Tên làng gắn liền với chiến tích
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làng K130 được gọi là làng Hạ Lội. Nơi đây có Quốc lộ 1A đi qua và có 1 chiếc cầu lớn bắc qua sông Già, đây lại là vùng thấp trũng, trống trải nên giặc Mỹ quyết tâm đánh phá nơi này hòng chia cắt hai miền đất nước, cắt đứt tuyến giao thông huyết mạch vào tiền tuyến lớn miền Nam. Vì vậy mảnh đất rộng chưa đầy 6km2 này đã phải chịu biết bao nhiêu bom đạn của giặc. Thế nhưng “địch đánh một, ta làm mười, địch đánh đường này, ta đi đường khác” và “địch đánh ngày, ta làm đêm, địch đánh đêm, ta làm ngày”.
Vào những tháng cuối năm 1968, thời kỳ ác liệt nhất của chiến lược chiến tranh phá hoại, quốc lộ 1A đoạn qua xã Tiến Lộc bị địch phá khiến giao thông tắc nghẽn, hệ thống cầu cống bị máy bay địch phá hủy hoàn toàn, xe chi viện cho tiền tuyến lớn bị đình trệ. Trước tình hình đó, cấp trên chỉ thị phải mở ngay một con đường xế để xe qua phà vượt sông tránh đường 1A, đoạn từ cầu Cổ Ngựa đến Cầu Già và xóm Hạ Lội chính là nơi cần phải mở đường xế.
Ông Phạm Tiến Ân – một nhân chứng lịch sử thời đó kể lại: “Khoảng 10h ngày 13/8/1968 thì phát lệnh tối hôm đó phải mở đường, nhận được lệnh, cả làng Hạ Lội sẵn sàng trong tư thế “xe chưa qua, nhà không tiếc”. Những gia đình nằm trên đường xe đi qua được dỡ và dời dọn trước. Nhà dời dọn đến đâu thì lực lượng công binh, bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong làm đường đến đó. Chỉ trong mấy tiếng đồng hồ 130 ngôi nhà đã được tháo dỡ. Đoạn đường dài 1,2km cơ bản hoàn thành. Nhân dân đã tự nguyện chặt tre, vác gỗ nhà mình và chuyển hàng trăm tấm phên xuống làm mố cầu. Cả xã cùng đổ dồn về Hạ Lội để cùng làm một con đường chở hàng vào Nam.
Đáng khâm phục nhất là hành động của cụ bà Đinh Thị Trí, lúc đó cụ đã ngoài 80 tuổi, chồng mất sớm, cụ sống độc thân, trong nhà không có vật gì cứng để làm đường, chỉ có 1 cỗ quan tài phòng khi về với Tổ tiên, khi nghe tin làm đường xe qua cụ đã hiến “báu vật” duy nhất của mình. Đến 3h sáng ngày hôm sau thì mọi công việc đã hoàn thành, chiếc xe đầu tiên đã chuyển bánh trên đường xế xuống phà và qua sông an toàn trong sự vui mừng, xúc động của quân và dân.
Để ghi nhớ sự hy sinh to lớn của của nhân dân chỉ trong một đêm dời dọn 130 ngôi nhà làm đường xế cho 130 chiếc xe chở hàng ra tiền tuyến, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đặt tên cho làng Hạ Lội là Làng K130 và chiến dịch vận chuyển này là chiến dịch K130. Từ đó, tên Làng K130 đã đi vào lịch sử như một trong những chiến tích hiển hách của nhân dân Hà Tĩnh nói riêng, cả nước nói chung. Làng K130 luôn phát huy tinh thần bất diệt năm xưa để xây dựng làng quê trong ngày nay.
Làng văn hóa
Ngày nay, con đường xế đã không còn nhưng tinh thần của thế trận lòng dân ngày ấy vẫn luôn được lưu truyền. Làng K130 đã được thay bằng một hình ảnh mới, một diện mạo mới. Những ngôi nhà ngói mới đỏ tươi đã được dựng xây trên nền đất cũ. Bây giờ đường vào Làng K130 là con đường bêtông rộng đẹp khang trang.
Mặc dù là xóm thuần nông nhưng nhân dân đã biết phát huy lợi thế để làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Ông Võ Tá Quang, Trưởng ban văn hóa xã Tiến Lộc cho biết: “Làng K130 luôn đi đầu trong các phong trào của xã, nhất là trong phát triển kinh tế, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao. Chính vì vậy mà làng được UBND tỉnh công nhận là làng văn hóa cấp tỉnh”.
Nhân dân Làng K130 luôn gìn giữ những giá trị văn hóa, những chiến tích lịch sử để lấy đó làm động lực cho công cuộc xây dựng nông thôn mới, kiến thiết quê hương ngày nay.
Ông Ân cho biết, hằng năm, đến ngày 13-8, dân trong làng đều ra Miếu Mướp (Thành Hoàng Làng) để tưởng niệm chiến công năm xưa.
“Trong chiến dịch làm đường xế, nhân dân đã lấy vật cứng trong miếu để làm đường và do giặc Mỹ ném bom nên miếu đã bị đánh phá, mặc dù chúng tôi đã đóng góp để tu sửa nhưng qua thời gian miếu đã xuống cấp. Nay nhân dân rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc tu bổ, sửa chữa miếu để góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của Làng K130”, ông Ân chia sẻ.
HẠNH NGUYÊN
Đại Đoàn Kết