Đưa lãi suất tiền gửi về 0%: Hướng dòng tiền vào các kênh có lợi?
Sáng 22/6, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Kinh tế Trung ương nêu đề xuất với nội dung hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0%/năm .
Theo đánh giá của VAFI, với lãi suất tiền gửi bằng VND trong ngắn hạn và trung hạn đang ở mức 3,5-6,2% là "rất cao" so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, đây được cho là một bất lợi lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng như đông đảo người tiêu dùng thuộc đối tượng thu nhập thấp và trung bình.
Lãi suất cao có nguyên nhân cơ bản là Việt Nam chưa có được hệ thống giải pháp để hướng dòng tiền tiết kiệm và dòng tiền nhàn rỗi vào các kênh đầu tư có lợi cho nền kinh tế thay vì thị trường bất động sản hay ngoại tệ.
VAFI cho rằng, Việt Nam có nhiều tiền đề khách quan vững chắc để hạ nhanh lãi suất tiền gửi về 0%: chính trị ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, xuất khẩu hỗ trợ thu ngoại tệ lớn, dự trữ ngoại hối tăng mạnh, hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán thời gian qua đều tăng trưởng mạnh bất chấp dịch Covid-19.
Đề xuất hạ lãi suất về 0% của VAFI khiến nhiều người dân lo ngại và gặp phải phản biện gay gắt từ giới chuyên gia (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn). |
Một đề xuất tưởng tượng trong phòng máy lạnh?
Sau đề xuất trên của VAFI, từ nước Anh, Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol (Anh) cho biết, việc hạ lãi suất tiền gửi mạnh về mức 0% có thể ngay lập tức khiến Việt Nam bị xem là có hành động can thiệp mạnh về chính sách tiền tệ để hạ giá đồng tiền thông qua điều chỉnh giảm lãi suất. Trong bối cảnh chúng ta đang bị quan sát về thao túng tiền tệ, đây sẽ là bước đi sai lầm làm gia tăng căng thẳng về vấn đề này.
Thứ hai, lãi suất tiền gửi giảm về 0% sẽ khiến tiền chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng, chuyển sang các kênh như vàng, ngoại tệ, cổ phiếu, đất đai, "đốt nóng" thị trường tài chính và bất động sản. Đây là hiện tượng được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảnh báo gần đây.
Ngoài ra, lãi suất cho vay phải được giữ ở mức cao vì nhiều lý do. Trong đó có việc giải quyết các khoản nợ xấu thông qua việc dùng lợi nhuận để bù đắp. Việc hạ lãi suất đầu vào nhưng tiền không đi vào hệ thống ngân hàng có thể chỉ làm tăng chi phí vốn chứ không tạo ra kết quả ngược lại.
Ông Tuấn cũng cho rằng, đề xuất hướng dòng tiền nhàn rỗi vào thị trường trái phiếu với lãi suất 2%/năm để đưa dần lãi suất tiền gửi về 0%cũng không có cơ sở khoa học và thực tiễn nào. Khi lãi suất tiền gửi bị đẩy về 0%, người dân có rất nhiều kênh có thể đạt mức sinh lời trên 2% nhưng rủi ro cao hơn như trái phiếu doanh nghiệp, cho vay không chính thức, cổ phiếu.
Vị chuyên gia bình luận, đây là một đề xuất " tưởng tượng trong phòng máy lạnh ", không có sự tham khảo thực tế về đầu tư cụ thể ở nước ngoài cũng như những nghiên cứu tài chính hành vi mới, thiếu hiểu biết về chính sách ưu đãi thuế cho đầu tư hưu trí.
Đồng thời, đề xuất này lập lờ về những con số vĩ mô kèm theo như lạm phát và thanh khoản thị trường, tỷ lệ tiền gửi so với cho vay, tỷ lệ tiết kiệm cao đột biến của các nước trong đại dịch Covid-19 so với Việt Nam.
"Việc chỉ nhìn vào con số lãi suất mà không đề cập đến nền tảng vĩ mô, cấu trúc xã hội, dân số, chính sách tiết kiệm và đầu tư là vô cùng thiếu sót. Hoặc đây là một đề xuất do thiếu hiểu biết, hoặc là do cố tình lập lờ để trục lợi chính sách" - ông Tuấn nhận xét.
Đưa lãi suất về 0% là không khả thi, gây nhiều rủi ro
Trao đổi với Dân trí về nội dung này, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng nhấn mạnh, đề xuất hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0% là không khả thi. Lý do là bởi, lãi suất tiền gửi ở Việt Nam hiện vẫn ở mức 4 - 5%/năm, nếu hạ lãi suất sẽ dẫn đến hiện tượng người dân ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng để đầu tư vào các kênh như chứng khoán, bất động sản.
Hơn nữa, chính sách này sẽ gây rủi ro cao cho nền kinh tế trong khi lạm phát ở Việt Nam vẫn ở mức cao, khoảng 4% trong năm nay. Nếu đưa lãi suất tiền gửi về 0%, điều này sẽ gây rúng động hệ thống tài chính, đưa đến khủng hoảng cho các ngân hàng, đặc biệt là về thanh khoản.
"Với các quốc gia đưa được lãi suất tiền gửi về 0% thường phải đảm bảo 2 yếu tố. Thứ nhất là tỷ lệ lạm phát thấp, thứ hai là ngân hàng không dựa quá nhiều vào nguồn huy động vốn trong dân. Đây là 2 điều kiện tiên quyết, nếu không, việc đưa lãi suất tiền gửi về 0% là không khả thi", ông Hiếu nói.
Ông Hiếu cũng cho rằng, thị trường trái phiếu ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ, không phổ biến với người dân. Người dân vẫn chưa biết nhiều đến thị trường trái phiếu, chủ yếu vẫn là các nhà đầu tư.
Mặt khác, thị trường trái phiếu ở Việt Nam mới nở rộ cách đây vài năm nên chưa có sự ổn định khi các nhà phát hành dùng lãi suất cao để hấp thụ vốn, đây là rủi ro rất lớn cho thị trường trái phiếu.
VAFI: Đề xuất này sẽ "thành công vang dội"
Tuy nhiên, trước những bình luận của giới chuyên gia, vào cuối giờ sáng ngày 23/6, VAFI một lần nữa khiến công luận sửng sốt với văn bản đáp trả, cho rằng, "tất cả ý kiến phản biện đều có chung một điểm duy nhất quan liêu, là không đọc toàn bộ văn bản của VAFI khi trả lời câu hỏi của báo giới".
Theo VAFI, sự phản đối xuất phát từ các lập luận như không thể hạ nhanh lãi suất xuống được trong bối cảnh lạm phát cao; hạ mạnh lãi suất thì hệ thống ngân hàng thiếu tiền khi dòng tiền nhàn rỗi đổ vào thị trường bất động sản, chứng khoán, kỹ thuật số, ngoại tệ… và như vậy làm mất ổn định thị trường tiền tệ.
Bên cạnh đó là các lo ngại như việc để người dân lao vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp là đầy nguy hiểm và rủi ro. Việc hạ mạnh lãi suất cũng sẽ gây lạm phát tăng cao…
Phía VAFI nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh hiện nay không còn dư địa để giảm lãi suất tiền gửi và không thể tiến hành hạ nhanh lãi suất tiền gửi nội tệ. Muốn làm được điều đó phải ban hành 5 giải pháp và trong đó ban hành Luật thuế tài sản để "khóa" kênh đầu cơ đất là điều kiện tiên quyết .
Sau khi có 5 giải pháp được ban hành, mới tiến hành thực hiện giảm lãi suất theo nhiều đợt với mục tiêu về 0%. Để có các văn bản như đề xuất thì thời gian tiến hành phải cần tới 2 năm nữa.
Ngân hàng thương mại huy động vốn trung dài hạn để cho vay trung dài hạn cần phải có ưu đãi và sự bảo đảm để người dân đầu tư vào thị trường trái phiếu do hệ thống ngân hàng phát hành với lãi suất mục tiêu 2%/năm trong khi lãi suất tiền gửi ngắn hạn là 0%/năm. Khoản đầu tư trái phiếu này phải an toàn như tiền gửi tiết kiệm.
"Tinh thần văn bản của chúng tôi như vậy chứ không phải khuyến nghị dân chúng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp mà không có bảo đảm tuyệt đối của Nhà nước" - VAFI lưu ý.
VAFI khẳng định, đề xuất đưa tiền gửi VND về 0% đã được nghiên cứu công phu từ lâu và hiệp hội này tin tưởng rằng sẽ " thành công vang dội ". Đồng thời nhấn mạnh: VAFI không phải là tổ chức chỉ gồm các học giả viển vông mà là các nhà đầu tư tài chính thực thụ, cảm nhận rõ nét từng chuyển động của thị trường tài chính, học hỏi kinh nghiệm quốc tế để khuyến nghị các cơ quan chính phủ ban hành chính sách".
Tác giả: Mai Chi
Nguồn tin: Báo Dân trí