Nguyễn Viết Phúc sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở một làng quê nghèo khó, điều kiện học hành rất khó khăn. Ông là người có thân hình to lớn và có sức khỏe phi thường. Nhiều câu chuyện dân gian còn được truyền tụng cho đến bây giờ, kể rằng: Hàng ngày đi cày ruộng ông thường bế trâu đi, khi cày xong ông lại bế trâu lên bờ rửa chân cho trâu và bế về. Mỗi khi cày ruộng, giữa buổi nghỉ giải lao, ông lên ngồi trên mỏm đá để nghỉ ngơi và lâu ngày để lại nguyên vết lõm vào đá núi cho đến ngày nay (mặc dù núi hiện nay đã bị khai thác, nhưng riêng hòn đá khi xưa ông ngồi để lại dấu vết bị lăn xuống mương nước, nhưng không ai dám lấy về để sử dụng).
Nguyễn Viết Phúc đã sớm gia nhập quân đội của nhà Lê, tham gia dẹp giặc ở biên giới phía Bắc, lập được nhiều chiến công lớn và được phong chức Đô đốc chỉ huy sứ ( chính vì thế nhân dân địa phương gọi thân mật ông là ông Đô Lối, một sự thể hiện rất tình cảm của nhân dân). Rất nhiều trận ông dẫn quân dánh cho giặc phải thua tan tác và chạy về bên Trung Quốc, thừa thắng ông dẫn quân đánh sang đất Trung Quốc và bị tử trận trên đất Trung Quốc. Sau khi mất, Đô Đốc chỉ huy sứ Nguyễn Viết Phúc đã được vua Lê Cảnh Hưng ghi nhận công lao, ban tặng sắc phong, phong tước ” Đặc tiến tán trị công thần phụ quốc Thượng tướng quân” và cho lập đền thờ tại quê nhà, gọi là Đền Đô Lối.
Ngọc Bé