Báo Gia đình & Xã hội vừa nhận được ý kiến của một số người dân tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) phản ánh về việc một loại đặc sản của huyện miền núi này – cam bù – có khả năng bị các tiểu thương bán lẻ bơm nước, nhằm tăng cân nặng của cam, gây hại cho sức khỏe. Trông thì bắt mắt, bóc lại bốc mùi Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn V. (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) cho hay, lâu nay, ông vẫn nghe đồn rằng tư thương bán lẻ cam bù dọc đường bơm nước vào, cân “điêu” chơi xấu khách hàng. “Thật lòng tôi bán tin bán nghi, vì nghĩ đặc sản của quê hương, làm gì có chuyện bơm nước vào cam bù làm mất thương hiệu như thế! Nhưng hôm qua (27/1), chính tôi chứng kiến “nhãn tiền” điều này” – ông V. kể. Theo lời của ông V. thì sáng qua, con gái ông đi chọn mua mấy cân cam bù, giá gần 200.000đ, nhìn bên ngoài, từng túi cam, quả cam trông rất ngon, mọng, bắt mắt, cầm lên tay nặng, mềm. Khi bóc từng quả ra, nếu không quan sát kỹ, vẫn nguyên lành. Vấn đề ở chỗ, khi bày cam bù lên đĩa, một phút sau, múi cam bị tứa nước xỉn màu, cầm múi cam lên nước chảy ra tay, bỏ lên miệng ăn thì rất nhạt và bốc mùi rất lạ, không thể ăn được. Múi cam bù bóc ra bị dập nát, ông V. cho biết, khác với vị ngọt thanh thường thấy của cam bù chuẩn, quả cam bù này có múi nhạt và bốc mùi lạ “Bực mình vì con gái bỏ gần 200.000đ tiền mua cam nhưng không thể ăn nổi, tôi đích thân lên chợ Thị trấn Hương Sơn mua cam bù thử xem thực hư ra sao. Rút kinh nghiệm, tôi cẩn thận hỏi người bán cam, thì người này hứa chắc như đinh đóng cột là không bơm nước. Ấy vậy mà 1/2 số quả cũng không dùng được. Xót tiền, tiếc của, nhưng cái đáng giận hơn là tiểu thương bán lẻ nhẫn tâm làm hỏng hết thương hiệu đặc sản quê nhà” – ông V. bức xúc nói. Nhận biết ra sao? Ông Nguyễn Huy Lâm, (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh) khẳng định, cam bù là giống cam được Bộ NN&PTNT công nhận là loại cây ăn quả chất lượng cao và được đưa vào danh mục các loại cây ăn quả đặc sản quý cần bảo tồn quỹ gene. Cam bù Hương Sơn chuẩn có vỏ màu đỏ da cam, nhiều nước, tép quả và nước quả có màu hồng. Ông Lâm cho biết, cam bù ở Hương Sơn được trồng chủ yếu ở các xã Sơn Trường, Sơn Phúc, Sơn Mai, Sơn Thủy, Sơn Trung, Sơn Kim, Sơn Tây và Sơn Lĩnh. Cam bù có đặc điểm là quả hình cầu, vỏ nhẵn và dày, trọng lượng bình quân 250g/quả. Khi chín, cam bù có mùi thơm hấp dẫn, vị ngọt thanh, mã quả có màu đỏ da cam, nhiều nước, tép quả và nước quả có màu hồng. Không như các giống cam khác, cam bù là giống chín muộn, chín đúng vào dịp Tết Nguyên đán nên giá trị kinh tế rất cao. Hiện nay, giá 1kg cam bù từ khoảng 45-55.000đ/kg. Đến cận Tết, giá cam bù có thể cao hơn, lên tới 100.000đ/kg tùy loại. Người dân Hương Sơn từ bao đời nay xem cây cam bù như cây bản địa tự nhiên nên hương vị, giá trị của cam bù không những thưởng thức ngọt lịm mà còn là vị thuốc chữa được rất nhiều chứng bệnh như cảm cúm, viêm phế quản, bệnh đường ruột, tim mạch, suy nhược cơ thể… Đặc biệt, đây là thứ quả không thể thiếu trên mâm thờ gia tiên ngày Tết, cũng là món quà dành cho khách quí. Ngày thường, mỗi kg cam loại to nhất, đẹp nhất giá khoảng 60 – 80.000 đồng. Tránh thế nào? Những quả cam bù bị bơm nước có hiện tượng như sau: Bóc ra để 1 phút nước tứa ra khắp múi, múi xỉn màu. Hoặc nhìn vào 1 số chỗ trên múi nước tứa ra theo đường chích. Đặt lên mũi không còn mùi thơm của cam. Nếu người bán bơm nước đã 24 tiếng đồng hổ thì vỏ cam (phía bên trong) bị hoại, múi cam úng, bốc mùi nhẹ. Cam bị bơm nước để 4 ngày thì bị hư thối, nơi bị chích thâm xỉn lên mốc. Nhưng thường thì người bán trước lúc mang ra bán mới bơm và không bơm hết số cam mang ra bán, vì vậy cẩn trọng mua cam là điều cần thiết. Những người dân có kinh nghiệm tại quê hương cam bù cho hay, để tránh mua phải cam bù bị bơm nước, khách hàng: – Không nên mua cam bán nhỏ lẻ dọc đường của những người buôn đi bán lại. Nếu có điều kiện nên mua cam của những người nông dân hái ra từ vườn mang ra chợ bán thì mức độ rủi ro sẽ ít hơn, tốt nhất là mua từ vườn hoặc ở những địa chỉ hoàn toàn tin cậy. – Khi mua cam nên nắn vào quả. Những quả to mọng, nặng bất thường, có những vùng xỉn màu hoặc mềm thì không nên mua. – Trước khi mua hãy bóc thử 1 quả. Vì không kiểm tra được nguồn nước (dùng để bơm vào cam bù) nên không khó hiểu khi người ăn cam có thể dễ ngộ độc thực phẩm, gây đau bụng nôn mửa. Việc bơm nước vào cam bù gây thiệt hại kinh tế khi giá hiện thời khoảng từ 45 – 55.000 đ/kg tùy theo loại. Nếu dùng cam bù để tặng, biếu khách quý, ông V. cho rằng, rất nguy hại vì bản thân người biếu, tặng sẽ mất uy tín, cũng như giống cam bù đặc sản Hương Sơn sẽ bị ảnh hưởng thương hiệu, giá trị. Quỳnh An |
Đặc sản cam bù Hương Sơn bị bơm nước lừa khách hàng?
Khi bày cam bù lên đĩa, một phút sau, múi cam bị tứa nước xỉn màu, cầm múi cam lên nước chảy ra tay, bỏ lên miệng ăn thì rất nhạt và bốc mùi rất lạ…