Đồ họa: NGỌC THÀNH |
Ý: 229 người nhiễm COVID-19, 11 thị trấn bị phong tỏa
Đã có thêm 10 người dương tính với virus corona chủng mới đã được ghi nhận tại Ý trong ngày 24-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên con số 229, biến Ý trở thành nước có người nhiễm COVID-19 nhiều nhất châu Âu.
Ông Bruno Borelli, một quan chức của chính phủ Ý, xác nhận con số trên và cho biết số ca nhiễm mới trong ngày 24-2 có giảm so với những ngày trước đó. 6 trong 7 ca tử vong ở Ý xảy ra tại vùng Lombardy phía bắc nước này.
11 thị trấn với khoảng 50.000 dân đang bị phong tỏa trong nỗ lực kiềm chế dịch lây lan. Chính quyền đã ra lệnh cấm tụ tập đông người và đóng cửa các địa điểm vui chơi công cộng, trường học.
Thị trưởng thành phố Milan, ông Capppe Sala, kêu gọi mọi người giữ bình tĩnh và kiềm chế, không nên đến đổ xô đến siêu thị gom thực phẩm. "Chúng ta nên dành thời gian chăm sóc những người dễ bị tổn thương nhất, chẳng hạn như người già, những người đặc biệt có nguy cơ cao", ông Sala kêu gọi.
Có hơn 7 triệu người ở Ý trên 75 tuổi.
Các kệ hàng trống trơn trong một siêu thị ở thành phố Pioltello thuộc vùng Lombardy ngày 24-2 - Ảnh: REUTERS |
Số người chết giảm, số ca nhiễm tăng nhẹ ở Trung Quốc
Hãng tin Reuters dẫn số liệu được Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố sáng 25-2 cho thấy tính đến cuối ngày 24-2 đã có thêm 71 người chết vì dịch COVID-19 tại Trung Quốc đại lục, giảm gần một nửa so với con số 150 người của ngày 23-2.
Số ca nhiễm mới trên toàn Trung Quốc đại lục là 508 người, tăng nhẹ so với con số 409 của ngày 23-2. Tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc đại lục tính tới cuối ngày 24-2 là 77.658, tổng số ca tử vong là 2.663.
Tâm dịch Hồ Bắc vẫn chiếm phần lớn số ca nhiễm và tử vong mới của Trung Quốc với 499 ca nhiễm mới và 68 ca tử vong trong ngày 24-2.
Đồ họa: NGỌC THÀNH |
Chuyên gia WHO đến Vũ Hán: Số liệu giảm là thật
"Tôi biết nhiều người nhìn vào các con số ở Trung Quốc và hỏi điều thật sự đang xảy ra là gì?", ông Bruce Aylward, người đứng đầu nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tới Trung Quốc nhấn mạnh trong cuộc họp báo tối 24-2.
Nhóm của ông Aylward đã đến Vũ Hán - tâm dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona ( COVID-19 ) hồi tuần trước. "Rất nhiều nguồn cùng chỉ ra một điều. Các ca nhiễm mới đang giảm nhờ vào các biện pháp đang thực hiện", ông Aylward khẳng định trong cuộc họp báo chung với Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC).
Vị chuyên gia của WHO ca ngợi quyết định phong tỏa Vũ Hán của Trung Quốc, nhấn mạnh nếu không nhờ điều này COVID-19 đã lan rộng ra toàn thế giới.
"Cả thế giới mắc nợ Trung Quốc. Thế giới cần những kinh nghiệm từ Trung Quốc để chiến thắng dịch bệnh này. Không quốc gia nào có nhiều kinh nghiệm đối phó với COVID-19 như Trung Quốc", báo South China Morning Post dẫn lời ông Aylward nhấn mạnh.
Chuyên gia Bruce Aylward của WHO trong cuộc họp báo tối muộn 24-2 - Ảnh: SCMP |
Trung Quốc: "Virus corona mới vẫn chưa đột biến"
Ông Liang Wannian, người dẫn dắt nhóm chuyên gia của NHC tháp tùng các chuyên gia WHO đang ở Trung Quốc, khẳng định virus corona mới vẫn chưa đột biến. Ông này cũng cho biết nghiên cứu cũng cho thấy dơi là vật chủ có khả năng nhất và nó có thể đã được truyền sang cầy hương trước khi lây sang người.
Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã họp vào ngày 24-2 và thông qua đề xuất cấm buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã.
Iran tự chế bộ xét nghiệm COVID-19
Hãng thông tấn Fars dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Iran cho biết các chuyên gia và nhà khoa học của cơ quan này đã chế tạo thành công bộ xét nghiệm virus corona mới trong bối cảnh nước này đang trở thành tâm dịch của Trung Đông.
Theo Fars, bộ xét nghiệm virus nói trên đã bắt đầu được sản xuất đại trà sau khi trải qua tất cả các quy trình kiểm nghiệm và thẩm định cần thiết về độ chính xác. Iran được đánh giá là một trong 5 nước đứng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ sinh học.
Ông Trump trấn an, nói COVID-19 đang được kiểm soát tốt ở Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có động thái trấn an dư luận khi khẳng định trên Twitter cá nhân dịch COVID-19 đang được kiểm soát tốt ở Mỹ. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, tính đến ngày 24-2 đã ghi nhận 53 trường hợp nhiễm bệnh ở nước này, trong đó có 14 trường hợp lây nhiễm trên đất Mỹ và 39 trường hợp là người được sơ tán từ nước ngoài.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã phản ứng tiêu cực trước thông tin dịch bệnh lan rộng và bùng phát mạnh ở các nước trong phiên giao dịch ngày 24-2.
Các chỉ số chính như Dow Jones, Nasdaq Composite và S&P 500 đều mất điểm trong phiên mở màn. Riêng chỉ số Dow Jones mất tới 1.031 điểm, mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua, theo Hãng thông tấn AP.
Liên minh châu Âu góp 124 triệu USD cho WHO chống dịch COVID-19
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 24-2 thông báo đã đóng góp 124 triệu USD cho kế hoạch phản ứng khẩn cấp với dịch bệnh COVID-19 của WHO. Đây là khoản đóng góp lớn nhất mà WHO nhận được kể từ khi lên tiếng kêu gọi các nước hỗ trợ hơn 600 triệu USD cho cuộc chiến chống COVID-19 tại các nước nghèo.
"Gói viện trợ của chúng tôi sẽ hỗ trợ WHO và đảm bảo rằng sẽ không có nước nghèo nào bị bỏ lại. Mục tiêu của chúng tôi là ngăn chặn dịch bệnh bùng phát cấp độ toàn cầu", ông Janez Lenarcic, một quan chức thuộc EC nhấn mạnh.
Đồ họa: NGỌC THÀNH |
Tác giả: DUY LINH
Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ