Năm 2003 trở thành bước ngoặt khó quên đối với mảnh đất này, khi Chính phủ có Nghị định thành lập thị trấn Thiên Cầm trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của xã Cẩm Long. Chuyển đổi đơn vị hành chính từ xã sang thị trấn, Thiên Cầm đã phải khoác lên mình chiếc áo quá khổ. Xã Cẩm Long – tiền thân của thị trấn Thiên Cầm vốn là một xã nghèo thuộc vùng biển ngang của huyện Cẩm Xuyên, đời sống của 80% dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Cùng với niềm tự hào, Đảng bộ và nhân dân nơi đây lại đối mặt với khó khăn về cơ sở hạ tầng, đời sống của nhân dân chưa đáp ứng yêu cầu của một khu đô thị.
Khó khăn chồng chất càng tôi luyện thêm ý chí và lòng quyết tâm vượt khó của Đảng bộ và nhân dân thị trấn Thiên Cầm. Bên cạnh đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho mỗi một cán bộ, đảng viên gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, việc quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) cũng đã góp phần đẩy lùi và ngăn chặn những biểu hiện suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống, ngăn ngừa các biểu hiện mất đoàn kết, thiếu thống nhất trong Đảng. Sức mạnh của của các tổ chức, chi bộ cơ sở, nhất là những vùng khó khăn cũng được địa phương đặc biệt quan tâm thông qua việc tăng cường theo dõi, phát hiện và bồi dưỡng những đoàn viên ưu tú vào hàng ngũ của Đảng. Nhờ thế, trong năm 2011, Đảng bộ đã xóa được chi bộ ghép phát triển thêm 16 đảng viên, năm 2012 phát triển thêm 22 đảng viên mới ở 9 chi bộ, nâng tổng số đảng viên toàn xã lên 276 người. Từ một đảng bộ còn nhiều hạn chế, năm 2012, Đảng bộ Thiên Cầm đã được đánh giá là đơn vị trong sạch vững mạnh.
Sức mạnh của tổ chức Đảng ngày càng được củng cố, những khó khăn vì tồn đọng cấp đất trái thẩm quyền với hơn 300 lô cũng dần được tháo gỡ bởi đội ngũ cán bộ lãnh đạo có năng lực, nhiệt huyết. Điều đặc biệt quan trọng tạo nên sức sống mới trên vùng đất Kỳ La còn phải kể đến đề án xây dựng và chỉnh trang đô thị dựa trên 19 tiêu chí NTM. Đồng chí Trần Đình Hải – Bí thư Đảng ủy thị trấn Thiên Cầm cho biết: “Việc xây dựng các tiêu chí chỉnh trang đô thị đã được sự thống nhất cao trong Đảng bộ, HĐND và sự đồng thuận của bà con. Đó chính là động lực tiếp sức cho chúng tôi trên bước đường khắc phục khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc”.
Hiện nay, thị trấn có 80% dân số sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, hộ nghèo chiếm 17,8%… nên việc đa dạng hóa các loại ngành nghề phụ, phát triển các loại hình dịch vụ, khơi dậy tiềm năng lợi thế của quê hương đang trở thành nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ Thiên Cầm. Song song với việc chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức của người dân, thị trấn còn có chính sách hỗ trợ kinh phí phát triển các mô hình làm kinh tế, như: chăn nuôi, làm nấm, nuôi trồng thủy hải sản. Hiện tại, xã đã thành lập được 7 tổ hợp, HTX làm kinh tế, trong đó nổi bật nhất là mô hình nuôi sò của 14 gia đình với tổng nguồn thu ước tính trên 4 tỷ đồng/năm.
Sau khi tham quan cánh đồng được quy hoạch hơn 20 ha nuôi trồng thủy sản của tổ dân phố Hương Long, chúng tôi cũng đã được đồng chí Bí thư Đảng bộ thị trấn giới thiệu về cánh đồng lúa mẫu với diện tích hơn 100 ha. Đó là “điểm nhấn” đầu tiên trong khâu đột phá về nông nghiệp của thị trấn. Với sức người, sức của, với khối đoàn kết thống nhất của toàn Đảng, toàn dân, mảnh đất Kỳ La bạc màu xưa, nay đã và đang mang về cho người dân những mùa bội thu với năng suất lúa bình quân 50-52 tạ/ha. Cùng với việc tự nguyện giải tỏa 25 km đường nội thị, tuyến đường liên thôn dài 3,5 km – tuyến đầu tiên của thị trấn đạt tiêu chí NTM cũng đã được hoàn thành với sự đóng góp hơn 10.000 ngày công và gần 2 tỷ đồng của bà con.
Dẫu còn muôn trùng khó khăn và thử thách nhưng diện mạo của thị trấn Thiên Cầm hôm nay đang từng bước đổi thay. Niềm tin, sức mạnh đồng thuận của lòng dân đã trở thành những yếu tố để Đảng bộ Thiên Cầm vững tay chèo nơi sóng gió.
Thúy Ngọc – Anh Hoài
Báo Hà Tĩnh