Ngoài những công việc mà bất cứ người phụ nữ nào phải cũng phải gánh vác (việc nội trợ và kinh tế) thì các cô giáo ở đây còn phải đáp ứng tham gia đầy đủ các “sự kiện văn hóa, chính trị trên địa bàn” bằng cách làm “lễ tân” trong những buổi tiệc hát hò, bia rượu mà phải coi công việc đó như một “nhiệm vụ”.
Đó cũng là câu chuyện đã làm dậy sóng dư luận những ngày qua: Nhiều lãnh đạo thị xã Hồng Lĩnh tỉnh Hà Tĩnh liên tục điều động cán bộ, giáo viên làm lễ tân, buộc các cô giáo trẻ phải tiếp khách trong những buổi tiệc tùng khiến nhiều người phẫn nộ.
Phòng GD&ĐT thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh).
Sự việc đó cũng đã được ông Lê Bá Thiềm – trưởng phòng GD&ĐT thị xã Hồng Lĩnh xác nhận rằng có sự điều động này và có việc các giáo viên nữ tham gia phục vụ tại các buổi lễ. Tuy nhiên, cùng với đó, ông khẳng định rằng trong các bữa tiệc, ai đó có hành động “không đẹp” thì cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống. Không có gì đáng lo!
Nhưng bản thân tôi lại thấy vô cùng đáng lo vì những suy nghĩ như trên của một cán bộ cốt cán trong ngành giáo dục của địa phương.
Đúng là “Thân em như hạt mưa sa/Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày”. Vẫn chỉ là “hạt mưa sa” thôi nhưng khi rơi vào chỗ “đài các”, được những nhân vật “vai vế giao nhiệm vụ thì “em” gắn liền với những mỹ từ như “lễ tân” hay “tham gia các sự kiện văn hóa, chính trị trên địa bàn”. Còn rơi ra “ruộng cày” thì “em” lại bị người đời vất cho hai chữ “tay vịn” cùng ánh mắt khinh bỉ.
Tôi tự hỏi không biết những “quan khách” có “đứng vững” trong các “sự kiện văn hóa chính trị” của thị xã Hồng Lĩnh hay không mà phải cần các cô giáo mầm non đến “tiếp đỡ”. Nếu đến mình còn không thể tự kiểm soát được bản thân thì sao có thể nắm giữ những chiếc “ghế” quan trọng trong bộ máy công quyền?
Quả thật, rất khó để đánh giá rạch ròi ai đúng ai sai trong sự việc này. Mỗi người có một quan điểm về đạo đức, tự trọng khác nhau, mỗi người có cái nhìn về nhân tình thế thái khác nhau.
Cũng giống như câu ca dao: “Thân em như cái giếng làng/ Người thanh rửa mặt, người phàm rửa chân” vậy. Người “thanh” thì cho rằng việc điều động giáo viên đi tiếp khách là chuyện không thể chấp nhận được nhưng với những kẻ phàm phu thì lại coi “đấy là chuyện bình thường trong cuộc sống”.
Bỗng dưng tôi thấy lo cho các thế hệ học sinh ở tỉnh Hà Tĩnh. Sẽ ra sao khi các em thấy những hình ảnh không được đẹp của người thầy hàng ngày dạy mình điều hay lẽ phải tại những quán ăn, quán hát? Sẽ ra sao khi các em phải chịu sự giáo dục, chi phối của kẻ “phàm”?
Bảo Trang
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả