UBND thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) gửi công văn đến Phòng GD-ĐT yêu cầu các cơ sở mầm non, tiểu học, THCS đóng trên địa bàn với nội dung: Điều động cán bộ, giáo viên nữ tham gia phục vụ tại các dịp lễ lớn.
Tuy nhiên, khi văn bản bị lạm dụng, việc thực hiện bị biến tướng, các giáo viên bức xúc phản ánh, họ không chỉ tham gia làm lễ tân trong các dịp lễ lớn mà còn phải làm “lễ tân” tại các cuộc liên hoan, ăn uống, thậm chí hát hò của cán bộ cấp trên và những vị khách của lãnh đạo thị xã.
Bên hành lang QH, PV báo Người Đưa Tin đã trao đổi với ĐB Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội xung quanh vấn đề này.
ĐB Phạm Tất Thắng. |
Về việc giáo viên bị điều động đi tiếp khách ở nhà hàng, quán hát, ông có bình luận như thế nào?
Tôi cho rằng, đấy là việc làm không nên và hết sức phản cảm. Nhiệm vụ của giáo viên là dạy học chứ không phải đi tiếp khách. Đặc biệt, giáo viên là người luôn cần giữ hình ảnh trước học trò, phụ huynh và xã hội.
Việc điều đi tiếp khách không loại trừ nhân một lễ kỷ niệm – làm lễ tân đón tiếp, hướng dẫn mời khách tiếp là bình thường. Nhưng, việc điều đến cả những nhà hàng để phục vụ ăn uống hay quán karaoke thì rất phản cảm, làm xấu hình ảnh mô phạm của người giáo viên.
Nếu việc điều động này lại thực hiện thông qua một văn bản chính thức thì càng không được.
Mới đây, khi trả lời phỏng vấn của báo Người Đưa Tin, vị Trưởng phòng GD thị xã Hồng Lĩnh nói không biết “lễ tân” là thế nào. Ông đánh giá sao về ứng xử của người lãnh đạo trong những trường hợp như thế này?
Bản thân một người giữ chức vụ lãnh đạo – là Trưởng phòng Giáo dục mà nói không hiểu thế nào là lễ tân thì khó chấp nhận, vì đó chỉ là những kiến thức sơ đẳng của xã hội. Câu nói như vậy tôi thấy hơi buồn cười và thiếu trách nhiệm.
Hơn nữa, Trưởng phòng Giáo dục quản lý chung toàn bộ giáo viên trên địa bàn thị xã thì hơn ai hết, ông cần phải biết giáo viên của mình bị điều động đi đâu và làm những việc gì. Thêm nữa, thực hiện văn bản của cấp trên để điều quân đi làm một việc gì mà nói không biết lễ tân là khó chấp nhận.
Theo ông, trách nhiệm của cơ quan chức năng và xử lý như thế nào trong sự việc như thế này?
Thực ra, nếu văn bản điều động cho một việc chính đáng thì không có vấn đề gì vì văn bản cũng chỉ là một công cụ quản lý. Khi người có thẩm quyền ra một văn bản cần thể hiện được yêu cầu công việc qua văn bản ấy và đó là việc cần thiết.
Nhưng khi văn bản bị biến tướng bởi những người thực hiện, làm méo mó nội dung văn bản thì cần phải xem lại. Thêm nữa, việc biến tướng này lại xảy ra với đội ngũ giáo viên – là những người cần phải giữ gìn hình ảnh trước xã hội là hết sức đáng tiếc.
Người đứng đầu một thị xã đương nhiên phải hiểu điều này. Người đứng đầu ký văn bản cho cấp dưới thực hiện một việc gì thì phải chịu trách nhiệm về việc cấp dưới của mình thực hiện văn bản đó như thế nào.
Theo tôi, cần xử lý nghiêm trường hợp này vì rõ ràng, đó là hành vi không nên làm. Hơn thế, đây cũng là phạm trù đạo đức, văn hóa. Bản thân người ra văn bản cũng phải rút kinh nghiệm để không ra những văn bản tiếp theo dễ khiến người thực hiện lạm dụng. Còn những người thực hiện văn bản dù vô tình hay hữu ý cũng phải rút kinh nghiệm sâu sắc.
Người ra văn bản phải có trách nhiệm trong việc phân công người giám sát thực hiện văn bản do mình ký, không thể để tình trạng giáo viên bị điều động làm những công việc phản cảm trong một thời gian dài như vậy.
Việc điều động đối tượng giáo viên là đặc biệt, lại điều động họ làm những công việc đặc biệt thì rất phản cảm. Bản thân cơ quan quản lý, lãnh đạo địa phương phải ý thức được việc giữ gìn hình ảnh cho họ. Việc làm này đã làm xấu hình ảnh người giáo viên và tôi thấy không thể chấp nhận được.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thu Dương (thực hiện)