Chúng tôi tìm về xóm Quyết Thắng, xã Quỳnh Bảng (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) vào một chiều mưa tầm tã. Hỏi thăm nhà cô bé Nguyễn Thị Thúy (SN 2000) vừa thi đỗ vào Trường Đại học Y Khoa Vinh không ai là không biết. Thúy có nước da trắng, dáng người mảnh mai và khuôn mặt ưa nhìn.
Mẹ của Thúy là chị Đậu Thị Thu (SN 1975), năm 1999 chị Thu lập gia đình với anh Nguyễn Thành Trung (người cùng xã). Anh chị có với nhau ba cô con gái. Thúy là con gái đầu, sau Thúy còn có em Nguyễn Thị Phương (SN 2004), Nguyễn Thị Liên (SN 2001). Cuộc sống tuy nghèo nhưng ấm êm.
Theo giấy hẹn, ngày 18/8 này Thúy sẽ phải vào Trường Đại học Y Khoa Vinh làm thủ tục nhập học, nhưng chị Thu (mẹ của Thúy) không một xu dính túi. |
Thúy luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. |
Rồi một ngày định mệnh tháng 7 năm 2005, chị Thu đang làm đồng thì hay tin sét đánh, chồng chị - anh Trung bị tai nạn giao thông thiệt mạng ngay tại chỗ. Trời đất như quay cuồng, chị Thu ngất lên ngất xuống, không còn biết gì nữa. Lúc tỉnh lại chị ôm con thơ vào lòng khóc nghẹn. Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, 62 tuổi (chị gái bên chồng chị Thu) nhớ lại: “Lúc bố nó bị tai nạn mất, cái Thúy mới lên 5, cái Liên lên 4, còn con út thì chưa kịp cai sữa”.
Mất đi người chồng, người cha, mẹ con chị Thu nương vào nhau sống lay lắt qua ngày. Vậy mà sóng gió vẫn chưa yên, chỉ 2 năm sau ngày chồng mất, con gái út khi ấy đang chập chững biết đi thì gặp tai nạn.
“Chiếc xe máy kéo lê em một đoạn mới chịu dừng. Máu ra nhiều lắm, vừa nhập bệnh viện huyện, em liền được chuyển lên tuyến tỉnh. May mắn thoát chết nhưng Phương phải mang trên mặt tới 20 mũi khâu, sẹo chồng lên sẹo”, chị Thu nhớ lại giây phút kinh hoàng.
Bao hoạn nạn ập đến, chị Thu một mình tất tả, gánh gồng nuôi con. Một năm hai mùa lúa, chị còn quay sang nuôi lợn đẻ. Thế mà cái đói, cái nghèo cứ bám riết, bủa vây. Năm này qua năm khác, cứ đến kỳ bình xét hộ nghèo, hộ gia đình chị Thu lại đứng đầu danh sách.
Căn nhà cũ của gia đình chị Thu giờ làm nơi nấu ăn . |
Mẹ con chị Thu dùng căn nhà cũ để là nơi vừa sinh hoạt, nấu ăn hàng ngày. Còn ngôi nhà mới, phải vay tiền ngân hàng để xây dựng thì giờ đang nợ. |
Căn nhà ba gian xập xệ chị Thu tích cóp, vay mượn mua lại của một người bà con từ năm 2008 đến nay đã xuống cấp trầm trọng. Mái ngói vỡ tạo ra những khoảng trống ngó lên thấu trời. Gỗ hoành bị mối mọt ăn mục nát. Bốn bức tường vôi bị bong tróc từng mảng, tựa như một cơ thể ghẻ lở.
Hễ trời mưa, trong nhà lại như ngoài trời, mẹ con chị Thu lại dắt díu nhau qua hàng xóm tá túc. Lo sợ mùa mưa bão đến gần, nhà có thể bị sập bất kể lúc nào. Chị Thu liều đến ngân hàng chính sách xã hội vay 70 triệu đồng, gõ cửa anh em họ hàng vay thêm 70 triệu đồng nữa dựng lại mái nhà.
Gia cảnh éo le, tương lai giảng đường đại học với em Thúy đang mờ mịt. |
Giữa ngổn ngang bộn bề của cuộc sống, các con của chị Thu từ lớn đến bé đều vượt khó vươn lên, đặc biệt cô con gái đầu Nguyễn Thị Thúy. Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Thúy đã đỗ vào Trường Đại học Y Khoa Vinh (ngành Y đa khoa) với số điểm 20,5 khối B (Toán 6, Hóa 7, Sinh 7,5 điểm - chưa cộng điểm ưu tiên, trong khi đó điểm chuẩn trúng tuyển NV1 là 20,75).
Mọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm đối với em Nguyễn Thị Thúy, xin vui lòng liên hệ theo số điện thoại của em: 0166 2927 102. Trân trọng!
Con gái đỗ vào trường đại học yêu thích, chị Thu mừng lắm. Thế nhưng niềm vui mừng chưa kịp cất cánh thì nỗi buồn lo đã vội ập đến. Tiền đâu cho con ăn học những 6 năm? Trong khi kinh tế gia đình chỉ biết nhìn vào vẻn vẹn 3 sào lúa và mấy con lợn. Tiền làm nhà đang nợ chồng lên nợ.
“Các em của Thúy, một đứa chuẩn bị bước vào 12, một đứa chuẩn bị vào lớp 9, mà đứa nào cũng ngoan, cũng học giỏi. Giờ bắt chúng bỏ học chị đau như cắt từng khúc ruột, mà nuôi cả ba thì thực sự chị không đủ sức nữa rồi”, chị Thu giơ cánh tay gạt ngang dòng nước mắt mặn chát đang chực trào ra trên khóe mắt.
Người đàn bà vốn dĩ già hơn tuổi thật của mình, nay như già thêm ra vì những đêm thức trắng nghĩ về con, thương con và thầm trách mình không lo được cho con. Được biết, theo giấy hẹn, ngày 18/8 này Thúy sẽ phải vào Trường Đại học Y Khoa Vinh làm thủ tục nhập học, nhưng chị Thu không một xu dính túi, chị cũng không biết nhìn vào đâu để xoay đủ số tiền hơn chục triệu nộp học cho Thúy, còn về lâu dài thì... Tương lai ảm đạm và xám xịt, khiến cô bé Thúy vốn rắn rỏi, kiên gan cũng thấy nản lòng!
|
Hàng ngày Thúy vẫn luôn chăm chỉ việc nhà, giúp mẹ, giúp em làm các công việc như cho lợn ăn, nấu cơm... |
Thúy lần giở tờ giấy báo nhập học nâng niu, ve vuốt, rồi gấp lại nguyên nếp gấp cho vào túi đựng cất cẩn thận. Đôi mắt em ánh lên một nỗi buồn sâu thẳm. Thúy trải lòng: “Với lực học của Liên, em biết mẹ đang lo nghĩ, em ấy sẽ còn học lên nữa. Nếu cả hai chị em em đều đi học, mẹ sẽ không kham nổi. Em thương mẹ, thương em nhưng em muốn đi học lắm. Từ nhỏ em đã ước mơ được làm bác sĩ chữa bệnh cứu người. Nhưng em đi học, mẹ em không biết sẽ xoay sở ra sao?”.
|
Do căn nhà cũ đã quá mục nát, nên chị quyết "liều" vay tiền ngân hàng và vay mượn anh em, bà con dựng lại căn nhà mới nhưng giờ đang nợ mà chưa biết khi nào có thể trả. |
Bà Nhung (bác của Thúy) ngậm ngùi: “Cháu nó ham học mà giờ phải bỏ giữa chừng, thương lắm! Nhưng anh em nội ngoại ai cũng khó khăn, chẳng giúp được gì nhiều”.
Cô Hồ Thị Liên, giáo viên chủ nhiệm của Thúy năm học lớp 11 và 12 chia sẻ: “Thúy là một học sinh ngoan hiền, các bạn trong lớp ai cũng quý mến. Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mất sớm, một mình mẹ bươn chải nuôi ba chị em ăn học nhưng em ấy luôn nỗ lực vượt khó. Em học đều các môn, điểm tổng kết luôn dẫn đầu cả lớp. Đặc biệt trong ba năm học liên tiếp Thúy đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện”.
|
Chính quyền địa phương xác nhận, gia đình chị Thu là đúng sự thật và hộ nghèo liên tục trong nhiều năm qua. |
Thúy đang đến rất gần cánh cửa chạm vào ước mơ của mình, nhưng vì hoàn cảnh nghèo khó, cánh cửa ấy rất có thể sẽ đóng lại, vĩnh viễn! Giá như phép nhiệm màu sẽ đến với em, dù chỉ một lần, một lần thôi!
Tác giả: Nguyễn Duy - Xuyến Chi
Nguồn tin: Báo Dân trí