Việt Nam

Đại biểu Quốc hội đề nghị có biện pháp bảo vệ chủ quyền biển đảo

Theo chương trình chiều 5/6, Quốc hội họp kín, nghe Chính phủ báo cáo về tình hình biển Đông.

Cho rằng chỉ báo cáo về những hành vi của Trung Quốc là chưa đủ, đại biểu Nguyễn Anh Sơn đề nghị cần có biện pháp, cách thức bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Băn khoăn vì Quốc hội chỉ bố trí thời gian để nghe mà không bàn, ông Nguyễn Anh Sơn – đại biểu đầu tiên đề nghị Quốc hội thảo luận vấn đề này – bày tỏ: “Tôi rất muốn có cơ hội để nói một tiếng chính thức, vì rất có thể đến một ngày nào đó Trung Quốc sẽ đưa ra bằng chứng rằng ngày ấy khi chúng tôi làm như thế mà Quốc hội các ông không có quan điểm gì”.

Đại biểu Sơn lý giải, trong lịch sử, Trung Quốc đã viện ra các loại văn bản để nói rằng trước đây Việt Nam đồng tình với Trung Quốc. Dù bản chất vấn đề không phải như vậy, nhưng họ vẫn vin vào để xuyên tạc.

Điều ông chờ đợi là những định hướng, biện pháp, cách thức mà Đảng, Nhà nước phải làm, sẽ làm để bảo vệ chủ quyền biển đảo.

“Ở kỳ họp trước, khi trả lời chất vấn, Thủ tướng đã nói một câu rất hay về mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc là vừa hợp tác vừa đấu tranh. Hợp tác là điều rất cần thiết, nhưng không phải vì hợp tác mà Việt Nam quên đi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, không phải vì hợp tác mà chấp nhận hy sinh, dù chỉ một tấc đất của tổ quốc”, Trưởng đoàn đại biểu tỉnh Nam Định nhắc lại.

Đánh giá các tuyên bố phản đối của người phát ngôn Bộ Ngoại giao trước việc Trung Quốc nhiều lần có hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, ông Sơn cho rằng như vậy là phù hợp với tình hình. Trước một số ý kiến cử tri cho rằng, dường như Việt Nam vẫn còn rụt rè so với một số quốc gia khác, đại biểu này bày tỏ: “Cần nhìn nhận vấn đề một cách toàn cục hơn, không phải chỉ có mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc mà còn là mối quan hệ với các quốc gia khác”, ông Sơn nói.

truong-sa-6214-1413515394-2553-6326-8206

Trung Quốc cải tạo đất phi pháp trên bãi Gạc Ma, quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: Inquirer.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng Quốc hội cần quan tâm hơn đến tình hình biển Đông. Trước diễn biến phức tạp, người dân cần phải biết được thông tin đúng, đường lối đúng. “Tôi hiểu trong ngoại giao có những vấn đề tế nhị liên quan đến lợi ích quốc gia, nhưng căn bản vẫn phải tin vào dân. Năm ngoái, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao đã báo cáo tình hình với Quốc hội. Chúng tôi đang cần thông tin công khai để nói với cử tri”, ông Quốc nêu.

Theo ông Quốc, so sánh với việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép thì việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trái phép ở Trường Sa là đặc biệt nghiêm trọng. “Kỳ họp trước Quốc hội đã ra thông cáo thì trong kỳ họp này phải có hành động mạnh mẽ hơn, tuy nhiên hình thức như thế nào thì cần cân nhắc cho phù hợp với giải pháp ngoại giao”, ông nói.

Trước đó ngày 1/6, ​ông Dương Trung Quốc đã gửi thư tới Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan lập pháp tối cao bày tỏ thái độ rõ ràng khi Trung Quốc ráo riết xây đảo ở Trường Sa. Ông đề nghị Quốc hội có tuyên bố thể hiện quan điểm bởi đại biểu là đại diện cho nhân dân. Nếu Quốc hội im lặng người dân sẽ không hiểu.

“Tôi chưa nhận được thư phúc đáp từ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về vấn đề này”, ông Quốc thông tin.

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chiều nay Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ báo cáo trước Quốc hội về tình hình biển Đông. “Quốc hội muốn phát huy trách nhiệm trước dân, để tiếng nói của nhân dân, cử tri được phản ánh tới Quốc hội, Chính phủ đóng góp chủ trương, giải pháp sát với thực tế cuộc sống, từ đó đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại của đất nước”, ông Phúc cho hay.

Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc tăng tốc bồi đắp và cải tạo 7 đá ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Hồi tháng 5, Mỹ công bố hình ảnh từ máy bay trinh sát cho thấy có vũ khí tại một trong những đảo nhân tạo này – thông tin củng cố cho giả thiết Trung Quốc cải tạo đảo nhằm mục đích quân sự. Hành động này được cho là bàn đạp để lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) bao trùm toàn bộ biển Đông, từng bước hiện thực hóa đường lưỡi bò. Nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới trong đó có Mỹ đã phản ứng mạnh mẽ hành động làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông của Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 16/4 lên tiếng khẳng định. mọi hoạt động của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa là hoàn toàn phi pháp và vô giá trị.

Tại kỳ họp thứ 7 giữa năm 2014, Quốc hội đã ra thông cáo báo chí về việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Hoàng Thuỳ/ VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP