việt Nam năm 2012.
Còn nhớ, thời đang thi đấu trong đội hình U16 Việt Nam, tiền đạo Nguyễn Ánh Cường đã sát vai cùng thần đồng Văn Quyến, tạo nên chiến thắng lịch sử trước đối thủ U16 Trung Quốc. Tiếp đến, câu chuyện cổ tích giữa thời hiện đại của bóng đá Việt Nam đã bắt đầu khi cựu tuyển thủ quốc gia Nguyễn Gia Từ, từ một kẻ vô danh bỗng chốc vụt sáng để trở thành trung vệ số một của đội tuyển trong khoảng thời gian khá dài.
Trong hàng ngũ đội tuyển U19 Việt Nam tạo nên cơn sốt cuồng nhiệt dành cho người hâm mộ cả nước, chàng lính trẻ Tiến Dũng vẫn âm thầm thi đấu để rồi trở thành chốt chặn không thể thiếu ở mọi cấp độ đội tuyển mà anh tham dự . Ngoài ra, những cầu thủ người Hà Tĩnh đã và đang đầu quân cho các câu lạc bộ tại V.League là khá nhiều.
Có thể kể đến những cái tên nổi bật như tiền vệ nhỏ con Ngô Đức Thắng, trung vệ Trương Trọng Sáng hay thủ thành Đậu Ngọc Tân và Phan Đình Vũ Hải. Chưa dừng lại ở đó, mùa hè năm 2013 khi học viện HAGL – Arsenal JMG tổ chức vòng sơ loại ở Hà Tĩnh, đã có 5 em lọt vào vòng chung kết (sau đó chỉ còn lại một em) được công nhận làm học viên khóa 3 của lò đào tạo danh tiếng này .
Tiến Dũng, Phi Sơn đều xuất thân từ Nghệ Tĩnh
Vào tháng 7 năm ngoái , học viện HAGL Nutifood JMG lần đầu tiên mở đợt tuyển sinh trong cả nước. Thật vinh dự khi trải qua cuộc tuyển chọn từ hàng ngàn thí sinh trên khắp mọi miền Tổ quốc , Ban tổ chức đã phát hiện ra 10 gương mặt sáng giá nhất, trong số đó có hai ngôi sao nhí là con em tỉnh nhà. Hiện tại, em Hồ Nhật Cường đang học tập và thi đấu ở trung tâm quỹ đầu tư và phát triển bóng đá Việt Nam (PVF). Đó cũng là một học viên xuất sắc, một cầu thủ đáng chờ đợi để tỏa sáng ở thì tương lai.
Tất cả họ , dù thi đấu, tỏa sáng ở nhiều thế hệ khác nhau nhưng đều có điểm chung duy nhất là được sinh ra và lớn lên từ mảnh đất Hà Tĩnh, được nói tiếng mẹ đẻ “mô tê răng rứa” nặng ân tình. Đối với khán giả địa phương, họ cũng hâm mộ nhiệt tình giống như người dân ở các tỉnh thành khác.
Lên 5 tuổi tôi đã biết xem bóng đá. Từ đó tôi luôn dõi theo những chặng đường phát triển của bóng đá nước nhà. Là người con xứ Nghệ, tôi thường xuyên đón xem CLB SLNA thi đấu nhưng kí ức về một thời tuổi trẻ, giữa cái nắng chói chang đầu hạ, ngồi trên khán đài chỉ để xem một trận đấu của đội bóng Hà Tĩnh ở lượt trận giải hạng Nhì thực sự là kỷ niệm đẹp đẽ nhất và hạnh phúc nhất.
Mang trong mình thứ tình yêu bóng đá đến cháy bỏng và niềm tự hào về quê hương xa xứ, tôi dành tất cả vốn từ hạn hẹp của mình để viết nên bài viết này với một tâm huyết và khát khao răng mọi người sẽ biết đến Hà Tĩnh nhiều hơn cũng như bóng đá quê hương sẽ từng ngày đổi mới. Mong lắm trong một ngày nào đó , được chứng kiến trân cầu derby xứ Nghệ hấp dẫn rực lửa trên đấu trường V.League.
Biết tới bao giờ điều ước nhỏ nhoi ấy sẽ hóa thành hiện thực, trên mảnh đất nghèo mà bóng đá lắm nhân tài nhưng vẫn chưa có nhiều sự đầu tư…
Đinh Văn Vũ