Xã hội

Dân nghèo “oằn mình” đóng phí đồng cỏ cho trâu bò

Từ nhiều năm nay, người nông dân nghèo tại xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình rất bức xúc trước việc Hợp tác xã tự ý đề ra các khoản thu phí đồng cỏ cho trâu bò, phí đồng ruộng cho gà, vịt. Thậm chí, các hộ dân có máy cày, máy gặt muốn ra đồng sản xuất cũng phải nộp phí bảo trì đường bộ.

Gặp chúng tôi, chị V.T.L., (thôn Thống Nhất, xã An Ninh), nhà có 5 con trâu bức xúc cho biết, từ nhiều năm nay, chị L. muốn lùa đàn trâu ra ăn cỏ ở cánh đồng trước nhà thì phải đóng lệ phí cho Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất. Mỗi năm, chị phải trả 100.000 đồng/con, con nghé thì 50.000 đồng.

“Mấy năm ni, giá trâu rẻ nên tui xin hạ mức đóng phí nhưng Hợp tác xã không chấp nhận. Nhiều hôm tui liều đưa lén đàn trâu ra thả ở đồng thì bị người của Hợp tác xã phát hiện, xua đuổi đi nơi khác”, chị L. than phiền.

Từ nhiều năm nay, người nông dân nghèo tại xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình rất bức xúc trước việc Hợp tác xã tự ý đề ra các khoản thu phí đồng cỏ cho trâu bò, phí đồng ruộng cho gà, vịt.

Ở thôn Thống Nhất, không chỉ hộ gia đình chị L. mà còn rất nhiều trường hợp khác nhiều năm nay phải “oằn mình” đóng các khoản phí vô lý mà Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tự đặt ra.

Không chỉ ở thôn Thống Nhất, kề bên cạnh là thôn Hoành Vinh, người nông dân nghèo nơi đây cũng đang chịu cảnh tương tự. Người dân thôn này cho biết, hàng năm Hợp tác xã Hoành Vinh cũng tổ chức thu phí đồng cỏ cho trâu, bò với mức mỗi năm từ 50 ngàn đồng đến 70 ngàn đồng/con.

Không chỉ thu phí đồng cỏ, Hợp tác xã Thống Nhất và Hoành Vinh còn thu phí đồng ruộng cho gà, vịt. Thậm chí, các hộ dân có máy cày, máy gặt lúa muốn ra đồng sản xuất cũng phải nộp phí bảo trì đường bộ 300 ngàn – 500 ngàn đồng/máy.

Lãnh đạo địa phương khẳng định sẽ sớm kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm thì sẽ xử lý nghiêm và trả lại tiền cho bà con

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Long, Chủ tịch UBND xã An Ninh cho biết, các Hợp tác xã tự ý thu phí nên ủy ban xã không nắm bắt được. “Chúng tôi sẽ cho kiểm tra, nếu thấy không đảm bảo và hợp lý thì sẽ chấn chỉnh ngay”, ông Long nói.

Đem bức xúc này đến lãnh đạo UBND huyện Quảng Ninh, ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện cho biết, nếu là đất của cá nhân mà khi chưa có thoả thuận thì người dân không thể tự ý cho trâu bò, gà vịt xuống ăn được. Còn nếu là đất công thì không được quyền thu.

“Huyện sẽ thành lập đoàn công tác xuống tận nơi để kiểm tra tình hình, nếu phát hiện sai phạm thì sẽ xử lý nghiêm và trả lại tiền cho bà con”, khẳng định.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc!

Tác giả: Đặng Tài

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP