Giáo dục

Điểm cao nhất từng môn THPT quốc gia 2019: Hà Giang vắng bóng hoàn toàn

Hà Giang là địa phương duy nhất không có một thí sinh nào đạt điểm cao nhất ở từng môn thi THPT quốc gia. Trong khi đó, Hà Nội và Bắc Ninh là hai tỉnh hiếm hoi có thí sinh giành điểm cao nhất ở 8/9 môn thi.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, GDCD, Vật lý, Hóa học, Sinh học và tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, cả nước tổng cộng có 1.270 điểm 10.

Nếu cộng cả số lượng điểm 10 ở các môn ngoại ngữ còn lại (như tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nhật...), cả nước có tổng cộng 1.286 điểm 10.

Số lượng điểm 10 tập trung chủ yếu ở môn GDCD (784 bài đạt điểm 10, chiếm khoảng 61,7%), tiếng Anh (299 bài, chiếm 23,5%), Lịch sử (80 bài, 6,3%), Địa lý (42 bài, 3,3%).

Môn Toán và Hóa học có số lượng điểm 10 khá khiêm tốn. Mỗi môn chỉ có 12 bài thi đạt điểm 10 (chiếm 0,94%). Trong khi đó, môn Vật lý có đúng 2 điểm 10 và môn Ngữ văn không có điểm 10 nào (điểm cao nhất là 9,5).

Đặc biệt trong số 1.270 điểm 10, chỉ có 7 thí sinh đạt 2 điểm 10 (bao gồm 3 người thuộc cụm thi Sở GD&ĐT Phú Thọ, 4 thí sinh đạt kết quả ấn tượng còn lại thuộc cụm thi Sở GD&ĐT Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Bình và Đồng Nai).

Biểu đồ phân bố theo tỉnh tổng số lượng thí sinh đạt điểm cao nhất ở từng môn thi THPT quốc gia 2019.

Theo thống kê của báo Dân trí về số lượng thí sinh được điểm cao nhất từng môn (điểm 10 ở các môn Toán, Ngoại ngữ, Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, GDCD và điểm 9,5 ở môn Ngữ văn), Hà Nội và Bắc Ninh là hai tỉnh hiếm hoi có thí sinh giành điểm cao nhất ở 8/9 môn thi.

Hà Nội cũng là cụm thi có số lượng bài thi đạt điểm 10 từng môn nhiều nhất. TPHCM, Hải Phòng, Phú Thọ lần lượt xếp các vị trí tiếp theo.

Trong khi đó, ở phía ngược lại, Hà Giang là cụm thi duy nhất không có thí sinh nào nằm trong nhóm đạt điểm cao nhất.

Nếu như điểm 10 Vật lý chỉ xuất hiện hiếm hoi ở Hà Nội và Bắc Ninh (mỗi địa phương có 1 thí sinh) thì môn Giáo dục công dân lại khá "ưu đãi" các tỉnh/thành khi có đến 60/63 cụm thi có thí sinh đạt điểm tối đa (ngoại trừ Hà Giang, Quảng Ngãi, Kon Tum).

Trong danh sách 12 điểm 10 môn Toán, Hưng Yên tỏ ra vượt trội với 4 thí sinh đạt điểm tối đa. Tiếp theo là Hà Nội (2 điểm 10) và Phú Thọ, Bắc Ninh, Nghệ An, Ninh Thuận, Tây Ninh và Đồng Nai (mỗi địa phương có 1 điểm 10).

Ở môn Ngữ văn, đây là môn thi duy nhất tại kỳ thi THPT quốc gia năm nay mà không một thí sinh nào giành được điểm tuyệt đối. Với số điểm 9,5 là cao nhất, Nghệ An dường như không có đối thủ khi có đến 10/17 thí sinh giành được điểm số này. Tiếp theo là Cần Thơ (3 thí sinh), Quảng Nam (2 thí sinh), Bình Định và Bắc Ninh (1 thí sinh).

Đây cũng là môn duy nhất mà Hà Nội không góp tên thí sinh nào trong danh sách đạt điểm cao nhất.

Trong 315 điểm 10 môn Ngoại ngữ (bao gồm 299 điểm 10 tiếng Anh và 16 điểm 10 tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nhật...), Hà Nội, TPHCM và Hải Phòng là những cụm thi có số thí sinh giành điểm 10 nhiều nhất với số lượng lần lượt là 113, 94, 18.

Môn Vật lý là môn thi trắc nghiệm "khó nhằn" nhất với các thí sinh khi duy nhất 2 thí sinh ở Hà Nội và Bắc Ninh đạt được điểm 10 tuyệt đối.

Điểm 10 môn Hóa học chia khá đều cho các địa phương khi có 11 cụm thi có thí sinh đạt điểm tối đa. Thái Bình là địa phương duy nhất có 2 điểm 10 Hóa học.

Sinh học cũng là môn thi mà Hà Nội có nhiều thí sinh đạt điểm tối đa nhất (6/39 thí sinh). Tiếp theo là TPHCM và Tiền Giang (5 thí sinh), Phú Thọ (4), Hà Tĩnh và Đồng Nai (3 thí sinh).

Trong 42 điểm 10 môn Địa lý, Phú Thọ có số lượng thí sinh đạt điểm tối đa nhiều nhất (6 thí sinh). Tiếp theo là Vĩnh Phúc (5 người), Hà Tĩnh (4) và Điện Biên (3).

Số lượng địa phương có thí sinh giành điểm tối đa môn Lịch sử khá nhiều (40/63 tỉnh thành). Hà Nội tiếp tục dẫn đầu về số lượng với 6 thí sinh đạt điểm 10 Lịch sử. Tiếp theo là 4 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc và Phú Thọ (4 người).

Giáo dục công dân được coi là môn hào phóng điểm 10 nhất tại kỳ thi THPT quốc gia năm nay (784 bài đạt điểm 10, chiếm khoảng 61,7% tổng số lượng điểm 10).

Trong tổng số 60/63 tỉnh thành có thí sinh đạt điểm tối đa môn GDCD, Hải Phòng chiếm số lượng nhiều nhất (60 thí sinh), tiếp theo là Phú Thọ (58 thí sinh), An Giang (36), Ninh Bình (34)...

Về tổng thể, mặc dù có nhiều thí sinh đạt điểm tối đa nhất nhưng Hà Nội hay TPHCM lại không phải là địa phương có điểm trung bình chung các môn thi THPT quốc gia cao nhất.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, điểm trung bình chung các môn thi THPT quốc gia 2019 dẫn đầu cả nước vẫn thuộc 2 tỉnh truyền thống hàng năm là Nam Định và Hà Nam.

Cụ thể, Nam Định môn có điểm trung bình cao nhất là Toán (điểm trung bình là 6,25) và Hóa điểm trung bình là 5,94.

Hà Nam, thí sinh có điểm trung bình là 5,89, trong đó dẫn đầu là 3 môn Văn (6,3), Lịch Sử (4,9), Địa lý (6,49).

Tiếp đến là các tỉnh Ninh Bình có điểm trung bình là 5,8; Bình Dương 5,8, TP.HCM 5,8; Vĩnh Phúc 5,7, An Giang 5,7; Hải Phòng 5,7, Bạc Liêu 5,6, Hà Nội 5,50 điểm…

3 tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình gian lận điểm thi gây chấn động năm 2018 là những địa phương có điểm trung bình thấp nhất cả nước ở các môn toán, ngoại ngữ, lịch sử, địa lý, hóa, sinh. Cụ thể, Hòa Bình là 4,6 điểm; Hà Giang là 4,3 điểm còn Sơn La là 4,1.

Thậm chí điểm của Sơn La, Hà Giang thấp hơn cả Hòa Bình. Ví dụ: Môn Toán, điểm trung bình môn toán của toàn quốc là 5,64 thì Sơn La điểm trung bình là 3,5 điểm, Hà Giang là 3,69, Hòa Bình là 4,13 điểm.

Môn Ngữ Văn, điểm trung bình toàn quốc là 5,5 thì điểm trung bình của 3 tỉnh này chỉ đạt từ 3,6 đến 4,6 điểm.

Tác giả: Vũ Phong

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP