Trong nước

“Đạo đức kém thì ở đâu Bí thư cấp ủy cũng dễ câu kết, tham nhũng”

PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn - Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ủng hộ việc triển khai ngay quy định Bí thư cấp uỷ không phải người địa phương trên thực tế vì đây là một trong những giải pháp mang tính đột phá, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hiện tượng tham nhũng trong công tác cán bộ.

- Hội nghị Trung ương 7 đã thông qua Nghị quyết về công tác cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025 mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, cơ bản bố trí Bí thư cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương. Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã quán triệt triển khai ngay nội dung này trên thực tế. Ông nghĩ sao về việc này?

- Đây không phải là vấn đề mới, bây giờ mới đặt ra. Trước đây, việc này đã được quy định trong các Quyết định 37, 24 của Đảng. Có điều chúng ta thực hiện chưa nghiêm, chưa đến nơi đến chốn.

Biện pháp này, thực tế từ thời phong kiến cũng đã được áp dụng. Thời ông cha chúng ta đã có quy định người đứng đầu địa phương không phải người địa phương, thậm chí còn cấm mua bán đất đai, lấy vợ ở vùng đó để tránh bị tác động bởi các mối quan hệ. Thời phong kiến đã quy định chặt chẽ đến như vậy đấy.

Đến nay, Trung ương đánh giá lại vấn đề, nhận định việc thực hiện quy định Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương thời gian qua không đến nơi đến chốn, nhiều nơi không thực hiện, còn để xảy ra sai sót lớn. Tất nhiên, sai sót cũng do nhiều cơ chế chứ không chỉ riêng việc lãnh đạo cấp ủy là người địa phương.

Trong hoàn cảnh hiện nay, tôi cho rằng, đây là một trong những giải pháp mang tính đột phá, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hiện tượng tham nhũng trong công tác cán bộ, nhất là việc bố trí người thân, người quen, người cùng “cánh hẩu” vào vị trí lãnh đạo. Yêu cầu Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương lần này sẽ có cơ chế áp dụng chặt chẽ hơn.

PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn - Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

- Như ông nói, quy định đã có trong các nghị quyết ban hành trước đây của Đảng nhưng nhiều nơi lại không thực hiện thời gian qua. Vậy đâu là điểm vướng hay là khâu yếu khiến một biện pháp đáng kỳ vọng như vậy lại không mang tới hiệu quả, để đến giờ Trung ương phải quy định lại?

- Tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách hiện vẫn đang là khâu yếu nhất trong quá trình quản lý của nhà nước. Đã yếu thì phải tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý.

Trung ương 7 xác định đây là giải pháp đột phá thì đúng là phải cương quyết làm thôi. Chính vì thời gian qua chúng ta không làm đến nơi đến chốn dẫn đến hậu quả nhiều nơi bố trí cán bộ không đúng. Vậy nên, khắc phục hậu quả lúc này, trước hết là bằng cách làm cương quyết. Theo tôi, nếu làm được sẽ hạn chế được tình trạng cục bộ, bố trí người thân, người nhà vào vị trí thân quen, cánh hẩu.

Bên cạnh đó cũng phải nhìn nhận, trong công tác cán bộ, công tác kiểm tra, đánh giá đang là khâu yếu kém nhất. Có ai lục hồ sơ cán bộ xem có đủ tiêu chuẩn hay không, xem xét xem hồ sơ có sai ở đâu không?

Trong lý lịch cán bộ nào cũng có bằng cấp này, bằng cấp kia nhưng nhiều trường hợp đưa bằng “dởm” vào cơ quan chức năng cũng không biết, đến khi có kiện cáo mới lộ ra chuyện đó chứ ban đầu tổ chức có xác minh, kiểm tra nghiêm túc đâu.

Hay chuyện kê khai tài sản, cũng có mấy người rà soát xem lại cán bộ nào kê khai không đúng, bao nhiêu người kê khai sai đâu.

- Nhưng kỳ vọng việc áp đụng đồng bộ quy định Bí thư cấp uỷ không phải người địa phương có ngăn chặn được triệt để tình trạng tham nhũng trong công tác cán bộ hay chặn cửa này sẽ đẻ ra những kiểu mặc cả, thoả thuận, những trò biến tướng khác khó lường, thưa ông?

- Để ngăn chặn những tiêu cực trong công tác cán bộ thì không chỉ riêng quy định Bí thư cấp ủy không phải người địa phương là giải quyết được mà còn có nhiều vấn đề khác phải làm đồng bộ. Quan trọng nhất là xây dựng được tiêu chuẩn đạo đức của người đứng đầu cấp ủy. Dù không phải người địa phương nhưng nếu phẩm chất đạo đức kém cũng sẽ câu kết để tham nhũng.

Thực tế, thời gian qua, tinh thần phê bình và tự phê bình chưa được phát huy cao độ. Rõ ràng, trong cấp uỷ không chỉ có mỗi Bí thư còn có vai trò của Ban thường vụ cấp ủy. Khi thấy người không đủ tiêu chuẩn mà ban thường vụ vẫn giơ tay biểu quyết, bỏ phiếu thì phải chịu trách nhiệm chung về quyết định đề bạt, bổ nhiệm sai. Ví dụ, Ban thường vụ có 13 người thì Bí thư chỉ là 1, giữ một phiếu như tất cả các uỷ viên khác, còn 12 người khác nữa chứ.

Hiện chúng ta xử lý người có quyền, nhưng quyền là của tập thể chứ không phải chỉ một người có quyền. Tập thể Ban thường vụ chịu trách nhiệm cuối cùng. Biết cán bộ không đủ tiêu chuẩn mà vẫn quyết định đề bạt, vẫn giơ tay biểu quyết thì rõ ràng là sai.

Đó chính là biểu hiện của việc phê bình và tự phê bình tính chiến đấu kém, tập thể lãnh đạo biết việc không đúng nhưng vẫn không đấu tranh.

- Vậy tại sao ông cho rằng áp dụng quy định Bí thư cấp uỷ không phải người địa phương là giải pháp đột phá cho công tác cán bộ, cho cuộc chiến chống tham nhũng trong bối cảnh hiện nay?

- Đây là một biện pháp ngăn ngừa. Mà để ngăn ngừa tham nhũng thì cơ chế phải chặt chẽ, như Singapore hay Trung Quốc đang làm, phải chặt đến mức cán bộ có muốn tham nhũng cũng không thể được. Theo đó, phải quy trình hóa các khâu, xác định cụ thể cá nhân chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, cấp trên phải tăng cường kiểm tra giám sát đối với cấp dưới. Thực tế, Ủy ban kiểm tra cấp huyện không thể kiểm tra, giám sát Bí thư huyện uỷ mà việc này phải để Ủy ban kiểm tra cấp tỉnh.

Tương tự, việc kê khai tài sản, hiện chúng ta yêu cầu cán bộ kê khai rất nhiều nhưng không thấy ai xác minh, so sánh tài sản lúc vào, lúc ra, năm này, năm khác biến động, bổ sung thế nào. Phải thấy, trong một năm, cán bộ mua nhà mà không bổ sung tài sản này vào bản kê khai tức là không trung thực với Đảng. Vậy nên cần công khai bản kê khai tài sản để người dân biết vì nếu dân không biết, sao có thể giám sát, xác định được bản kê khai của cán bộ là đúng hay sai.

Mặt khác, khi phát hiện ra tài sản không minh bạch thì phải tịch thu hết. Luật phải nghiêm ở mức đó thì mới được, chứ cứ giải thích tài sản của con nhưng con còn nhỏ, làm gì mà có được tài sản lớn đến thế, hay mẹ già ở quê làm gì có tiền mà đứng tên biệt thự, biệt phủ nguy nga, rồi lại còn giải thích nguồn gốc tài sản là do buôn chổi đót, lá chít…

Thời gian qua, chính do cơ chế chưa chặt chẽ dẫn tới các nhóm lợi ích, tham nhũng diễn biến phức tạp, các cơ quan, người lãnh đạo không dám “đụng” vì có khi chạm vào nó… “đụng” luôn mình. Cuộc chiến chống tham nhũng không hề đơn giản, thậm chí càng ngày càng khó lường. Nhưng theo tôi, quy định Bí thư cấp ủy không phải người địa phương là một trong những giải pháp đột phá mà nếu được thực hiện nghiêm sẽ giúp tránh được những khuyết điểm bộc lộ thời gian qua, như việc đưa người nhà không đủ tiêu chuẩn vào làm lãnh đạo, lũng đoạn bộ máy.

- Xin cảm ơn ông!

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP