Truy quét, bắt, đẩy đuổi là việc của công an, gái mại dâm cứ “dạt” đi ít hôm lại quay về chốn cũ. Đa số gái mại dâm ở “phố vẫy” đến từ các huyện miền núi phía Tây Nghệ An và Quảng Bình. Các cô tự nguyện, chấp nhận việc bán thân và rất hiểu rõ hành vi của mình. Nhưng mỗi khi bị công an bắt là lại khóc tỉ tê, xoen xoét khai: mới, lần đầu, lỡ dại, hứa sẽ không tiếp tục nữa. Thế nhưng, khi được thả ra lại “ngựa quen đường cũ”.
Đại úy Nguyễn Phi Hải – trăn trở: “Tình hình mại dâm ở đây phức tạp, phần lớn gái bán dâm đến từ các vùng sâu, vùng xa và đa phần đều xác định mục đích “làm gái” kiếm tiền. Tôi đã từng tự hỏi, tại sao không thể xử lý dứt điểm được tình trạng này? Vấn đề tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế lại hết sức khó khăn khi lực lượng chức năng mỏng, khi cả chủ chứa và gái mại dâm đều không muốn hoàn lương nên sau những lần truy quét, xử phạt hành chính thì đâu lại vào đó”.
Các em bé vẫn chơi đùa bên các cô gái đang chào hàng ở “phố vẫy”. |
Từ năm 2009 đến nay, Công an huyện Kỳ Anh đã khởi tố 10 vụ về tội “Chứa mại dâm”, “Môi giới mại dâm” và “Mua dâm người chưa thành niên”; xử lý hành chính 47 cơ sở kinh doanh có chứa gái hoạt động mại dâm và 62 nhân viên, 15 khách mua dâm. Còn ở Cẩm Xuyên, riêng năm 2013, Công an huyện đã bắt, xử lý 7 vụ, trong đó khởi tố hình sự 4 vụ liên quan đến hoạt động mại dâm. Nhìn vào thực tế thì quả thật chẳng bõ bèn gì, có điều muốn củng cố hồ sơ cấu thành tội hình sự là một việc làm không đơn giản.
Ông Nguyễn Xuân Tào – Trưởng công an xã Kỳ Phong cho biết: “Hoạt động mại dâm ở khu vực này rất tinh vi, chủ quán thường sử dụng theo 2 cách: một là nuôi giấu gái trong nhà; thứ hai, chỉ khi khách có yêu cầu mới liên hệ “điều hàng” về quán. Xã kiên quyết không cho đăng ký hộ tịch, hộ khẩu đối tượng gái mại dâm và đuổi khỏi địa phương nếu phát hiện hành vi bán dâm, nhưng cứ đuổi chỗ này, chúng lại chạy sang chỗ khác. Vận động cả chục năm mới có được 15 nhà chuyển nghề, còn lại cứ bắt rồi tái phạm”.
Không thể cảm thông cho cái “nghề” bất nhân kinh doanh trên thể xác con người, song nghĩ lại thấy chua chát khi chỉ vì cái kế sinh nhai mà người dân lương thiện trở thành những “con quỷ” động mại dâm. Họ biết cái khốn nạn của nghề. Không ít người muốn quay trở lại nhưng hoặc không bước qua được cám dỗ, hoặc nếu dừng lại, họ không có nghề làm ăn. “Mấy năm nay, nhiều nhà bỏ nghề rồi, người trở lại chăn nuôi, người mở ốt xây dựng bia, mộ hoặc chỉ bán cơm bình thường. Chúng tôi cũng muốn chuyển nghề lắm nhưng anh nghĩ, giữa cái đất này, ruộng vườn không có, lấy gì làm ăn. Thôi thì đâm lao phải theo lao” – một “tú bà” bộc bạch.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhức nhối ở “phố vẫy”, trong đó việc xử lý thiếu kiên quyết của các cơ quan chức năng và chưa có chế tài xử phạt thỏa đáng cũng là điều đáng bàn. Theo tổng kết của vị Trưởng công an xã Kỳ Phong thì trên địa bàn xã có 18 gia đình có án về tội chứa chấp, hoạt động mua bán trẻ em, phụ nữ. Chỉ có điều, trường hợp xử lý nặng nhất là nhận án treo, còn lại là xử phạt hành chính.
Nhớ lại ở Cẩm Xuyên, năm vừa rồi cũng bắt được 7 vụ nhưng chỉ xử lý hình sự được 4 vụ và cũng là án treo. Vẫn biết, tòa án thụ lý vụ án dựa trên quy định của pháp luật, nhưng có quá nhiều án treo như vậy liệu có đủ sức răn đe đối tượng trước cái nghề siêu lợi nhuận này không, hay chỉ đổ thêm gánh nặng cho địa phương khi phải quản lý đối tượng mà kể cả công an chính quy cũng phải “toát mồ hôi” mới đánh sập được?! Không có số liệu chính thức, song ai cũng cam đoan rằng, chúng không thể cách ly được môi trường, thậm chí, quay lại hoạt động còn tinh vi hơn!
Một nguyên nhân nữa là ý thức bài trừ của người dân địa phương. Tôi không khỏi “hoảng hồn” khi nghe một cán bộ xã bộc bạch, những người làm nghề “buôn gái” dù có cái sai, song rất thiện chí. Bằng chứng là người ta luôn đi đầu trong các khoản đóng đậu và ủng hộ kinh phí cho địa phương! Chẳng hiểu tệ nạn mại dâm đã trở thành một hình thái xã hội hay vì cái nghèo, cái khó mà khiến họ phải… nhắm mắt chấp nhận?!
Những hệ lụy
Ghé vào một quán café không tên nằm giữa “cung đường sung sướng”, đằng sau 2 lớp cửa sắt vững chắc, phủ tấm lưới xanh kín mít là 3 chiếc bàn đơn sơ được bố trí không theo trình tự nào. Cũng đúng thôi vì đến đây, có ai quan tâm đến không gian hay thức uống đâu. Cái người ta tìm đến là điều được giấu kín đằng sau những ngôi nhà, nơi có cái phòng nhỏ ẩm thấp mà nhìn qua tưởng là… nhà vệ sinh! Nghe chúng tôi hàn huyên chuyện mại dâm, gái gú, anh chủ quán từ đâu đem ra hũ rượu ong rừng đãi khách. Ngồi bên cạnh là 2 đứa con của lão, đứa lên 7, đứa lên 4 và dăm ba đứa bạn cùng trang lứa đang chơi nhoay nhoáy trên chiếc điện thoại di động. Nghe chuyện mại dâm mà mặt đứa nào đứa nấy tỉnh queo. Không biết khi lớn lên chút nữa, trong ký ức của chúng có còn lưu lại những hình ảnh dơ bẩn của cái nghề mà bố mẹ chúng theo đuổi?!
Trẻ con ở “phố vẫy” đều vậy cả. Chúng lớn lên bên “nhà thổ”, chơi đùa bên những tiếng nì nèo, chèo kéo khách của mấy ả đào bán thân sặc sụa mùi son phấn rẻ tiền. Bọn thanh niên “choai choai” 14-15 tuổi đã biết “ăn chơi”, rồi dính vào ma túy, trộm cắp và đánh bạc. Năm 2013, Công an Kỳ Anh đã bắt, khởi tố 22 bị can về tội đánh bạc thì có đến 16 bị can có tiền án. Một con số thật đáng giật mình! Và, 3 xã Kỳ Phong, Kỳ Bắc, Kỳ Tiến cũng là điểm có tỷ lệ thanh niên có án tù cao nhất huyện. Đại úy Nguyễn Phi Hải cho biết thêm: “Tình hình tội phạm đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt, nhức nhối, nổi cộm ở địa bàn này là dấu hiệu buôn bán phụ nữ, trẻ em và ma túy (từ đối tượng bảo kê mại dâm – PV)”.
Câu chuyện về cậu quý tử con “tú bà” T.T.O (Kỳ Phong) dù đã đi qua gần 4 năm nhưng vẫn chưa hề lắng xuống ở xứ sở lắm tai ương này. Vừa đủ tuổi khôn thì bị “nàng tiên nâu” cướp mất linh hồn, ăn chơi, lêu lổng, từ đối tượng nghiện ma túy, cậu thanh niên này đã “dính” vào lao lý lúc nào không hay. Vào một ngày cuối tháng 4/2010, y bị công an bắt với tội danh tàng trữ chất ma túy và trộm cắp xe máy. Và chỉ sau đó 2 ngày, y treo cổ tự tử trong nhà tạm giam trước sự ngỡ ngàng của cha mẹ. Chẳng đủ làm gương, đối tượng N.V.Q., con nhà ông D. cùng xã cũng “dính” tội tàng trữ ma túy và trộm cắp xe máy, vừa bị bắt hôm 24/1/2014. Có người chậc lưỡi, đúng là đồng tiền có mắt. “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Nghiệp chướng!
Sống trong “phố vẫy”, người ta quen với những cái nhìn xỉa xói, mỉa mai của người đời. Bây giờ mà vẫn có nơi chi bộ cả chục năm nay không lấy nổi một thành tích. Đáng thương nhất là có cá nhân đã được bình xét nhận giấy khen cuối năm, thế mà đưa lên, đặt xuống thế nào lại bị xã cắt mất vì… nhà nằm trong điểm “nóng”!
Thay lời kết…
Rời “cung đường sung sướng” khi “phố vẫy” đã lên đèn. Trước các quán cơm, café, các cô gái đã thay những chiếc ô bắt mắt bằng chiếc đèn pin loang loáng sáng. Một ngày thực tế cho chúng tôi cảm nhận, thấu hiểu hết những mặt trái và hệ lụy của nạn mại dâm nơi đây. Điều đọng lại rõ nhất trong tôi đó là ánh mắt trẻ thơ ở “phố vẫy” dường như đã phủ đầy bụi phấn hương. Liệu chúng có biết những dự cảm chẳng lành phía trước?!…
Nhóm P.V/ Baohatinh.vn