Di tích - Thắng cảnh

Đền thờ Hoàng hậu Bạch Ngọc ở huyện Đức Thọ: Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia đã thành phế tích

Đền thờ Hoàng hậu Bạch Ngọc ở xã Liên Minh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh tồn tại lâu đời, được Bộ VH-TT&DL cấp Bằng Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia năm 2008. Đến nay, khu di tích này trở thành hoang phế. Người dân phản ảnh rất nhiều đến các ngành chức năng từ địa phương tới Trung ương. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam về hội thảo nhưng chính quyền địa phương vẫn vô cảm, phớt lờ…

hatinh24h

Bài 1: Chuyện “chiếu dời đô” ở một vùng quê

Nhận nhiều đơn thư phản ánh, kêu cứu “Di tích lịch sử cấp quốc gia đã trở thành phế tích” chúng tôi về xã Liên Minh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh cùng một nhà khoa học thế giới và một nhà nghiên cứu văn hóa. Đúng như nội dung đơn thư, 13 sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam phong tặng Hoàng hậu Bạch Ngọc được cụ Trần Ngọc Cận, 80 tuổi ở thôn Yên Mỹ, xã Liên Minh, huyện Đức Thọ cất giấu bảo quản từ lâu đời đã bị một nhóm người trả giá 500.000 đồng để chiếm dụng. Theo các tư liệu Pháp văn, Hán Nôm cùng nhiều tài liệu khác và sử sách để lại thì Hoàng hậu Bạch Ngọc tên thật là Trần Thị Ngọc Hào, con gái ông Trần Công Nhu ở làng Tri Bản, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Thời con gái, bà nổi tiếng tài sắc vẹn toàn. Một lần du sơn, gặp Vua Trần Duệ Tông (1373 – 1377) kéo quân đánh giặc ngoại xâm, được Vua cảm mến đưa về cung phong làm Hoàng hậu, đặt hiệu là Bạch Ngọc. Sau Vua Trần Duệ Tông dẫn quân đi đánh giặc bị chết dưới chân thành Chà Bàn, Thủ đô của Chăm Pa (nay thuộc tỉnh Bình Định). Vào cuối thế kỉ XIV, triều đại nhà Trần gặp nhiều khó khăn. Không có con trai, Hoàng hậu Bạch Ngọc cùng con gái Trần Thị Ngọc Hiền, tước hiệu là công chúa Huy Chân và cháu ngoại rời kinh thành Thăng Long về quê sinh sống. Về đến huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, Hoàng hậu Bạch Ngọc dừng lại ở chân núi Trà, núi Cốc. Bà cùng đoàn tùy tùng tiến hành chiêu dân lập ấp, khai khẩn đất hoang, xây dựng trang trại trên vùng đất hoang rộng 45 thôn, xã, trang ấp thiết lập trên địa bàn sáu tổng của bốn huyện: Hương Khê, Đức Thọ, Can Lộc, Hương Sơn. Năm 1424, Vua Lê Lợi kéo quân vào xứ Nghệ lấy vùng Hương Sơn lập căn cứ kháng chiến, xây dựng phòng tuyến chống giặc Minh. Ở đây, tướng Bùi Bị gặp rồi đưa Hoàng hậu Bạch Ngọc cùng công chúa Huy Chân về yết kiến nhà vua. Cảm phục tinh thần, ý chí, tính kiên trì và đầu óc sáng tạo của bà Bạch Ngọc, Lê Lợi và các tướng sĩ nghĩa quân lấy trang trại của bà làm hậu cứ. Vua Lê Lợi cầu hôn công chúa Huy Chân phong làm cung phi, bà Bạch Ngọc được phong Hoàng thái hậu Trang trại của bà trở thành nơi tích lũy nguồn lương thực to lớn, cung cấp quân lương và hậu cứ vững chắc cho Vua Lê Lợi tập trung sức lực kháng chiến chống quân Minh đến ngày toàn thắng.

Nguyện vọng cuối đời của Hoàng thái hậu Bạch Ngọc

Bà Trần Thị Ngọc Hào (Bạch Ngọc) có công lao to lớn đối với vương triều Lê vào thế kỉ XV. Cùng con gái là công chúa Huy Chân (Trần Thị Ngọc Hiền) và cháu ngoại là công chúa Trang Từ (Lê Thị Ngọc Châu), bà tập hợp dân chúng khai khẩn một vùng đất hoang rộng lớn thuộc bốn huyện. Trong giai đoạn Vua Trần Dụ Tông (1341- 1369) hoang dâm phóng túng, lười chính sự; Vua Nghệ Tông (1370-1372), Trần Phế Đế (1377-1388) không chú ý đến võ bị để quân Chiêm Thành nhiều lần vào tận kinh đô nổi loạn cuồng phong cướp bóc ở nhiều nơi (1371-1389); trong triều đình quan lại tham nhũng, thu gom ruộng đất về cho gia đình mình, khiến đời sống nhân dân khốn khổ, Hoàng hậu Bạch Ngọc cùng con gái và đoàn tùy tùng 572 người rút lui khỏi kinh thành đầy khổ ải. Các thành viên trong đoàn đều cải trang kiểu tu hành trốn khỏi kinh đô về quê sinh sống. Quá nhiều khó khăn nên khi về đến quê chỉ còn 172 người. Sau khi giúp Vua Lê Lợi đánh thắng quân Minh, Hoàng thái hậu Bạch Ngọc xây dựng chùa Diên Quang nằm trên đồi Am Sơn thuộc làng Phụng Công và chùa Tiên Lữ tại đồi Thạch Long làng Trung Phạm (sau đổi là Trung Hòa), thuộc xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh ngày nay.

Theo sử sách, Hoàng hậu Bạch Ngọc mất ngày 22-6 niên hiệu Hồng Đức (1460-1479), công chúa Huy Chân cũng mất trong thời kì này. Công chúa Trang Từ mất vào những năm thuộc niên hiệu Cảnh Thống đời vua Lê Hiến Tông (1498-1505). Công chúa Huy Chân có một con gái với vua Lê Lợi đặt tên là Ngọc Châu, tước hiệu là công chúa Trang Từ. Ngọc Châu lấy con trai của Bùi Bị tên là Bùi Ban là một anh hùng lừng danh trong cuộc chống quân Minh xâm lược tại vùng An – Tịnh. Ông được xếp vào hàng Công thần khai quốc, được vua ban tước Minh Quận công. Sau thời gian dài tu tại chùa, trước khi mất, Hoàng thái hậu Bạch Ngọc ước nguyện thi thể của bà được đem về an táng tại quê nội thuộc huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Khi đám tang của bà đi ngược dòng sông La về Hương Khê thì bất ngờ bị lốc xoáy nhấn chìm thuyền. Thi thể của Hoàng thái hậu trôi dạt vào vùng đất 9 mẫu thuộc thôn Yên Mỹ (nay thuộc xã Liên Minh, huyện Đức Thọ). Được tin báo, Vua Lê Thánh Tông cho an táng bà tại vùng đất thuộc thôn Yên Mỹ, lập đền thờ và giao trách nhiệm cho hai thôn Yên Mỹ, Yên Phú hương khói thờ cúng Hoàng thái hậu Bạch Ngọc. Đến 1874 (năm Giáp Tuất) vua Tự Đức “bình Tây diệt tả” dời đền thờ từ vùng đất chín mẫu về đất “Trùa” Yên Mỹ. Đến 1948, sáp nhập hai xã Yên Thái, Phượng Nghi thành xã Yên Thái. Thời kì này do ông Phạm Tiếp làm Bí thư Đảng ủy xã (người làng Thọ Tường) và ông Trần Thành, Chủ tịch Ủy ban lâm thời xã (người thôn Yên Mỹ, Yên Thái) bịa ra chuyện “hợp tự” nhằm tập trung cổ vật của bốn ngôi đền đưa về miếu Phượng Nghi ở Thọ Tường thờ chung, gồm: Đền thờ Trần Hoàng thái hậu, đền thờ Thượng tướng quân Nguyễn Tướng, đền thờ Tể tướng Quỳnh Quận công, Nhà thánh thờ Khổng phu tử. Khi xảy ra chuyện đập phá đền chùa, thu hồi sắc chỉ… người dân không đồng ý, phản đối đã xảy ra cuộc bắt bớ giam cầm một số người dân. Thời kì này do ông Lý Hoằng làm Chủ tịch xã và ông Trần Sỹ Nguyên làm Phó Chủ tịch UBND xã Phượng Nghi (Thọ Tường). Năm 1952 tách xã Yên Thái thành hai xã Phượng Nghi và Yên Thái. Lúc này nhân dân xã Yên Thái đòi lại tất cả cổ vật thì một số người ở thôn Thọ Tường, Phượng Nghi không trả. Đến năm 1977, tiếp tục nhập hai xã thành xã Liên Minh, cả bốn ngôi đền đều bị đập tan tành. Cây cổ thụ bị chặt phá. Khu di tích gồm bốn ngôi đền này bị hủy hoại hoàn toàn, người dân các thôn Yên Mỹ, Yên Thái, Thọ Tường bất đồng đồn thổi về chuyện mua thánh bán thần với 13 sắc phong chỉ có giá 500.000 đồng. Ông Trần Quốc Phẩm, Chủ tịch HĐND xã cho biết: “Đó là khoản tiền họ trả công cất giữ cho cụ Trần Ngọc Cận”. (Còn nữa)

Thiên Thanh – Tùng Lâm – Hải Đăng

NCT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP