Dự án đầu tư

Doanh nghiệp “méo mặt” vì đường hằn lún​

Tình trạng hằn lún vệt bánh xe bất ngờ xuất hiện khiến nhà thầu đau đầu bởi chi phí khắc phục không hề nhỏ.

81
Bộ trưởng Đinh La Thăng kiểm tra phương án và tiến độ việc khắc phục hằn lún vệt bánh xe tuyến tránh TP Vinh – Ảnh: Văn Thanh

Tình trạng hằn lún vệt bánh xe bất ngờ xuất hiện trên một số đoạn tuyến của QL1 qua các tỉnh khu vực Bắc miền Trung đang khiến nhà thầu đau đầu bởi chi phí khắc phục không hề nhỏ, nhưng hằn lún vẫn có nguy cơ tái diễn.

Có “bệnh” vái tứ phương

Cuối tháng 6, đầu tháng 7/2015, PV đã có dịp theo chân nhiều đoàn công tác của Bộ GTVT để tìm nguyên nhân cũng như cách khắc phục hiện tượng hằn lún vệt bánh xe (HLVBX). Thực tế, hiện tượng hằn lún vệt bánh xe không xảy ra trên toàn tuyến mà chỉ xuất hiện tại một số đoạn tuyến cá biệt. Nguyên nhân, theo các chuyên gia, ngoài các yếu tố chủ quan như: Công tác kiểm soát vật liệu đầu vào còn lỏng lẻo, quy trình thi công chưa theo đúng chỉ dẫn, tỷ phối bê tông nhựa (BTN) có nơi chưa đạt tiêu chuẩn,… đồng thời cũng không thể loại trừ tác động của yếu tố khách quan như: Nắng nóng kéo dài làm mềm hóa BTN, xe có tải trọng nặng chạy trùng phục trên một làn đường gây ra HLVBX.

Một điểm đáng lưu ý, hiện tượng hằn lún chỉ xảy ra trên các đoạn tuyến sử dụng BTN thông thường từ C12.5 cho đến C19. Một số đoạn tuyến nhà thầu mạnh dạn sử dụng BTN polymer và bê tông nhựa có phụ gia không xảy ra hiện tượng này. Điển hình như bốn đoạn tuyến thuộc hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (CIENCO 4) thi công. Có 2/4 đoạn được thảm bằng BTN polymer không xảy ra hằn lún. Hai đoạn tuyến tránh TP Vinh, Nam Bến Thủy – Bắc TP Hà Tĩnh, thi công từ năm 2013 bằng BTN thường, xảy ra hằn lún nghiêm trọng, có nhiều vị trí hằn lún thành vệt dài cả cây số, lún sâu từ 2 – 5cm.

Hơn một năm qua, CIENCO 4 đã đưa ra nhiều giải pháp khắc phục từ đặt tiêu phân làn, tưới nước giảm nhiệt cho đến cào bóc, thảm lại lớp bê tông nhựa bề mặt nhưng hằn lún vẫn tiếp tục tiếp diễn và có dấu hiệu nặng hơn. Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc CIENCO 4 chia sẻ: “Giống như bị bệnh phải vái tứ phương, đơn vị đã chủ động nhờ gần như tất cả các chuyên gia đầu ngành của Hội Khoa học cầu đường, Viện KHCN GTVT, trường Đại học GTVT, thậm chí nhờ cả các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ tìm nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục, tuy nhiên trên thực tế hằn lún vẫn xảy ra”.

82
CIENCO 4 cào bóc, lu tạo phẳng bề mặt bê tông nhựa bị hằn lún vệt bánh xe trên QL1

​“Bạo tay” chi tiền tỷ kháng hằn lún

Rút kinh nghiệm từ bài học “hằn lún” đắt giá trên hai tuyến QL1 là tuyến Tránh TP Vinh và Nam Bến Thủy – Bắc TP Hà Tĩnh, năm 2014, khi thi công Dự án nâng cấp mở rộng QL1 đoạn Nghi Sơn – Cầu Giát và Nam TP Hà Tĩnh, CIENCO 4 đã chủ động đề xuất Bộ cho phép sử dụng BTN polymer thay thế BTN thường ở lớp trên. Những đoạn tuyến này sau nửa năm khai thác đến nay đã cơ bản ổn định, không xảy ra hiện tượng hằn lún vệt bánh xe trên bề mặt BTN.

Để sửa chữa các vị trí hằn lún trên hai đoạn tuyến QL1, hơn một năm qua CIENCO 4 đã phải tự bỏ ra gần 70 tỷ đồng mua máy cào bóc, cào và thảm thay thế lớp BTN bề mặt bằng BTN polymer. Dù đã tiêu tốn khá nhiều công sức và tiền bạc để sửa đường nhưng số đoạn bị hằn lún cần phải cào bóc thảm vẫn còn, thậm chí có một số đoạn đã sửa bằng BTN polymer nhưng vẫn hằn lún khiến cho đơn vị không khỏi “đau đầu”.

Còn ở đoạn QL1 Nam TP Huế do Trùng Phương thi công, dù chưa bàn giao nhưng trên tuyến, nhà thầu đã phát hiện tới 25 nghìn m2 mặt đường QL1 xuất hiện vệt hằn bánh xe. Ngay lập tức, đơn vị đã cử Phó Tổng giám đốc trực tiếp “ăn ngủ” tại hiện trường điều hành công tác khắc phục hằn lún.

Ông Trần Văn Thịnh, Phó Tổng giám đốc Trùng Phương cho biết: “Ban đầu vì cho rằng chất lượng BTN ở đoạn bị hằn lún có vấn đề nên đơn vị đã quyết định chi gần 2 tỷ đồng cào bóc thảm lại 7 nghìn m2 mặt đường có hằn lún ở độ sâu trên 2,5 cm. Thế nhưng, được vài ngày, hằn lún lại tái xuất hiện trên lớp mới thảm khiến chúng tôi lâm vào cảnh bế tắc, không sửa thì đường hỏng, sửa rồi đường vẫn hằn lún”.

Đầu tháng 7, sau khi đoàn công tác của Bộ GTVT vào kiểm tra hiện trường và đưa ra những chỉ dẫn cụ thể về công tác khắc phục HLVBX, Trùng Phương mới bắt đầu tiến hành thử nghiệm các mẫu BTN khác nhau. Gần một tháng qua, đơn vị này đã tiến hành cào tạo phẳng toàn bộ các vị trí xuất hiện hằn lún với độ sâu từ 1 cm trở lên. Đồng thời, Trùng Phương chi gần 1 tỷ đồng tiến hành thảm thử nghiệm sửa chữa các đoạn BTN có sử dụng phụ gia với sự hỗ trợ, kiểm soát trực tiếp của các chuyên gia Trường Đại học GTVT nhằm tăng cường khả năng chịu nhiệt, chịu lực của lớp bê tông nhựa bề mặt.

Ông Thịnh cho biết thêm: “Đoạn thử nghiệm không sử dụng phụ gia đã có hiện tượng nổi nhựa, trong khi đoạn sử dụng phụ gia với cấp phối hạt tương tự vẫn tốt. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi đoạn thử nghiệm trong những ngày nắng nóng, nếu may mắn tìm ra được mẫu BTN kháng được hằn lún thì sẽ dùng cấp phối đó để tiến hành thảm sửa chữa đại trà”.

Thực tế cho thấy, tình trạng hằn lún xảy ra nhanh và nghiêm trọng nhất diễn ra tại hai đoạn tuyến gồm: QL1 phía Nam TP Ninh Bình và đoạn Tránh thị trấn Kỳ Anh do cùng một đơn vị là nhà thầu Xuân Trường thi công. Theo thống kê của nhà thầu này, tổng số đoạn bị hằn lún đã lên đến 5,5/41,6 km, mức độ hằn lún trung bình từ 2,5 – 5 cm. Quá trình thi công dự án, nhà thầu Xuân Trường đã chủ động thuê tư vấn giám sát độc lập, thuê chuyên gia thiết kế tỷ phối BTN kháng hằn lún, thế nhưng đường làm xong vẫn xảy ra hằn lún khiến đơn vị không khỏi đau đầu.

Ông Đỗ Thành Chung, Phó Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường cho biết: “Để đảm bảo ATGT trên tuyến, theo chỉ đạo của Bộ GTVT, đơn vị đã cào tạo phẳng tất cả các vị trí HLVBX, đồng thời tiến hành cào bóc, thảm lại lớp BTN bề mặt bằng BTN polymer ở những đoạn hằn lún trên 2,5 cm. Ngoài ra, đơn vị phối hợp với Trường Đại học GTVT rải thử nghiệm đoạn tuyến dài 500m bằng BTN có phụ gia tăng khả năng chịu nhiệt của lớp BTN bề mặt. Ước tổng kinh phí đơn vị đã bỏ ra để sửa chữa hằn lún tại tuyến tránh Kỳ Anh hiện cũng lên đến gần 5 tỷ đồng”.

Văn Thanh/ Báo Giao Thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP