Danh Nhân

Danh nhân văn hóa Phan Đình Tá (Thị trấn Nghèn)

Nhà thờ và lăng mộ Phan Đình Tá thị trấn Nghèn được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 1213/QĐ-UBND ngày 10 tháng 4 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.

Theo gia phả, dòng họ Phan Đình có nguồn gốc từ xã Phù Lưu, huyện Thiên Lộc (nay là xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà) chuyển về định cư ở vùng đất này vào khoảng giữa thế kỷ XVI. Việc khai nghiệp và lập nên dòng họ Phan Đình nơi đây liên quan đến nhân vật “Lưỡng triều thượng thư” Phan Đình Tá.

Ấy là khi Phan Đình Tá, một đại thần triều Mạc (làm quan đến Thượng thư, tước Hầu) cáo quan về hưu vào khoảng thập niên 30 của thế kỷ XVI, do quan niệm chính thống, các nhà nho đương thời không thừa nhận nhà Mạc, ông phải hứng chịu không ít điều tiếng dèm pha. Thêm vào đó, đến những năm 1539 – 1540 vua Lê và các quân thần trong công cuộc phục hưng (thường gọi Nam triều để phân biệt với triều đình nhà Mạc – Bắc triều) tổ chức lực lượng tiến đánh và làm chủ các vùng Thanh Hóa, Nghệ An (bao gồm cả Hà Tĩnh ngày nay). Đã có những cuộc thanh trừng các công thần phò Mạc, vì vậy Phan Đình Tá đành rời quê đem theo gia đình đến sinh sống ở vùng núi Nghèn. Sau khi mất, mộ ông được táng tại xứ Ông Nông, dốc cửa Dộc dưới chân núi Nghèn, cách nhà thờ chưa đầy 1km. Đến đầu thế kỷ XVIII, khi xây dựng nhà thờ, nhằm nhắc nhở con cháu hậu thế nơi cội nguồn, xuất xứ của dòng họ, tiền nhân đã khắc hai câu đối:

“Mạch dẫn Châu Khê hồi vượng khí

Ấm nồng Mã lĩnh phát thâm căn”

“Mạch tiếp Mã sơn hồng hoạt viện

Lan đăng Nghiện thủy táo tần hương”.

(đại ý rằng xuất xứ của dòng họ ở Châu Khê), sau đến Mã Lĩnh (núi Mã ở Phù Lưu xưa, nay thuộc xã Tân Lộc) rồi tiếp đến Nghiện Thủy (tên của sông Nghèn).

Trãi qua gần 5 thế kỷ hình thành và phát triển trên mãnh đất Trảo Nha, các thế hệ con cháu của dòng họ Phan Đình nhiều người chăm lo học hành theo nghiệp khoa cử, lại có người miệt mài rèn luyện nghiệp võ quan. Dưới thời phong kiến, nhiều nhân vật và những văn thần, võ tướng đóng góp công lao cho sự nghiệp ổn định triều chính, chăm lo đời sống nhân dân.

hatinh

Khu Lăng mộ Phan Đình Tá

Phan Đình Tá (1468 – ?) người xã Phù Lưu, huyện Thiên Lộc, đạo Nghệ an (nay là xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Lớn lên ở một vùng quê nghèo, hằng ngày Phan Đình Tá vừa đảm đương công việc đồng áng, vừa chăm lo đèn sách quyết chí đăng khoa hiển hoạn. Tháng 4 năm Kỷ Mùi (1499) năm Cảnh Thống thứ 2 đời vua Lê Hiển Tông, Phan Đình Tá lúc này 31 tuổi, lều chõng lên kinh thi Hội. Sử cũ chép rằng: “bấy giờ học trò ứng cử đến hơn 5.000 người…cho nghỉ tào (Bộ lễ) định ra phép thi, cận thần ra đầu bài thi, in ra đưa xuống từng lều cho học trò…hợp cách được 55 người”, trong đó có Phan Đình Tá. Ngày mồng 9 tháng 7 thi điện, Phan Đình Tá đỗ đệ nhị giáp đồng tiến sỹ xuất thân (Hoàng giáp), xếp thứ 7 trong số 24 người trúng Nhị giáp tiến sỹ xuất thân.

Sau khi đậu đại khoa, Phan Đình Tá xuất chính làm quan. Trãi  nhiều chức trong triều ngoài trấn, đến khoảng năm Quang Thiệu thứ 3 (1518) ông lĩnh chức Thừa chính sứ Nghệ An (thời bấy giờ cả nước chia làm 13 đạo thừa tuyên, Thừa chính sứ là chức quan đứng đầu một đạo thừa tuyên, trật tòng tam phẩm). Về sau, tuy triều đình biết ông là người bản xứ, muốn điều ông ra giữ chức Thừa chính sứ Kinh Bắc, bèn cải bổ Thừa chính sứ Kinh Bắc Phạm Kiêm Bỉnh vào Nghệ An. Phan Đình Tá không muốn xa quê, tâu xin cho ở lại, nên cùng với Khiêm Bỉnh cùng trị nhậm ở Nghệ An. Trong khoảng thời gian từ 1522 – 1527, Phan Đình Tá được thăng chức Thượng thư Bộ lại, tước Lan Xuyên bá (dưới thời phong kiến, Bộ lại là bộ quan trọng nhất, đứng đầu lục bộ, đảm nhận chức năng thăng bổ, miễn nhiệm trăm quan, trật tòng Nhị phẩm).

Năm 1952, Phan Đình Tá thừa lệnh vua Lê Cung Hoàng tấn phong cho Mạc Đăng Dung từ tước Nhân quốc công lên tước An Hưng Vương. Với suy nghĩ làm quan là đem toàn bộ tài năng, sức lực của mình cống hiến cho đất nước, phục vụ lợi ích của nhân dân. Sau khi nhà Mạc trị vì, Phan Đình Tá tiếp tục cộng tác với tân triều hòng góp phần phục hưng đất nước Đại Việt đã suy tàn cuối thời Lê sơ, được Mạc Đăng Dung trọng dụng ban cho chức tước cao trọng. Ông nằm trong số 56 công thần được Mạc Đăng Dung ban phong sau khi lên ngôi. Dưới triều Mạc, Phan Đình Tá làm đến Lại bộ Thượng thư, tước Lan Xuyên hầu, được người đời biết đến là “Lưỡng triều Thượng thư”, “Lưỡng triều Tể tướng”. Sau này Phan Đình Tá cáo quan về hưu vui thú điền viên, Theo tài liệu của dòng họ Phan Trảo nha, khi về quê thấy cuộc sống người dân khổ cực do mất mùa, hạn hán, ông đứng ra huy động nhân dân đào kênh mương dẫn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, mở đường thông thương với các vùng lân cận. Khi lực lượng tôn phù trung hưng nhà Lê (thường gọi là Nam triều để phân biệt với Bắc triều của nhà Mạc) làm chủ vùng Thanh Hóa, Nghệ An (bao gồm cả Hà Tĩnh ngày nay), phần vì áp lực do có thời gian theo nhà Mạc, lo sợ một cuộc thanh trừng có thể xẩy đến, Phan Đình Tá đành rời quê đem theo gia đình đến định cư ở phía Tây Nam chân núi Nghèn và mất tại đây vào ngày 01 tháng 12 âm lịch (không rõ năm).

Ngọc Bé

Phòng Văn hóa – Thông tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP