Tin liên quan:
>> Tách nhập các cơ quan nông lâm nghiệp Hà Tĩnh: Sự thật như đùa
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn (gọi tắt là Công ty Hương Sơn) tiền thân là chi nhánh Quốc doanh Lâm khẩn Hà Tĩnh thành lập từ năm 1955 và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Chúc A (công ty Chúc A) tiền thân là lâm trường Chúc A thành lập từ năm 1960. Hai công ty có biên chế hơn 400 CBCNV, trong đó, Hương Sơn là 315 người, chưa kể số hợp đồng thời vụ, được giao quản lý, bảo vệ 60.824 ha rừng và đất lâm nghiệp (trong đó 33.352 ha rừng phòng hộ và gần 27.500 ha rừng kinh tế)…
Trước năm 2010, căn cứ vào kế hoạch của Bộ và phương án điều chế được duyệt, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Tĩnh tham mưu cho UBND tỉnh giao chỉ tiêu khai thác rừng và làm quy trình cấp giấy phép khai thác. Sau đó, chủ rừng tự tổ chức khai thác, chế biến, tiêu thụ và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định.
Phải khẳng định rằng, do được tự chủ sản xuất, kinh doanh nên kể từ khi thành lập cho đến cuối năm 2010, Công ty Hương Sơn và Chúc A luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, rừng luôn được đầu tư phát triển bền vững, được Trung ương, tỉnh đánh giá cao. Với bề dày thành tích Công ty Hương Sơn đã hai lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng vào các năm 1996 và 2003…
Năm 2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra Quyết định số 30/2011/QĐ-UBND, ngày 29/9/2010 về ban hành “Quy chế bán đấu giá cây đứng trong khai thác gỗ rừng tự nhiên” thì việc chuẩn bị rừng cho khai thác gỗ bị chậm lại. Mặc dù các công ty này đều được phê duyệt hồ sơ thiết kế và cấp giấy phép khai thác nhưng đến nay đều vẫn chưa triển khai khai thác gỗ theo kế hoạch năm 2011.
Các ý kiến của CBCNV hai công ty mà chúng tôi gặp gỡ, trao đổi đều chưa nhất trí thực hiện Quyết định số 30/2011/QĐ-UBND trên. Họ đều cho rằng: Do việc bán đấu giá cây đứng thực hiện thí điểm, liên quan đến quyền lợi của người lao động, và nhất là công tác bảo vệ rừng (BVR); trong lúc công tác chuẩn bị nóng vội, thực hiện trong thời gian ngắn, thiếu lộ trình nên việc thực thi rất lúng túng, gây bức xúc cho người chấp hành. Tư tưởng của CBCNV chưa thông…
Hệ lụy của chủ trương bán đấu giá cây đứng này đã làm ngưng trệ việc sản xuất, kinh doanh, khai thác, chế biến của các DN hơn một năm nay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tư tưởng, đời sống hàng trăm CBCNV hai công ty Hương Sơn và Chúc A. Trong lúc đó, nhu cầu hoạt động của các công ty, đặc biệt là kinh phí bảo vệ diện tích rừng nói trên theo quy định của Bộ Tài chính đề ra như năm 2011 thì cần phải có từ 6-8 tỷ đồng. Nhưng do không sản xuất nên công ty không có tiền để trang trải. Chưa kể các máy móc, thiết bị phục vụ khai thác, chế biến lâm sản đều bị hư hại do không hoạt động.
Hiện CNCNV chưa được trả lương đầy đủ, đời sống gặp nhiều khó khăn, các đơn vị phải cắt giảm nhân lực… Trong lúc họ vẫn phải thực hiện công tác bảo vệ hơn 60.824 ha rừng nhưng ngân sách nhà nước không đủ trang trải (nguồn của tỉnh hỗ trợ như muối bỏ bể). Các DN phải vay tiền ngân hàng và DN khác để BVR, thiết kế, thẩm định hồ sơ khai thác. Doanh nghiệp đã eo, lại hẹp khi phải vay tiền tiền để đặt cọc 15% mức giá khởi điểm và nộp 100% sau khi trúng thầu theo quy chế đấu thầu (mỗi DN phải bỏ ra dăm tỷ đồng).
Theo thông tin mà chúng tôi nắm được, hiện số lao động bị mất việc hay không có việc làm do chủ trương bán đấu giá cây đứng lên đến 50-60%, bởi hầu hết lao động của DN chủ yếu làm việc trong nghề khai thác, chế biến, quản lý, BVR. Trong số 315 lao động thì Công ty Hương Sơn chỉ giải quyết việc làm ở nhà máy gạch cho 80 người, số còn lại phần lớn phải xin chuyển công tác hay tự đi tìm việc làm, ai thuê gì làm nấy, thậm chí có người làm cửu vạn, ô sin… để nuôi sống gia đình.
Nguyễn Văn Thắng (27 tuổi) ở Trạm BVR Khe Sinh thuộc Công ty Hương Sơn, tâm sự: Nhiều tháng nay công ty gặp khó, bọn em chỉ nhận được 50% mức lương (khoảng 1,4-1,5 triệu đồng/tháng). Với mức thu nhập này khó mà duy trì cuộc sống tối thiểu; chưa kể việc tiền điện thoại và xăng xe về thăm gia đình ở xã Sơn Kim, cách trạm gần 40 km. Điều kiện sống khó khăn, thu nhập lại thấp và thường xuyên phải chịu áp lực đối đấu với lâm tặc nên nhiều người không còn đủ kiên nhẫn chờ đợi hay toàn tâm toàn ý cho công tác BVR. Cả trạm BVR Khe Sinh có 10 người thì đã có năm người xin nghỉ việc hay xin chuyển khỏi công ty. Có thể đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến vụ phá rừng tàn khốc ở xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn?
Trước tình hình trên, đoàn công tác Bộ NN-PTNT đã vào kiểm tra và ngày 28-3 đã có Công văn số 349/TCLN-VP, gửi Bộ trưởng NN-PTNT để báo cáo Thủ tướng Chính phủ ghi rõ: “Hiện nay, cán bộ và người lao động của Công ty Hương Sơn chưa được trả đầy đủ lương nhưng vẫn phải thực hiện công tác bảo vệ rừng, đời sống khó khăn, số lao động đã giảm 50%, một số công nhân chuyển công tác, nghỉ việc… Từ đầu năm 2011 đến nay, lao động làm việc khai thác, chế biến lâm sản của hai Công ty và lao động thời vụ của địa phương không có việc làm, thu nhập của người lao động giảm. Một số cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm đã xin nghỉ, chuyển công tác đến đơn vị khác…”.
Đồng thời công văn cũng nêu rõ: Khi hai Công ty Hương Sơn và Chúc A không trúng đấu giá cây đứng thì công tác giám sát, hướng dẫn quy trình, quy phạm kỹ thuật của chủ rừng sẽ khó bảo đảm đúng quy định, do người trực tiếp trả tiền cho lực lượng khai khác là tổ chức trúng đấu giá, ảnh hưởng đến hiệu quả BVR, một bộ phận người lao động sẽ không có việc làm…
Khi đoàn công tác Bộ NN-PTNT chưa có kết luận về kết quả kiểm tra xung quanh việc bán đấu giá cây đứng ở Hà Tĩnh, thì ngay sau khi đoàn vừa rời Hà Tĩnh đúng một ngày, Sở NN-PTNT Hà Tĩnh lại vội tổ chức việc mở thầu bán đấu giá cây đứng thuộc vùng rừng Công ty Chúc A quản lý. Kết quả đấu thầu, chủ rừng (Công ty Chúc A) chỉ trúng được 1/3 gói, các gói còn lại thuộc về tư nhân.
CBCNV Chúc A đều sốc trước kết quả này và tự hỏi: Chúng tôi là chủ rừng, bao đời nay gắn bó máu thịt với từng cánh rừng, xem rừng như tài sản của mình để gìn giữ nay lại phải “đấu thầu” với những người có tiền để mua lại chính tài sản của mình được Nhà nước giao?! Với cơ chế quản lý như hiện nay, nguy cơ rừng sẽ bị tàn phá là điều khó tránh khỏi, bởi khai thác rừng là những người trúng thầu, chứ không phải là chủ rừng – người nuôi dưỡng rừng.
Trong Công văn số 349/TCLN-VP trên, Đoàn công tác Bộ NN-PTNT đề nghị Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh dừng thực hiện quy chế bán đấu giá cây đứng gỗ rừng tự nhiên đối với hai công ty Chúc A và Hương Sơn
THÀNH CHÂU
Nhân Dân